Trang chủ Giới thiệu Palestine Chính sách Giải quyết Yêu cầu bồi thường

Giải quyết Yêu cầu bồi thường

  1. Tóm tắt

Để mở đường cho sự hòa giải trong tương lai, tất cả các yêu cầu bồi thường bắt nguồn từ cuộc xung đột này nên được dàn xếp ổn thỏa. Để đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện và bền vững, những điều sai trái xảy ra trong suốt quá trình xung đột cần phải được giải quyết và đền bù. Israel đã có vô số hành động, chính sách và thực tiễn vi phạm các quy tắc quen thuộc dựa trên luật pháp quốc tế và gây hại nghiêm trọng tới chúng tôi và nhà nước trong tương lai của chúng tôi. Một vài trong số những sự vi phạm đáng chú ‎ý nhất của Israel là việc nước này tiếp tục xâm phạm quyền tự quyết của chúng tôi, hoạt động định cư ngấm ngầm, khai thác bất hợp pháp nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác của chúng tôi, gây ô nhiễm và phá hoại môi trường, thất thoát và phá hoại tài sản văn hóa, lạm dụng các nguồn tài chính của chúng tôi, và vi phạm các quyền con người một cách trắng trợn và có hệ thống. Những nỗi thống khổ tiếp diễn hiện nay, tình trạng kinh tế kém phát triển và sự nghèo đói ở các vũng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt) là kết quả trực tiếp của các hành động và sự bỏ sót bất hợp pháp của Israel thông qua sự chiếm đóng quân sự kéo dài của nước này trên lãnh thổ của chúng tôi.

2.Giải quyết các Yêu cầu bồi thường để giúp chấm dứt cuộc xung đột

Không chỉ là nhu cầu nêu cao luật pháp trong quan hệ quốc tế, công lý và sự công bằng đòi hỏi rằng những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và các nạn nhân phải nhận được các giải pháp công bằng và hiệu quả. Những bất công mà nhân dân chúng tôi phải gánh chịu đang gây ảnh hưởng rất lớn thông qua ký ức chung của cả dân tộc chúng tôi, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữa. Vì bất kỳ thỏa thuận nào nhằm thực sự đạt được một nền hòa bình lâu dài để có thể kết thúc cuộc xung đột kéo dài Palestine – Israel, tất cả những sự bất công và bất bình cần phải được giải quyết. Bồi thường cho các sai lầm sẽ tạo nền tảng cho hòa giải, ngăn chặn xung đột tái diễn trong tương lai. Sẽ không thể có hòa giải nếu không có bồi thường thiệt hại và sẽ không thể kết thúc hoàn toàn xung đột nếu không có quá trình hòa giải.

Lịch sử gần đây cho thấy ngày càng có nhiều nước vi phạm thừa nhận sai lầm của mình, đối thoại với các nạn nhân và đàm phán để bồi thường cho họ. Ví dụ, nước Đức đã bồi thường và vẫn tiếp tục bồi thường cho người Do thái và các nạn nhân khác của tội ác Phát xít, Mỹ đã bồi thường cho những người Mỹ gốc Nhật vì bị giam giữ trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2, và Nam Phi cũng có các giải pháp đối với các nạn nhân của tội ác phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, các vấn đề công lý trong giai đoạn quá độ từng đóng vai trò hòa giải sống còn trong việc giải quyết hậu quả của tội diệt chủng ở Rwanda và Nam Tư cũ, ở một số quốc gia Mỹ Latin và Đông Âu, nơi những tài sản bị tước đoạt sai trái đã được trả về cho chủ sở hữu cũ của chúng.

3.Luật pháp quốc tế

Các nạn nhân của sự vi phạm các quyền con người, theo như luật nhân đạo và luật quốc tế, có quyền đối với các biện pháp khắc phục hiệu quả. Theo Điều 3 của Công ước Hague IV, nói về các tập quán quốc tế, “(a) Bên Tham chiến vi phạm các điều khoản của Quy tắc đã nói sẽ phải, nếu trường hợp đó yêu cầu, có nghĩa vụ trả bồi thường. Bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả các hành động của những người tham gia quân đội của họ.” Điều 1 bản Dự thảo Các Điều luật về Trách nhiệm Nhà nước của Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nói rằng các nhà nước phải chịu trách nhiệm về những hành động sai trái trên phạm vi quốc tế của mình.

Sau khi trách nhiệm quốc tế của một nhà nước được xác định, một số hậu quả pháp lý sẽ theo sau (Điều 28), bao gồm trách nhiệm ngừng hành động sai trái và đảm bảo sẽ không tái diễn (Điều 30), cũng như trách nhiệm “bồi thường đầy đủ cho những tổn thương gây ra… cho dù là về mặt vật chất hay tinh thần” (Điều 31). Bồi thường bao gồm sự hoàn trả, đền bù và đền đáp (Điều 34), và nhằm xóa sạch mọi hậu quả của sự vi phạm, như tái thiết lập tình trạng từng tồn tại trước khi xảy ra hành động sai trái, hay trả tiền đền bù nếu như việc hoàn trả không thể thực hiện được về mặt vật chất hoặc khi thiệt hại không thể được bồi thường bằng cách hoàn trả.

Tiền bồi thường nên bao gồm “bất kỳ thiệt hại nào có thể định giá được về mặt tài chính, bao gồm cả việc mất lợi nhuận” (Điều 35-36). Tương tự, theo các Nguyên tắc Cơ bản của Liên Hợp Quốc về Bồi thường, văn bản đã được nhất trí chấp thuận năm 2005 mà không cần Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu, các nhà nước phải bồi thường cho nạn nhân vì những hành động hoặc sự bỏ sót được quy cho là của Nhà nước đó và điều này cấu thành sự vi phạm hiển nhiên luật quốc tế về các quyền con người hoặc vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Việc bồi thường phải thỏa đáng, hiệu quả và nhanh chóng, và bao gồm hoàn trả, đền bù, hồi phục, bù đắp và đảm bảo không tái diễn. Việc đền bù là nhằm thúc đẩy công lý bằng cách bồi thường cho những vi phạm hiển nhiên về luật quốc tế về các quyền con người hoặc vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

Trong một số trường hợp, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Israel đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả cho người dân Palestine chúng tôi vì sự vi phạm các nghĩa vụ ràng buộc quốc tế của Israel. Ví dụ, năm 2004, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra phán quyết gần như nhất trí hoàn toàn về tính không hợp pháp của các hành động của Israel ở oPt. Tòa án tái khẳng định trách nhiệm của Israel về những thiệt hại bắt nguồn từ việc xây dựng trái phép Bức tường chiếm đóng trên lãnh thổ của chúng tôi, bao gồm phần bên trong và xung quanh Jerusalem bị chiếm đóng. Bên cạnh việc phát huy quyền tự quyết của chúng tôi và tái khẳng định tính phi pháp của việc giành thêm lãnh thổ bằng bạo lực, ICJ cho rằng, cùng với những điều khác, các luật nhân đạo và luật về nhân quyền quốc tế được áp dụng ở oPt; rằng các khu định cư là trái phép theo luật pháp quốc tế; rằng Israel vi phạm tự do di chuyển của chúng tôi cũng như quyền của chúng tôi đối với việc làm, y tế, giáo dục và một tiêu chuẩn sinh hoạt thỏa đáng. Ngoài ra, ICJ thấy rằng việc Israel dùng vũ lực để di chuyển người dân Palestine, trục xuất và phá hủy tài sản cá nhân của họ là vi phạm luật pháp quốc tế. Do đó, ICJ cho rằng Israel có nghĩa vụ chấm dứt sự vi phạm bằng cách ngừng xây dựng Bức tường chiếm đóng, dỡ bỏ những phần đã được xây và bồi thường đầy đủ cho những thiệt hại gây ra cho những người đã phải gánh chịu bất kỳ hình thức thiệt hại vật chất nào do việc xây dựng Bức tường.

Ngoài ra, Phái đoàn Tìm kiếm Sự thật về Cuộc xung đột ở Gaza của Liên Hợp Quốc năm 2009 đã kết luận rằng Israel vi phạm hiển nhiên các quy tắc quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo quốc tế trong suốt cuộc chiến tranh ở Gaza, gây ra những thiệt hại trên diện rộng đối với dân cư của chúng tôi. Israel đã bồi thường cho Liên Hợp Quốc vì những thiệt hại đối với nhân sự và cơ sở vật chất của tổ chức quốc tế này. Phái đoàn có quan điểm rằng Israel cũng có trách nhiệm trả khoản đền bù tương tự cho chúng tôi, và kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra cơ chế bồi thường của Israel cho những thiệt hại hoặc mất mát mà thường dân Palestine đã phải chịu do các hoạt động quân sự của Israel.

4.Quan điểm của chúng tôi

Các yêu cầu đòi bồi thường

Người dân Palestine đã phải chịu đựng và vẫn đang tiếp tục gánh chịu những mất mát lớn lao do sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Israel, dẫn đến những khổ đau to lớn, sự nghèo đói và kém phát triển. Chúng tôi muốn được bồi thường vì những mất mát và thiệt hại kinh tế bắt nguồn từ sự chiếm đóng của Israel. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu được đền bù vì những hành động sai trái của Israel, bao gồm việc hoàn trả và đền bù đầy đủ cho những thiệt hại vật chất và phi vật chất bắt nguồn từ những sự vi phạm luật pháp quốc tế sau đây:

  • Từ chối quyền tự quyết của chúng tôi;
  • Những thiệt hại do hoạt động định cư thôn tính của Israel, bao gồm Bức tường chiếm đóng, cơ chế liên quan và những con đường phụ, cũng như các thiệt hại liên quan đến tài sản và việc phá hủy trái pháp luật các tài sản công cộng và cá nhân.
  • Việc sử dụng và khai thác bất hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi, bao gồm nước, khí ga tự nhiên và phổ điện từ, và không phát triển các nguồn tài nguyên này vì lợi ích của người dân Palestine;
  • Phá hoại môi trường do các hành động của Israel cũng như việc không ban hành và thực thi các hoạt động bảo vệ môi trường hợp pháp thỏa đáng;
  • Các tổn thất bắt nguồn từ việc Israel sử dụng không đúng các nguồn tài chính của chúng tôi, bao gồm tiền thu thuế và nguồn thu hải quan, và không sử dụng các nguồn tài chính đó vì lợi ích của người dân Palestine;
  • Tổn thất cũng như thiệt hại đối với tài sản văn hóa của chúng tôi, đòi hỏi phải hoàn trả đầy đủ tất cả các món đồ tạo tác và các tài sản văn hóa khác đã bị lấy đi một cách bất hợp pháp khỏi oPt.
  • Sự vi phạm luật nhân đạo và luật pháp quốc tế về các quyền con người, như quyền được bỉnh đẳng, quyền được sống, quyền tự do, các quyền về an ninh cá nhân, nhân phẩm, tài sản và có các giải pháp khắc phục hiệu quả, không bị tra tấn, bắt giữ và đày ải tùy tiện, được tự do đi lại và không bị trừng phạt tập thể.

Nếu không giải quyết được vấn đề bồi thường thì các thỏa thuận được đàm phán sẽ có thể trở thành không chính đáng trong mắt công chúng, và nó cũng báo hiệu sự thất bại của quá trình giải quyết các bất công trong quá khứ cũng như các quyền lợi và mối bận tâm của chúng tôi. Tuy nhiên, Israel vẫn có thể được hưởng lợi. Giải quyết chung các yêu cầu bồi thường, trong quá trình đàm phán, sẽ phù hợp hơn với giải pháp từng bước một trong tương lai và giúp trì hoãn giải quyết tất cả các khiếu nại. Ngoài ra, thay vì giải quyết từng yêu cầu một và sử dụng các tiêu chuẩn giải quyết khiếu nại khác nhau, thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận một giải pháp bồi thường và một hệ thống tính toán toàn diện, bao gồm toàn bộ các lĩnh vực tranh cãi.

Cơ chế

Để đạt được mục tiêu cốt yếu là chấm dứt mọi khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng xây dựng một cơ chế giải quyết. Cơ chế này có thể được xây dựng dựa trên các quy trình quốc tế đang tồn tại hoặc trong quá khứ, và nên được đặt dưới một sự ủy thác rõ ràng và khái quát để giải quyết và bồi thường cho mọi vi phạm. Cơ chế này cũng nên định nghĩa rõ các nhóm người đòi bồi thường khác nhau, bản chất của giải pháp khắc phục, quá trình nộp đơn khiếu nại, luật áp dụng, quy trình và tiêu chuẩn trình bằng chứng, và giới hạn thời gian nộp đơn. Việc thực hiện thành công và hiệu quả cơ chế này sẽ đảm bảo giải quyết tất cả các yêu cầu đòi bồi thường.

 

Nguồn: Negotiations Affairs Department - PLO