Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình hình của UNRWA

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình hình của UNRWA

Thứ hai, 12 Tháng 2 2018 15:23

KIẾN NGHỊ CHUNG VỀ MỘT NGHỊ QUYẾT

Ngày 07/2/2018

 

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu về tình hình của UNRWA

 

Nghị viện Châu Âu,

-          - sau khi xem xét các nghị quyết trước đây của mình về Tiến trình Hòa bình Trung Đông,

-          - sau khi xem xét Tuyên bố chung của Liên minh Châu Âu và Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông (UNRWA) ngày 7/6/2017 về sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu dành cho UNRWA (2017-2020),

-          - sau khi xem xét các nghị quyết 194 ngày 11/12/1948 và 302 ngày 8/12/1949 của Liên hợp quốc, và các nghị quyết liên quan khác của Liên hợp quốc,

-          - sau khi xem xét báo cáo ngày 30/3/2017 của Tổng thư ký Liên hợp quốc với tiêu đề ‘Các hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc về Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông’,

-          - sau khi xem xét Điều 123(2) và (4) trong Quy tắc thủ tục của mình,

 

A.xét rằng UNRWA là một cơ quan của Liên hợp quốc do Đại hội đồng thành lập năm 1949 và có nhiệm vụ cung cấp sự hỗ trợ và bảo vệ cho khoảng 5 triệu người tị nạn đã đăng ký của Palestine; xét rằng các dịch vụ của UNRWA bao gồm giáo dục, chăm sóc y tế, cứu trợ và các dịch vụ xã hội, xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng trại tị nạn, bảo vệ và tài chính vi mô; xét rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhắc lại nhiệm vụ của UNRWA rất nhiều lần, mà gần đây nhất là cho tới ngày 30/6/2020 với một cuộc bỏ phiếu của 167 quốc gia thành viên Liên hợp quốc;

B.xét rằng Liên minh Châu Âu và các Quốc gia Thành viên, tính tổng cộng, là nhà tài trợ lớn nhất cho UNRWA, đóng góp 441 triệu euro trong năm 2017; xét rằng Hoa Kỳ, nhà tài trợ riêng lẻ lớn nhất, đã tuyên bố rằng họ sẽ đóng góp 60 triệu đô la Mỹ nhưng giữ lại 65 triệu đô từ một khoản chi 125 triệu đô đã lên lịch trình trước cho UNRWA; xét rằng quyết định này, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là nhằm khuyến khích các quốc gia khác tăng cường viện trợ cũng như thúc đẩy cải cách trong nội bộ Cơ quan này;

C.Xét rằng UNRWA đã phải đối mặt với những thiếu hụt tài chính cơ cấu lớn trong nhiều năm và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2018 cho dù có hay không có quyết định của chính phủ Hoa Kỳ;

D.Xét rằng trong báo cáo ngày 30/3/2017, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm đảm bảo nguồn tiền đầy đủ, dự đoán được và bền vững cho UNRWA;

 

1.Vẫn cam kết chắc chắn với việc hỗ trợ UNRWA trong việc cơ quan này cung cấp các dịch vụ sống còn cho sự ấm no, bảo vệ và phát triển con người của người tị nạn Palestine ở Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Li-băng và Syria; hoan nghênh UNRWA vì những nỗ lực vô cùng lớn lao của cơ quan này, bao gồm việc bảo vệ và hỗ trợ hơn 400.000 người tị nạn Palestine, và rất nhiều hoạt động khác, ở đất nước Syria đang bị chiến tranh giằng xé; nhắc lại rằng UNRWA được thành lập trong tinh thần đoàn kết với người tị nạn Palestine nhằm giảm nhẹ bớt nỗi khổ đau cho họ;

2.Thể hiện mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nguồn vốn của UNRWA; thúc giục tất cả các nhà tài trợ tôn trọng lời hứa của mình với cơ quan này;

3.Lưu ý rằng bất kỳ sự cắt giảm hay trì hoãn bất ngờ nào trong việc chi tiền của nhà tài trợ cho UNRWA đều có thể gây ra những tác động có hại cho việc tiếp cận nguồn hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp cho 1,7 triệu người và chăm sóc y tế cơ bản cho 3 triệu người tị nạn Palestine, việc tiếp cận giáo dục cho hơn 500.000 trẻ em Palestine tại 702 trường học của UNRWA, bao gồm gần 50.000 trẻ em ở Syria, và sự ổn định của khu vực;

4.Lưu ý rằng Liên minh Châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ UNRWA trong việc đảm bảo các nguồn tài chính để cơ quan này có thể thực thi nhiệm vụ được Đại hội đồng Liên hợp quốc giao phó, hoạt động trên một nền tảng bền vững và có chi phí hiệu quả và đảm bảo chất lượng và mức độ của các dịch vụ cung cấp cho người tị nạn Palestine;

5.Hoan nghênh các quyết định của Liên minh Châu Âu và một số Quốc gia Thành viên là đẩy nhanh việc cấp tiền cho UNRWA và thúc giục các nhà tài trợ khác đi theo tấm gương này; thúc giục Hoa Kỳ xem xét lại quyết định của mình và thực hiện đúng việc chi trả toàn bộ khoản đóng góp đã lên lịch trình của họ cho Cơ quan này; hoan nghênh những đóng góp của các quốc gia thành viên của Liên đoàn Ả Rập cho UNRWA, nhưng kêu gọi các quốc gia này tăng thêm cam kết đóng góp để giảm bớt khoảng cách về nguồn cấp vốn;

6.Khuyến khích Liên minh Châu Âu và các Quốc gia Thành viên huy động thêm nguồn tiền cho UNRWA nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính ngắn hạn của cơ quan này; tuy nhiên, nhấn mạnh rằng chỉ có thể đạt được một giải pháp dài hạn cho những thiếu hụt tài chính định kỳ của Cơ quan này thông qua một cơ chế cấp vốn bền vững trong một khuôn khổ đa phương toàn cầu; thúc giục Liên minh Châu Âu đóng vai trò dẫn đầu trong cộng đồng quốc tế để thành lập một cơ chế như vậy; nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuyến nghị mà Tổng thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra trong báo cáo ngày 30/3/2017 của ông về vấn đề này;

7.Hoan nghênh thực tế rằng UNRWA có ý định duy trì các biện pháp nội bộ nhằm hạn chế chi phí và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả đồng thời theo đuổi các lĩnh vực có thể mang lại hiệu suất khác; thúc giục Cơ quan này tiếp tục cải tiến cơ cấu quản lý và việc hoạch định chiến lược hướng tới sự minh bạch tiên tiến, trách nhiệm giải trình và giám sát nội bộ, để đảm bảo báo cáo về tài chính và chương trình kịp thời và chuẩn xác tới EU, để đảm bảo rằng các cơ sở vật chất của UNRWA không bị lạm dụng, để điều tra những cáo buộc từ nhân viên về sự vi phạm tính trung lập và có hành động kỉ luật thích hợp; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng tính trung lập của các cơ sở của UNRWA phù hợp với luật nhân đạo quốc tế và vị thế ngoại giao Liên hợp quốc của Cơ quan này;

8.Nhắc lại rằng mục tiêu chính của EU là đạt được giải pháp Hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967, với Jerusalem là thủ đô của cả hai nhà nước, với Nhà nước Israel an toàn và một Nhà nước Palestine độc lập, dân chủ, tiếp giáp và có thể đứng vững được, sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh, trên nền tảng quyền tự quyết và tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế;

9.Chỉ thị cho Chủ tịch Nghị viện chuyển nghị quyết này lên Ủy ban, Hội đồng, Phó Chủ tịch của Ủy ban/Cao ủy của Liên minh về Chính sách An ninh và Đối ngoại, Đại diện Đặc biệt của EU về Tiến trình Hòa bình Trung Đông, các nghị viện và chính phủ của các Quốc gia Thành viên, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Cao ủy UNRWA, Phái viên của Bộ tứ tại Trung Đông, và Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 

 

(Bản dịch tham khảo)