Đường biên giới

         1.Tóm tắt

Việc mô tả và phân chia đường biên giới với sự thống nhất của các bên là yếu tố quyết định để kết thúc xung đột trên cơ sở giải pháp hai nhà nước. Quan điểm của chúng tôi về đường biên giới đã trải qua những thay đổi quan trọng kể từ năm 1948. Phong trào dân tộc của chúng tôi đã từng tuyên bố các quyền của mình đối với toàn bộ lãnh thổ Palestine lịch sử, bao gồm cả Israel ngày nay. Tuy nhiên, kể từ năm 1988, với mong muốn đạt được hòa bình và chấm dứt xung đột, chúng tôi đã giới hạn các nguyện vọng của dân tộc xuống chỉ còn 22% Palestine lịch sử, muốn tìm kiếm một nhà nước của chính mình ở Bờ Tây và Dải Gaza, với Đông Jerusalem là thủ đô (tức là toàn bộ phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng năm 1967). Bất chấp điều này, Israel tiếp tục tạo ra những “sự kiện thực tiễn” (facts on the ground), xây dựng bức tường và thêm nhiều khu định cư, cùng những việc làm khác, cướp thêm đất đai của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế.

Các đường biên giới của Palestine: Tóm tắt bối cảnh

  • Palestine lịch sử (trước 1948) bao gồm toàn bộ Israel, Dải Gaza, Bờ Tây và Jerusalem. Năm 1922, Palestine lịch sử được Hội Quốc Liên (League of Nations) đặt dưới sự ủy trị của Anh.
  • Năm 1947, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đề xuất chia cắt Palestine, đi ngược lại nguyện vọng của đa số cư dân chúng tôi. Kế hoạch Phân chia cắt 55% diện tích của Palestine cho một nhà nước Do thái. Tại thời điểm đó, số người Do thái sống tại Palestine chỉ chiếm 1/3 tổng dân số và sở hữu chưa đầy 7% đất đai.
  • Gần như ngay lập tức sau cuộc bỏ phiếu bản Kế hoạch Chia cắt, các dân quân Do thái có tổ chức đã bắt đầu các chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ Palestine lịch sử, cả bên ngoài phần lãnh thổ mà Liên Hợp Quốc đề xuất. Ngày 14/5/1948, sau nhiều tháng bành trướng quân sự, các lực lượng phục quốc Do thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel. Ngày hôm sau, quân đội các quốc gia Ả Rập láng giềng tấn công Israel. Tuy nhiên, quân đội Israel đã đánh bại các đội quân Ả Rập và khi chiến tranh kết thúc vào năm 1949, Israel kiểm soát 78% Palestine lịch sử.
  • Trong cuộc chiến tranh Tháng Sáu 1967, Israel chiếm đóng quân sự 22% còn lại của Palestine lịch sử, bao gồm Bờ Tây, trong đó có Đông Jerusalem, và Dải Gaza. Chỉ 2 tuần sau khi chiến tranh kết thúc, Israel đơn phương sáp nhập Đông Jerusalem, áp dụng luật của Israel đối với nửa thành phố của Palestine. Trong vòng một tháng, Israel bắt đầu xây dựng các khu định cư trái phép tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt), vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế lập tức bác bỏ việc Israel sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và vẫn tiếp tục làm như vậy hiện nay.
  • Từ năm 2002, Israel đã xây dựng Bức tường tại oPt, cướp thêm đất đai của người Palestine nhằm đơn phương thiết lập các đường biên giới của mình. Israel trên thực tế đã sáp nhập cả phần đất ở phía tây của Bức tường bằng cách hạn chế người Palestine tiếp cận các khu vực này, trong khi tạo điều kiện để người Israel tiếp cận. Tháng 10/2003, Israel tuyên bố toàn bộ phần đất nằm giữa đường biên giới 1967 và Bức tường ở Bờ tây là “các khu vực đóng cửa”, yêu cầu người Palestine phải có những tờ giấy phép rất-khó-có-được từ phía Israel để tiếp tục tiếp cận hoặc sinh sống trên đất đai của họ tại các khu vực này.

    2. Các thông tin cơ bản

  • Đường biên giới năm 1967 là đường biên giới đã được quốc tế công nhận giữa Israel và oPt.
  • Một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là không nhà nước nào có quyền giành thêm lãnh thổ bằng vũ lực. Israel không có quyền đối với bất kỳ phần lãnh thổ nào mà nước này đã chiếm đóng năm 1967.
  • Cộng đồng quốc tế không thừa nhận chủ quyền của Israel đối với bất kỳ phần nào của oPt, bao gồm Đông Jerusalem.

3. Luật pháp quốc tế

  • Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc (1945) đòi hỏi rằng “tất cả các Thành viên, trong quan hệ quốc tế của mình, sẽ không đe dọa hoặc dùng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ nhà nước nào, hoặc theo bất kỳ cách nào mâu thuẫn với các Mục đích của Liên Hợp Quốc.”
  • Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (năm 1967) nhấn mạnh “không thể chấp nhận việc giành thêm lãnh thổ bằng chiến tranh” và kêu gọi “các lực lượng vũ trang Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong cuộc xung đột hiện tại.”
  • Tòa án Công l‎ý Quốc tế, trong bản ‎Ý kiến Tư vấn ngày 9/7/2004, đã kết luận rằng Israel vi phạm luật pháp quốc tế với tư cách là một thế lực chiếm đóng vì đã xây dựng Bức tường và các khu định cư trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng (oPt).

4. Quan điểm của chúng tôi

Một số vấn đề liên quan tới đường biên giới cần phải được giải quyết trong các cuộc đàm phán cuối cùng để có thể chấm dứt xung đột trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, bao gồm:

Đường biên giới:

Israel không có quyền hợp pháp với bất kỳ phần nào của Bờ Tây hay Dải Gaza. Tuy nhiên, vì hòa bình, chúng tôi sẵn sàng bàn thảo những sự trao đổi lãnh thổ nhỏ, hợp tình hợp lý và được cả hai bên thống nhất.

Sự kết nối lãnh thổ:

Để Bờ Tây và Dải Gaza có thể hoạt động như một đơn vị lãnh thổ đơn nhất, một sự kết nối về lãnh thổ nối liền hai phần này của Palestine là vô cùng thiết yếu. Con đường kết nối này phải cho phép sự di chuyển lâu dài và không giới hạn của con người, hàng hóa và các phương tiện giữa hai khu vực địa lý. Nó cũng có thể cho phép chuyên chở các nguồn tài nguyên khác nhau trên toàn Palestine (như gas, nước, điện,…). Cần phải có một tuyến đường an toàn hay những sự sắp xếp về vận chuyển cho những sự di chuyển đó, theo một cơ chế đã được thỏa thuận, cho đến khi một sự kết nối lãnh thổ lâu dài đi vào hoạt động đầy đủ. Những sự sắp xếp đó cũng nên duy trì sau khi con đường kết nối đi vào hoạt động, như một phương tiện liên kết thay thế giữa Bờ Tây và Dải Gaza, nếu hoạt động của con đường kết nối lãnh thổ gặp trở ngại.

Các vấn đề về đường biên giới trên biển:

Các vấn đề về biển nói đến cả hai khu vực bờ biển ở Dải Gaza và Biển Chết. Các đường biên giới biển của chúng tôi phải được đàm phán không chỉ với Israel, mà với cả các nhà nước có đường bờ biển khác ở gần đó (điển hình là Ai Cập và đảo Síp). Các cuộc đàm phán này phải giải quyết các vấn đề liên quan tới các nguồn tài nguyên chung ở nhiều vùng biển khác nhau. Chúng tôi tìm kiếm đầy đủ các quyền về biển theo luật pháp quốc tế, với tư cách là một nhà nước nằm ven biển.

 

Nguồn: Negotiations Affairs Department - PLO