Trang chủ

Một thế kỉ Bất công: Hỏi - Đáp về Palestine và Tuyên bố Balfour

Thứ hai, 08 Tháng 1 2018 16:02

1. Arthur James Balfour là ai?

Sinh tại Scotland năm 1848, Arthur James Balfour là một chính trị gia người Anh.. Ông ta là Thủ tướng Anh từ năm 1902 đến 1905 và là Bộ trưởng Ngoại giao từ 1916 đến 1919.  Ông ta mang tư tưởng bảo thủ, là một người theo chủ nghĩa thực dân và thân thiết với một số lãnh đạo của phong trào Phục quốc Do thái (Zionism).

 

2. Tuyên bố Balfour là gì?

Tuyên bố Balfour là tên gọi một bức thư do Balfour ký ngày 2/11/1917 gửi tới Lãnh chúa Lionel Walter de Rothschild, lãnh đạo của cộng đồng Do Thái Anh quốc, trong đó ông ta tuyên bố chính phủ Anh ủng hộ thành lập một tổ quốc Do Thái tại Palestine, gây bất lợi cho dân tộc Palestine, các cư dân bản địa của vùng đất này…

 

Nội dung cụ thể như sau:

“Chính phủ của Đức Vua có quan điểm ủng hộ việc thành lập tại Palestine một tổ quốc cho người Do Thái, và sẽ dành sự cố gắng cao nhất để thúc đẩy việc đạt được mục tiêu này, và phải được hiểu rõ ràng là sẽ không được làm điều gì có thể gây tổn hại cho các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng phi Do Thái đang tồn tại ở Palestine hay các quyền và vị thế chính trị của người Do Thái ở bất kỳ quốc gia nào khác”…

 

 

3. Năm 1917, Palestine có phải là “một vùng đất không có dân tộc nào”?

Palestine là vùng đất rộng gần 28.000 km2 nằm dưới quyền kiểm soát của Đế chế Ottoman, giống như rất nhiều quốc gia Ả Rập và Hồi giáo khác vào thời điểm đó. Palestine có dân số khoảng 700.000 người, trong đó gần 96% là người Palestine theo đạo Thiên Chúa và đạo Hồi. Ngoài ra, hầu hết những người trong nhóm người Do Thái tồn tại vào thời điểm đó được coi là một thành phần trong dân số Palestine bản địa – và không phải là những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Bất chấp thực tế này, Tuyên bố Balfour vẫn nhắc tới nhóm cư dân Palestine chiếm đa số là “các cộng đồng phi Do Thái đã có”.

 

4. Nhưng Tuyên bố Balfour có nhắc tới các quyền của cả người Do thái và người Palestine đối với Palestine phải không?

Không. Balfour nói tới một “tổ quốc” cho người dân Do Thái, ngụ ý rằng chỉ người Do Thái có các quyền chính trị trong khi các “cộng đồng phi Do Thái” khác sẽ chỉ được trao các quyền dân sự và tôn giáo. Trên thực tế, điều này có nghĩa là sẽ không có hai nhà nước có chủ quyền hay một nhà nước dân chủ duy nhất. Trên thực tế, điều mà Tuyên bố Balfour hứa hẹn chính là những gì đã xảy ra sau đó một thế kỉ - việc áp đặt một nhà nước với hai hệ thống riêng rẽ, một với các quyền chính trị cho người Do Thái và một hệ thống khác không có các quyền chính trị cho những người phi Do Thái.

 

5. Những hậu quả của Tuyên bố Balfour đối với dân tộc Palestine là gì? Hiện nay nó vẫn tác động tới cuộc sống của người Palestine ra sao?

Tuyên bố Balfour vi phạm quyền bất khả xâm phạm của dân tộc Palestine là có quyền tự quyết. Trên thực tế, việc thực thi tuyên bố này đã dẫn tới việc buộc người dân Palestine phải rời khỏi mảnh đất của chính mình, để thay thế họ bằng những người khác. Nó dẫn tới thảm họa năm 1948 của người Palestine, al-Nakba, khi gần một triệu người Palestine bị buộc phải rời khỏi tổ quốc lịch sử của mình. Thay vì giành được độc lập, giống như các nước Ả Rập và Châu Phi khác trong kỉ nguyên hậu thực dân, Palestine còn phải chịu sự thực dân hóa hơn nữa của một nhà nước mới, Israel.

Cương lĩnh chính trị của chính phủ Israel về bản chất là thực thi Tuyên bố Balfour: Phủ nhận các quyền chính trị của dân tộc Palestine, thông qua các hệ thống riêng rẽ và bất bình đẳng cho hai nhóm dựa trên tôn giáo và sắc tộc. Israel, với tư cách một thế lực chiếm đóng hiện đang kiểm soát toàn bộ Palestine lịch sử và mọi lĩnh vực đời sống của người Palestine, vi phạm không chỉ các quyền chính trị, mà cả các quyền dân sự và tôn giáo lẽ ra phải được bảo vệ theo Tuyên bố Balfour.

 

Chaim Azriel Weizmann, Tổng thống đầu tiên của Israel, một lần được hỏi rằng ông ta đạt được Tuyên bố Balfour như thế nào và ông ta nghĩ gì về những người Palestine bản địa. Ông ta trả lời:

“Người Anh nói với chúng tôi rằng có vài trăm nghìn người Negro (người da đen) và đối với họ thì chẳng có giá trị gì”.

 

Vài năm sau Tuyên bố, một người theo phong trào Phục quốc Do thái nổi tiếng khác là Israel Zangwill đã viết:

“Nếu Ngài Shaftesbury không chính xác theo nghĩa đen khi mô tả Palestine là một đất nước không có dân tộc nào, thì ông ấy đã đúng về cơ bản, bởi không có dân tộc Ả Rập nào sống hòa trộn mật thiết với đất nước này, sử dụng các nguồn lực nơi đây và gắn vào nó một dấu ấn đặc trưng; nhiều nhất thì chỉ có một khu lán trại của người Ả Rập”.

 

Câu chuyện hoang đường về ‘một vùng đất không có dân tộc nào dành cho một dân tộc không có vùng đất nào’ vẫn tiếp tục được duy trì cho tới ngày nay, đặc biệt là trong hệ thống giáo dục và văn học trẻ em của Israel.

 

6. Vương quốc Anh có quyền hứa dành Palestine cho Phong trào Phục quốc Do Thái không?

Không. Tuyên bố Balfour không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Vương quốc Anh chiếm đóng Palestine trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Tuyên bố này chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh chính sách đối ngoại thực dân của Vương quốc Anh vào thời điểm đó.

 

7. Tuyên bố Balfour có được Nội các Anh nhất trí phê duyệt vào thời điểm đó không?

Không. Trên thực tế, thành viên Do Thái duy nhất trong Nội các Anh khi đó, Ngài Edwin Montagu, đã hoàn toàn bác bỏ Tuyên bố Balfour. Ông mô tả Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là “tín điều chính trị có hại, không được bất kỳ công dân yêu nước nào của Vương quốc Anh chấp nhận”. Các quan chức cấp cao khác, như Lãnh chúa Curzon, đã đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với dân số Palestine: “Người Ả Rập và tổ tiên họ đã cư ngụ tại đất nước này trong phần lớn quãng thời gian 1.500 năm qua và họ sở hữu đất đai (…) Họ sẽ không chịu để bị tước đoạt đất đai cho người Do Thái nhập cư hoặc chỉ làm thân trâu ngựa cho những người đó”.

 

Năm 1922, Thượng viện từ chối tán thành Sự ủy trị của Anh do bao gồm cả Tuyên bố Balfour. Trong suốt thời kỳ Palestine nằm dưới Sự ủy trị của Anh cũng đã có một số khuyến nghị của các quan chức Anh về việc tôn trọng các quyền của người Palestine Ả Rập.

 

8. Vương quốc Anh đã bao giờ nhận trách nhiệm về Tuyên bố Balfour chưa?

Chưa. Bất chấp thực tế rằng Vương quốc Anh gánh một trách nhiệm lịch sử đặc biệt đối với Palestine và nhân dân Palestine, mọi chính phủ Anh đều trốn tránh trách nhiệm của mình và không có bất kỳ bước đi nào để đền bù thiệt hại đã gây ra cho dân tộc Palestine. Chính phủ hiện tại của Anh đã quyết định kỉ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour, một biểu tượng về việc tước quyền sở hữu của Palestine, đồng thời mạnh mẽ phản đối trách nhiệm giải trình về những vi phạm của Israel đối với Luật Nhân đạo Quốc tế và các nghị quyết của Liên hợp quốc.

 

9.  Hiện tại có tiếng nói nào ở Vương quốc Anh lên tiếng chống lại Tuyên bố Balfour không?

Có rất nhiều. Dưới đây chỉ là một vài ví dụ gần đây từ các Nghị sĩ Anh. Trong khi đó, hàng nghìn người dân Anh đã ký một đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ của mình xin lỗi vì Tuyên bố này, và có rất nhiều cá nhân và các nhóm đoàn kết vẫn kiên định vận động cho các quyền của người Palestine.

 

Ngài Nicholas Soames (Nghị sĩ Đảng Bảo thủ):

‘... các điều khoản của Tuyên bố Balfour rõ ràng đã không được tôn trọng trong các vấn đề liên quan tới người Palestine, và ở Anh thực ra điều đó nên gây sức nặng rất lớn đối với chúng ta’.

Grahame M Morris (Nghị sĩ Đảng Lao động):

‘Là người khơi mào cho Tuyên bố Balfour và nắm giữ sự ủy trị đối với Palestine, nước Anh có một liên hệ lịch sử có một không hai, và có thể là cả một trách nhiệm đạo đức, đối với người dân của cả Israel và Palestine. Năm 1920, chúng ta đã đảm nhận một sự giao phó thiêng liêng – một cam kết dẫn dắt người Palestine đến với tư cách nhà nước và nền độc lập. Và đó đã là gần một thế kỉ trước, và nhân dân Palestine vẫn chưa được công nhận các quyền dân tộc của mình. Sự giao phó thiêng liêng này đã bị bỏ mặc quá lâu’.

David Ward (Đảng Dân chủ Tự do):

‘Israel đang vi phạm giao kèo được đưa ra trong Tuyên bố Balfour, trong đó tuyên bố rằng “sẽ không được làm điều gì có thể gây tổn hại tới các quyền dân sự và tôn giáo của các cộng đồng phi Do Thái đang tồn tại ở Palestine”. Trước thảm họa “Nakba” và mọi điều diễn ra kể từ đó, điều đó dường như là một trò đùa tệ hại’.

Lord Norman Warner:

‘Tuyên bố Balfour đã mang lại sự khốn khổ triền miên cho nhiều thế hệ người Palestine với hàng triệu người bị trục xuất’.

 

10. Người Palestine yêu cầu nước Anh làm gì?

Người Palestine đề nghị chính phủ Anh chấp nhận trách nhiệm lịch sử của mình và có những bước đi tích cực hướng tới việc sửa chữa các sai lầm và thực hiện các quyền lẽ ra đã phải được thực hiện từ lâu của dân tộc Palestine. Một cách để bắt đầu tiến trình này là tôn trọng các quyền chính trị đã bị Tuyên bố Balfour vi phạm, bao gồm các biện pháp ủng hộ quyền tự quyết và nền độc lập của Palestine. Có các bước đi chống lại những sự vi phạm đối với luật pháp quốc tế, bao gồm những vi phạm gắn liền với hoạt động định cư của Israel; ủng hộ - thay vì tích cực phản đối – các cơ chế quốc tế nhằm nêu cao trách nhiệm giải trình và thực thi luật pháp quốc tế liên quan tới Israel; và công nhận Nhà nước Palestine, tất cả có thể góp một phần nào đó hướng tới việc đạt được các quyền này, và cuối cùng là đạt được hòa bình.

 

Cuối cùng, người Palestine, giống như rất nhiều công dân Anh, kỳ vọng chính phủ Anh sẽ công nhận sự thiếu nhạy cảm của việc kỉ niệm Tuyên bố Balfour, nhất là khi một trong các bên bị ảnh hưởng bởi tuyên bố đó vẫn đang phải chịu đau khổ mỗi ngày vì sự chiếm đóng và thực dân hóa của bên kia. Mọi lễ ăn mừng nên được để dành tới thời điểm cả 2 dân tộc đều đã có các quyền của mình và có tự do.