Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Tiến sĩ Saeb Erekat – Tuyên bố Balfour: Vì sao nước Anh không thể tiếp tục trốn tránh trách nhiệm

Tiến sĩ Saeb Erekat – Tuyên bố Balfour: Vì sao nước Anh không thể tiếp tục trốn tránh trách nhiệm

Thứ năm, 03 Tháng 11 2016 10:54

Người Palestine cần Vương Quốc Anh trước tiên phải thừa nhận trách nhiệm lịch sử của mình và xin lỗi. Thay vì ‘đánh dấu’ sự lăng mạ trầm trọng với công lý thế giới này, nước Anh cần phải thừa nhận trách nhiệm của mình và cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền chính trị, dân sự và dân tộc của người Palestine.

 

Dưới đây là bài viết mới nhất của Tiến sĩ Saeb Erekat, Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đăng trên báo Newsweek ngày 2/11/2016.

 

Tuyên bố Balfour: Vì sao nước Anh không thể tiếp tục trốn tránh trách nhiệm

 

Năm 2015, Bộ trưởng phụ trách các Vấn đề đối ngoại và thịnh vượng chung của Anh tại Trung Đông và Châu Phi là Tobias Ellwood đã nói rằng Vương quốc Anh sắp đánh dấu 100 năm kể từ Tuyên bố Balfour. Nhưng việc kỉ niệm sự kiện này có nghĩa lý gì nếu Vương quốc Anh không sẵn lòng sửa sai những thiệt hại mà họ đã gây ra cho các quyền dân tộc và quyền con người của nhân dân Palestine? 

Tuyên bố Balfour là một bức thư mà một quý ngài người Anh, thay mặt nước Anh, gửi cho một ông chủ ngân hàng và một chính trị gia người Anh đại diện cho phong trào Phục quốc Do thái vào năm 1917. Bức thư hứa hẹn sẽ thành lập một tổ quốc cho người Do thái ở Palestine, vùng đất không thuộc về họ. Khi Palestine nằm dưới sự cai trị của Anh vài năm sau đó, London đã đảm bảo đưa bức thư này trở thành một phần trong Sự ủy trị của Anh (British Mandate). 

Khi Tuyên bố Balfour được đưa ra, khu vực được gọi là Palestine lịch sử đang là nơi sinh sống của hơn 700.000 người, đại đa số là người Ả Rập bản địa. Không phải là ‘một vùng đất không có dân tộc nào dành cho một dân tộc không có vùng đất nào’, trên thực tế Palestine có những người dân Ả Rập cũng có các quyền giống như ở các nơi khác trong khu vực, đó là quyền đương nhiên về việc tự quyết và có một nhà nước độc lập như đã được công nhận tại Điều 22 Hiệp ước của Hội quốc liên. Tuyên bố Balfour đã thực sự bỏ qua các quyền dân tộc, dân sự và chính trị của người Palestine, chỉ tuyên bố rằng ‘sẽ không làm điều gì có thể gây tổn hại đến các quyền dân sự và tôn giáo của các động đồng phi Do thái’. 

Tuyên bố Balfour, dù được chính thức thông qua, nhưng chưa bao giờ được ưa chuộng ở Anh. Năm 1922, Quốc hội Anh đã từ chối tán thành Sự ủy trị của Anh đối với Palestine vì đã chấp nhận Tuyên bố Balfour. Khi đó, thành viên Do thái duy nhất trong Nội các Anh, Ngài Edwin Montagu, đã hoàn toàn bác bỏ đề xuất này. Ngài Curzon còn đi xa tới mức đặt ra câu hỏi: “Vậy người dân của đất nước đó sẽ trở thành gì? Tổ tiên họ đã sống ở đất nước đó trong phần lớn thời gian của 1.500 năm qua và họ sở hữu đất đai… họ sẽ không chịu để những người nhập cư Do thái chiếm đoạt”. 

Sự phản đối của người Palestine đối với Tuyên bố Balfour không bắt nguồn từ cảm nghĩ bài Do thái hay chống Do thái, mà là để bảo vệ và theo đuổi quyền tự quyết bất khả xâm phạm của người Palestine trên quê hương mình. Người Palestine luôn phân biệt giữa người Do thái sống ở Palestine với những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do thái nước ngoài muốn biến Palestine thành một nhà nước Do thái, một quan điểm đã được rất nhiều phái đoàn của Palestine truyền đạt rõ ràng tới các phái đoàn chính thức của Anh. Không có dân tộc nào chấp nhận rằng một thế lực nước ngoài hiến tặng đất nước mình vì lợi ích của những người khác, trong khi phủ nhận các quyền chính trị của họ. 

Những tác động và hậu quả của Tuyên bố Balfour vẫn còn nguyên cho tới ngày nay giống như 99 năm trước. Việc thanh lọc sắc tộc và dùng vũ lực để đuổi người Palestine ra khỏi nhà tại Palestine bị chiếm đóng vẫn tiếp tục diễn ra, việc sáp nhập và tước đoạt đất đai của Palestine vẫn tiếp diễn trong khi các khu phức hợp công nghiệp-định cư đang mở rộng chế độ thực dân của mình, và các quyền dân sự và chính trị của người Palestine tiếp tục bị chối bỏ. 

Cần phải có những bước đi cụ thể để bảo vệ và thúc đẩy các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine. Người Palestine không cần phải được nhắc nhớ về sự vi phạm thực dân của nước Anh – hầu hết đều có thể đọc lại nguyên văn nội dung bức thư và kể chi tiết các sự kiện lịch sử của Anh một cách chính xác. Người Palestine cần Vương Quốc Anh trước tiên phải thừa nhận trách nhiệm lịch sử của mình và xin lỗi. Thay vì ‘đánh dấu’ sự lăng mạ trầm trọng với công lý thế giới này, nước Anh cần phải thừa nhận trách nhiệm của mình và cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền chính trị, dân sự và dân tộc của người Palestine. 

Ngoài ra, Vương quốc Anh phải thừa nhận rằng, giải pháp Hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967, một quan điểm của chính nước Anh, trên thực tế chính là sự công nhận tư cách nhà nước của Palestine. Đã đến lúc Vương quốc Anh phải dứt khoát công nhận Nhà nước Palestine. Giải pháp Hai nhà nước để làm gì nếu không có hai nhà nước độc lập và có chủ quyền sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh? 

Chính phủ Palestine đã có những bước đi lớn trong việc xây dựng các cơ quan quốc gia và đẩy mạnh các nỗ lực chính trị và ngoại giao. Chúng tôi đã tham gia nhiều công cụ quốc tế, thúc đẩy các quyền của người Palestine tại các tổ chức quốc tế, và sẽ tiếp tục chiến lược của mình để giành được quyền tự quyết được quốc tế công nhận. Đi đôi với các nỗ lực từ những chiến dịch toàn dân phi bạo lực ở trong và ngoài nước, Palestine vẫn tiếp tục giữ vững khát vọng giành độc lập hoàn toàn. 

Gần 100 năm kể từ Tuyên bố Balfour, 70 năm sau thảm họa ‘Nakba’, và 50 năm dưới sự chiếm đóng quân sự bất hợp pháp, hãy để năm 2017 đánh dấu lễ kỉ niệm chấm dứt chiếm đóng và một khởi đầu mới cho Palestine, trong khi thừa nhận đầy đủ trách nhiệm về những bất công trong quá khứ. 

Để xây dựng một tương lai hòa bình giữa Israel, Palestine, và các nơi khác trên thế giới, công lý cần phải được tôn trọng. Vương quốc Anh không thể tiếp tục trốn tránh trách nhiệm lịch sử của mình ở Palestine.