Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí TCBC của Tổng cục Thống kê Palestine (PCBS) nhân Ngày Đất đai 30/3/2014

TCBC của Tổng cục Thống kê Palestine (PCBS) nhân Ngày Đất đai 30/3/2014

Thứ hai, 31 Tháng 3 2014 13:44

Trong cuộc biểu tình thường niên của người dân Palestine phản đối việc Israel tịch thu 21 nghìn dunum (1dunum=1000m2) đất đai ở Jalil, Al-Muthalath và Naqab vào ngày 30/3/1976, sự đáp trả của Israel đã khiến 6 người biểu tình trẻ tuổi bị thiệt mạng.

Jerusalem: Do Thái hóa một cách có hệ thống

Các chính quyền chiếm đóng của Israel phá bỏ nhà cửa của người Palestine và đặt ra những rào cản và hạn chế trong giấy phép xây dựng dành cho người Palestine. Theo Viện Al-Maqdisi, trong suốt giai đoạn từ năm 2000 – 2013, các chính quyền Israel đã phá bỏ 1.230 tòa nhà ở Đông Jerusalem (khu vực Israel thôn tính năm 1967). Điều này đã khiến 5.419 người dân Palestine, trong đó có 2.832 trẻ em và 1.423 phụ nữ, bị mất nhà cửa.

Tổng thiệt hại ước tính của người Palestine do việc phá hủy các ngôi nhà ở Jerusalem lên tới khoảng 3,5 triệu đôla Mỹ (chưa bao gồm các khoản tiền phạt rất lớn đối với cái gọi là “sự vi phạm về xây dựng”). Các dữ liệu cho thấy các trường hợp người dân phải tự phá bỏ ngôi nhà của chính mình cũng gia tăng: 320 người đã buộc phải tự phá bỏ nhà mình kể từ năm 2000. Số trường hợp người dân phải tự phá nhà mình cao kỷ lục vào năm 2010 với 70 vụ phá dỡ, so với 49 trường hợp vào năm 2009.

Số liệu thống kê cho thấy tổng diện tích nhà ở của dân cư bị phá hủy ở Jerusalem trong năm 2013 đã tăng lên so với năm 2012. Tổng diện tích 6.196 m2 đất đai đã bị ảnh hưởng trong năm 2013: diện tích của các tòa nhà không phải nhà ở bị phá hủy lên tới 1.150 m2.

Dữ liệu từ các tổ chức về quyền con người của Israel cho thấy hơn 25 nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy tại Palestine từ năm 1967.

Một nửa số người định cư Israel sống tại tỉnh Jerusalem

Tính đến cuối năm 2013, có 482 địa điểm của Israel ở khu Bờ Tây (bao gồm các khu định cư, tiền đồn và các căn cứ quân sự). Các dữ liệu cho thấy tính đến cuối năm 2012, tổng số người định cư Do thái ở Bờ Tây là 563.546 người; 277.501 người định cư sống ở tỉnh Jerusalem và chiếm 49,2% tổng số người định cư đang chiếm đóng Bờ Tây: 203.176 người trong số họ sống trong các khu vực của Jerusalem bị Israel thôn tính năm 1967. Trên khía cạnh nhân khẩu học, tỉ lệ người định cư Do thái/Dân số Palestine ở Bờ Tây xấp xỉ 21/100, so với tỉ lệ 69/100 ở tỉnh Jerusalem.

Người định cư Israel sử dụng 50 triệu m3 nước lấy cắp của người Palestine để trồng trọt trên những vùng đất Israel chiếm đóng

Theo các con số thống kê của Israel, tổng diện tích đất trồng trọt ở các khu định cư của Israel ở Bờ Tây trong năm 2012 là 86 km2. Phần lớn đất đai này được tưới tiêu bởi 50 triệu m3 nước lấy cắp của người Palestine hàng năm. Diện tích đất được tưới tiêu do người Palestine canh tác là khoảng 78 km2, chỉ sử dụng khoảng 30 triệu m3 nước mỗi năm do bị Israel hạn chế. Diện tích đất và lượng nước mà người định cư đang sử dụng có thể cung cấp 100 nghìn cơ hội việc làm cho người Palestine ở Bờ Tây nếu họ có cơ hội sử dụng chúng, đóng góp cho GDP và cho sự chia sẻ của nông nghiệp với nền kinh tế, đồng thời làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, một diện tích lớn đất nông nghiệp nằm ở vùng biên giới phía đông của Dải Gaza nhưng người Palestine không được sử dụng do các biện pháp của Israel.

Israel kiểm soát hơn 85% đất đai của Palestine lịch sử

Diện tích đất đai lịch sử của Palestine là 27.000 km2, Israel sử dụng hơn 85% tổng diện tích đó, trong khi người Palestine chiếm 48% tổng dân số và sử dụng chưa đầy 15% đất đai đó; do đó mỗi người dân Palestine chỉ có gần 1/5 đất đai so với một người Israel.

Chính quyền chiếm đóng Israel phê duyệt hơn 2.000 đơn vị nhà ở mỗi tháng

Trong năm 2013, hơn 8.000 dunam đất đai của người Palestine đã bị tịch thu và hơn 15.000 cây trồng bị phá hủy, gây ra sự tổn thất nặng nề đối với môi trường của Palestine. Các chính quyền chiếm đóng Israel cũng phê duyệt việc thành lập hơn 23 nghìn đơn vị nhà ở tập trung tại các khu định cư quanh tỉnh Jerusalem, theo báo cáo thường niên của Phòng Quan hệ Quốc tế của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Sự chiếm đóng của Israel tước đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bờ Tây

Luật pháp quốc tế cấm Israel khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng Israel vẫn tiếp tục phớt lờ và coi đất đai của Palestine như của mình. Israel đã giành quyền quản l‎ý các địa danh du lịch ở thung lũng Jordan: khu Hang động của Solomon, Suối Al Fashkha và khu bảo tồn Wadi Al-Qilt.

Israel khai thác các bờ biển của Palestine ở Biển Chết và ngăn cản người Palestine phát triển du lịch ở khu vực này bằng cách xả nước thải và các chất thải rắn từ các khu định cư và khu công nghiệp của Israel vào các khu vực này, theoTrung tâm Thông tin Israel về Các Quyền con người ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng (B’Tselem).

Chính quyền chiếm đóng đã bắt đầu khoan và thăm dò dầu mỏ và khí ga tự nhiên ở Bờ Tây để lấy đi những nguồn tài nguyên này của người Palestine.