Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Diễn văn của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Phiên họp thứ 66 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Ngày 23 tháng 9 năm 2011

Diễn văn của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Phiên họp thứ 66 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Ngày 23 tháng 9 năm 2011

Thứ hai, 03 Tháng 10 2011 14:10

23.9_Abbas

Thưa Ngài Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,

Thưa Ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc,

Thưa các Quý bà, Quý ông,

Mở đầu, tôi xin được gửi lời chúc mừng tới Ngài Nassir Abdulaziz Al-Nasser về việc Ngài trở thành Chủ tịch Đại hội đồng phiên này, và xin chúc Ngài thành công.

Hôm nay, tôi xin được nhắc lại lời chúc mừng chân thành nhất của tôi, thay mặt cho Tổ chức Giải phóng Palestine và nhân dân Palestine, gửi tới chính phủ và nhân dân Nam Sudan vì các bạn đã trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc một cách rất xứng đáng, xin chúc các bạn tiến bộ và thịnh vượng.

Tôi cũng chúc mừng Ngài Tổng Thư ký Ban Ki-moon vì Ngài đã được đề cử làm việc thêm một nhiệm kỳ nữa ở Liên Hợp Quốc. Sự tín nhiệm một lần nữa này cho thấy thế giới đánh giá cao các nỗ lực của Ngài – những nỗ lực đã tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Vấn đề Palestine gắn chặt, một cách rất phức tạp, với Liên Hợp Quốc thông qua những nghị quyết mà các cơ quan, tổ chức khác nhau của Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn, và qua vai trò rất được hoan nghênh của Chương trình Hỗ trợ Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) – cơ quan đại diện cho trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với tình cảnh của người Palestine tị nạn, những nạn nhân của Al-Nakba (Thảm họa) năm 1948. Chúng tôi khao khát và vẫn đang trông đợi vai trò to lớn hơn và hiệu quả hơn của Liên Hợp Quốc trong việc phấn đấu để đạt được hòa bình công bằng và toàn diện trong khu vực – một nền hòa bình đảm bảo các quyền chính đáng, không thể cho đi, của người Palestine, như đã được định nghĩa trong các nghị quyết về tính chính danh của Liên Hợp Quốc trên bình diện quốc tế.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Một năm trước đây, cũng vào lúc này đây, những nhà lãnh đạo ưu tú trong đại sảnh này đã xác định những nỗ lực hòa bình bị đổ vỡ trong khu vực. Ai cũng từng rất hy vọng về  vòng đàm phán mới về vị thế cuối cùng của Palestine, bắt đầu từ đầu tháng 9 ở Washington dưới sự bảo trợ trực tiếp của Tổng thống Barack Obama, với sự tham gia của Bộ Tứ, sự tham dự của Ai Cập và Jordan, để có thể đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng một năm. Chúng tôi đã bước vào quá trình đàm phán với trái tim rộng mở, với sự chú tâm và những dự định chân thành, và chúng tôi cũng đã sẵn sàng cung cấp tài liệu, tham luận, đề xuất. Nhưng các cuộc đàm phán đã sụp đổ chỉ vài tuần sau khi bắt đầu.

Sau đó, chúng tôi đã không bỏ cuộc và không chấm dứt các nỗ lực tìm kiếm sáng kiến và những cuộc tiếp xúc. Suốt trong năm qua, chúng tôi không để cánh cửa bị khóa kín, không để các kênh bị đem ra thử nghiệm, không để con đường của mình bị kiểm soát, và chúng tôi không bỏ qua bất cứ bên có ảnh hưởng và vị thế nào, dù chính thức hay không chính thức. Chúng tôi đã xem xét một cách tích cực tất cả các ý kiến và đề xuất khác nhau, cũng như các sáng kiến mà nhiều nước và nhiều bên đưa ra. Song, tất cả những nỗ lực và phấn đấu chân thành của các bên trong cộng đồng quốc tế đã liên tục bị phá hoại bởi tay chính phủ Israel, những người đã nhanh chóng dập tắt niềm hy vọng mà vòng đàm phán hồi tháng 9 vừa qua đem lại.

Vấn đề cốt lõi ở đây là chính phủ Israel từ chối tuân thủ những điều khoản tham chiếu của quá trình đàm phán – những điều khoản căn cứ vào công pháp quốc tế và nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Và chính phủ Israel cũng đã điên cuồng đẩy mạnh việc xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Nhà nước Palestine.

Các hoạt động định cư đó thể hiện cốt lõi của chính sách xâm chiếm thực dân bằng quân sự vào mảnh đất của nhân dân Palestine, cũng như thể hiện toàn bộ sự tàn bạo của hành động xâm lăng, phân biệt đối xử nhằm vào nhân dân chúng tôi. Chính sách ấy là sự vi phạm các nguyên tắc nhân đạo quốc tế và nghị quyết của Liên Hợp Quốc, và nó là nguyên nhân chính làm thất bại tiến trình hòa bình, làm tan vỡ hàng chục cơ hội, chôn vùi niềm hy vọng to lớn nảy sinh từ ngày Tổ chức Giải phóng Palestine và Israel ký Tuyên bố về các Nguyên tắc, năm 1993, để tiến tới một nền hòa bình công bằng, mở ra một kỷ nguyên mới trong khu vực.

Báo cáo của các phái đoàn Liên Hợp Quốc cũng như của một số định chế và tổ chức dân sự Israel truyền đạt một bức tranh tồi tệ về quy mô của chiến dịch định cư, cái mà chính quyền Israel không ngần ngại lấy đó làm niềm tự hào và không ngừng thực thi thông qua việc chiếm giữ một cách có hệ thống đất đai của người Palestine, xây dựng hàng nghìn đơn vị định cư mới ở nhiều nơi khác nhau tại khu Bờ Tây – đặc biệt ở Đông Jerusalem – và đẩy nhanh việc xây dựng Bức Tường thôn tính. Bức tường đó đang ngốn những dải đất lớn của chúng tôi, chia xứ sở của chúng tôi thành những ốc đảo và khu dân cư tách biệt và cô lập, phá hoại đời sống gia đình và cộng đồng, cũng như sinh kế của hàng chục nghìn hộ dân. Thế lực chiếm đóng còn tiếp tục từ chối cho phép người dân chúng tôi xây dựng nhà cửa ở vùng Đông Jerusalem bị chiếm đóng, trong khi họ tăng cường cái chiến dịch đã kéo dài hàng thập kỷ nay là phá và tịch thu nhà cửa, xua đuổi người dân, người định cư Palestine, theo một chính sách thanh lọc sắc tộc đa hướng, nhằm vào việc đẩy người Palestine khỏi mảnh đất của tổ tiên họ. Thêm vào đó, Israel còn ban lệnh trục xuất những đại biểu đã được người dân chọn lựa khỏi thành phố Jerusalem. Thế lực chiếm đóng cũng tiếp tục việc khai quật, đào bới, đe dọa mảnh đất thiêng liêng của chúng tôi, còn những trạm kiểm soát quân sự của họ thì ngăn cản công dân của chúng tôi đến các thánh đường và nhà thờ, và họ tiếp tục bao vây Thành Phố Thiêng bằng một vòng vây khu định cư, được thiết lập nhằm mục đích ngăn cách Thành Phố Thiêng với các thành phố Paletine còn lại.

Những kẻ chiếm đóng đang chạy đua với thời gian nhằm vẽ lại đường biên giới của đất nước chúng tôi theo cách mà họ muốn và thiết lập fait accompli (tiếng Pháp, nghĩa là “sự đã rồi”) trên cơ sở cho rằng điều đó sẽ làm thay đổi thực tế và phá hoại khả năng hình thành một Nhà nước Palestine thật sự.

Đồng thời, Thế lực chiếm đóng tiếp tục phong tỏa Dải Gaza, tiêu diệt thường dân Palestine bằng các cuộc ám sát, ném bom và bắn pháo, vẫn là dai dẳng cuộc chiến xâm lăng ba năm trước đây của họ nhằm vào Gaza, đưa đến những vụ phá hủy hàng loạt nhà cửa, trường học, bệnh viện, thánh đường, hàng nghìn người tử vì đạo và bị thương.

Thế lực chiếm đóng cũng tiếp tục xâm lược nhiều khu vực thuộc sự quản lý của Chính quyền Quốc gia Palestine, thông qua những cuộc bố ráp, bắt bớ và giết người ngay tại trạm kiểm soát. Trong những năm qua, hành động tội ác của các chiến binh định cư có vũ trang, vốn được sự bảo vệ đặc biệt của quân đội chiếm đóng, đã tăng cường hành động tấn công tội lỗi, thường xuyên vào nhân dân chúng tôi, nhằm vào nhà cửa của họ, trường học, đại học, thánh đường, đồng ruộng, mùa màng, cây cối. Bất chấp việc chúng tôi liên tục cảnh báo, Thế lực chiếm đóng đã chẳng hề hành động gì để kiềm chế những cuộc tấn công này, và chúng tôi cho rằng họ chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội ác của những kẻ định cư.

Đây chỉ là một vài ví dụ về chính sách chiếm đóng, định cư thực dân của Israel; chính sách này là thủ phạm đằng sau thất bại kéo dài của những nỗ lực quốc tế nối tiếp nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình.

Chính sách này sẽ phá hoại mọi cơ hội đạt được một giải pháp hai nhà nước, giải pháp mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí; và ở đây tôi lớn tiếng cảnh báo: Chính sách định cư có nguy cơ phá hoại cấu trúc Chính quyền Quốc gia Palestine, thậm chí chấm dứt sự tồn tại của nó.

Bên cạnh đó, giờ đây chúng tôi đang đối mặt với việc Israel áp đặt những điều kiện mới, những điều kiện trước đây chưa từng được đưa ra, và sẽ biến cuộc xung đột đang dữ dội trong khu vực nóng bỏng của chúng ta thành một cuộc xung đột khu vực, mối đe dọa đối với tương lai của một triệu rưỡi tín đồ Palestine Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo, công dân Israel. Chúng tôi bác bỏ điều này, và chúng tôi không thể chấp nhận để mình bị cuốn vào nó.

Tất cả các hành động do Israel tiến hành trên đất nước chúng tôi đều là hành động đơn phương, không hề căn cứ vào bất cứ một điều ước nào trước đây. Trên thực thế, cái chúng tôi chứng kiến là sự vận dụng các điều ước một cách có lựa chọn, nhằm kéo dài thêm sự chiếm đóng. Israel đã tái chiếm các thành phố ở khu Bờ Tây trong một hành động đơn phương, và tái thiết lập ách chiếm đóng dân sự và quân sự, cũng trong một hành động đơn phương. Và Israel là kẻ quyết định việc một công dân Palestine nào đó có quyền được định cư ở bất cứ nơi nào trong Lãnh thổ Palestine hay không. Và họ đang tịch thu đất đai, nước của chúng tôi, ngăn cản mọi hoạt động của chúng tôi, cũng như ngăn cản dòng lưu chuyển của hàng hóa. Và họ chính là những kẻ đang cản phá cả số phận của chúng tôi. Tất cả đều là hành động đơn phương.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Vào năm 1974, nhà lãnh đạo quá cố của chúng tôi, Yasser Arafat, đã đến sảnh này và khẳng định trước các Thành viên của Đại hội đồng về quyết tâm theo đuổi hòa bình của chúng tôi. Ông kêu gọi Liên Hợp Quốc thừa nhận những quyền dân tộc không thể chuyển nhượng của nhân dân Palestine, tuyên bố: “Đừng để cành ôliu rơi khởi tay tôi”.

Năm 1988, Tổng thống Arafat lại một lần nữa phát biểu trước Đại hội đồng, khi Đại hội đồng họp ở Geneva để nghe ông điều trần. Ông đã đệ trình chương trình hòa bình Palestine, do Hội đồng Quốc gia Palestine thông qua tại phiên họp của họ tổ chức cùng năm đó ở Algeria.

Khi thông qua chương trình này, chúng tôi đã và đang đi một bước đau đớn và rất khó khăn đối với tất cả chúng tôi, đặc biệt với những người – trong đó có tôi – đã bị buộc phải rời khỏi nhà của mình, thành phố và làng mạc của mình, chỉ mang theo một ít đồ dùng cá nhân, mang theo nỗi đau khổ và những ký ức, và nchiếc chìa khóa để mở cánh cửa bước vào các trại lưu đầy, bước vào nạn bỏ xứ (Diaspora) trong thảm họa 1948 – một trong những chiến dịch khủng khiếp nhất nhằm diệt trừ, phá hoại và xóa bỏ một xã hội mạnh mẽ và đoàn kết, vốn đã và đang góp phần vào con đường tiên phong phục hưng các giá trị văn hóa, giáo dục và kinh tế của người Ảrập Trung Đông.

Tuy nhiên, vì chúng tôi tin tưởng vào hòa bình, vì chúng tôi tin tưởng vững chắc vào sự chính trực của cộng đồng quốc tế, và vì chúng tôi có lòng can đảm để ra những quyết định khó khăn vì nhân dân của mình, trong hoàn cảnh không tồn tại công lý tuyệt đối, chúng tôi đã quyết định chấp nhận con đường công lý tương đối – một nền công lý khả thi và có thể sửa chữa một phần những bất công lịch sử, rất nghiêm trọng, nhằm vào nhân dân chúng tôi. Do vậy, chúng tôi đã nhất trí thành lập Nhà nước Palestine chỉ trên phần lãnh thổ chiếm 22% diện tích của nước Palestine trong lịch sử - nằm trên toàn bộ Lãnh thổ Palestine mà Israel đã xâm chiếm vào năm 1967.

Với bước đi lịch sử này – được các nhà nước trên thế giới hoan nghênh – chúng tôi đã có sự nhượng bộ to lớn để đạt một thỏa thuận mang tính lịch sử, cho phép hòa bình đến với mảnh đất hòa bình này.

Trong những năm sau đó – kể từ Hội nghị Madrid và các cuộc đàm phán tại Washington đưa đến hiệp ước Oslo, được ký cách đây 18 năm trong vườn Nhà Trắng, gắn liền với những lá thư công nhận lẫn nhau giữa PLO và Israel – chúng tôi đã duy trì và đã xử lý một cách tích cực và có trách nhiệm tất cả những nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình dài lâu. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, mọi sáng kiến, mọi hội nghị và vòng đàm phán mới, mọi thời điểm, đều bị tan tành vì dự án mở rộng khu định cư của Israel.

Thưa các Ngài, các Quý bà, Quý ông,

Thay mặt cho Tổ chức Giải phóng Palestine – đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine và sẽ còn là như thế cho đến ngày xung đột chấm dứt trên mọi khía cạnh, cũng như cho đến ngày bản nghị quyết về tất cả các địa vị pháp lý cuối cùng được ban hành – tôi khẳng định những điều sau đây:

1. Mục tiêu của nhân dân Palestine là sự công nhận các quyền dân tộc không thể chuyển nhượng của họ tại một Nhà nước Palestine độc lập, có thủ đô là Đông Jerusalem, nằm trên toàn bộ phần đất của khu Bờ Tây, gồm có Đông Jerusalem và Dải Gaza, nơi mà Israel đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh tháng 6/1967; theo các nghị quyết hợp lệ của quốc tế và với việc đạt được một giải pháp công bằng, được đồng thuận, về vấn đề người tị nạn Palestine theo nghị quyết 194, như đã được quy định trong Sáng kiến Hòa bình Ảrập – sáng kiến thể hiện tầm nhìn nhất quán của người Ảrập nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi của xung đột Ảrập-Israel và nhằm đạt được hòa bình công bằng, toàn diện. Chúng tôi cam kết đi theo mục tiêu này và đó là điều chúng tôi đang phấn đấu để đạt tới. Việc chúng tôi có được nền hòa bình mơ ước cũng đòi hỏi Israel phải thả ngay các tù nhân chính trị và những người bị họ giam giữ trong các nhà tù của Israel.

2. PLO và nhân dân Palestine cam kết khước từ bạo lực, bác bỏ và lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đặc biệt chủ nghĩa khủng bố cấp Nhà nước, và cam kết thực thi tất cả các điều ước đã được ký kết giữa Tổ chức Giải phóng Palestine và Israel.

3. Chúng tôi đi theo con đường đàm phán về một giải pháp lâu dài cho xung đột, tuân theo các nghị quyết hợp lệ của cộng đồng quốc tế. Ở đây, tôi tuyên bố rằng Tổ chức Giải phóng Palestine sẵn sàng trở lại bàn đàm phán ngay lập tức với điều kiện các điều khoản tham chiếu đã thông qua phải được thực thi – các điều khoản đặt trên cơ sở là tính hợp pháp và sự chấm dứt hoàn toàn các hoạt động định cư.

4. Nhân dân chúng tôi sẽ tiếp tục phản kháng rộng rãi, một cách ôn hòa, trước sự chiếm đóng của Israel, hành động định cư của họ, các chính sách phân biệt sắc tộc của họ, và việc họ xây dựng Bức Tường thôn tính đầy tính phân biệt sắc tộc; và nhân dân chúng tôi sẽ được ủng hộ vì sự phản kháng đó, một sự phản kháng phù hợp với nguyên tắc nhân đạo quốc tế, thông lệ quốc tế, và được sự ủng hộ của những nhà hoạt động vì hòa bình người Israel và mọi nước khác trên thế giới. Sự phản kháng đó cho thấy một tấm gương can đảm, ấn tượng, truyền cảm hứng, về sức mạnh của một dân tộc không có quốc phòng, vũ khí duy nhất của họ chỉ là ước nguyện, là lòng can đảm, là niềm hy vọng, và những khẩu hiệu giơ lên trước bom đạn, xe tăng, hơi cay, xe ủi.

5. Khi chúng tôi trình bày hoàn cảnh của mình và đem vụ việc của mình ra diễn đàn quốc tế này, đó là một sự xác nhận về việc chúng tôi đặt hoàn toàn lòng tin vào con đường chính trị và ngoại giao, và đó là một sự xác nhận rằng chúng tôi không thực thi những hành động đơn phương. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều không nhằm cô lập Israel hay đẩy họ vào thế phi pháp. Thay vì vậy, chúng tôi muốn đạt được tính chính danh vì sự nghiệp của nhân dân Palestine. Chúng tôi chỉ đặt ra ngoài vòng pháp luật những hành động định cư, sự chiếm đóng, chủ nghĩa phân biệt sắc tộc, và việc sử dụng vũ lực tàn bạo. Chúng tôi tin rằng tất cả các quốc gia trên thế giới sẽ đứng bên chúng tôi trong quan niệm này.

Tôi đứng đây để nói điều này, thay mặt cho nhân dân Palestine và Tổ chức Giải phóng Palestine: Chúng tôi chìa bàn tay ra với chính phủ Israel và nhân dân Israel, vì hòa bình. Tôi muốn nói với họ: Chúng ta hãy khẩn trương cùng nhau xây dựng một tương lai cho con cháu chúng ta, một tương lai khi con cháu ta được hưởng tự do, an toàn và thịnh vượng. Chúng ta hãy xây những cây cầu đối thoại thay vì các trạm kiểm soát và tường ngăn cách, và xây dựng quan hệ hợp tác dựa trên sự bình đẳng, công bằng giữa hai quốc gia láng giềng – Palestine và Israel – thay vì thực thi các chính sách chiếm đóng, định cư, chiến tranh và hủy diệt lẫn nhau.

Thưa các Ngài, thưa các Quý ông, Quý bà,

Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa, nhân dân chúng tôi có quyền tự quyết và quyền độc lập như đã được quy định trong các nghị quyết của cộng đồng quốc tế, nhưng trong vài năm qua, chúng tôi đã chấp nhận tham gia vào một thứ có vẻ như là một phép thử sự xứng đáng, chính đáng và đủ tư cách của chúng tôi. Trong suốt hai năm qua, chính quyền quốc dân của chúng tôi đã thực hiện một chương trình xây dựng các thiết chế Nhà nước. Bất chấp hoàn cảnh bất thường và những trở ngại do Israel áp đặt, một dự án lớn, nghiêm túc đã được tiến hành, trong đó có việc thực hiện những kế hoạch phát triển bộ máy tư pháp và hệ thống chính quyền, nhằm bảo đảm an ninh trật tự; phát triển hệ thống hành chính, tài chính và giám sát; nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế, và tăng cường khả năng tự lực, giảm nhu cầu về cứu trợ của nước ngoài. Được sự hỗ trợ đáng quý của các nước Ảrập và những nhà tài trợ từ các quốc gia bè bạn, một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn đã được tiến hành, tập trung vào các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt chú ý tới khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Trong quá trình thực hiện dự án quốc gia quy mô lớn này, chúng tôi đã và đang phát triển những gì mà chúng tôi phấn đấu có được, đó là các tính chất của Nhà nước chúng tôi: từ việc bảo đảm an toàn cho công dân, duy trì trật tự công cộng, đến việc thúc đẩy bộ máy tư pháp và nền pháp trị; đến việc nâng cao vai trò của phụ nữ thông qua lập pháp, pháp luật và sự tham gia của họ; đến việc bảo vệ các quyền tự do của công chúng và củng cố vai trò của những thiết chế xã hội dân sự; đến việc thể chế hóa luật lệ nhằm đảo bảo trách nhiệm giải trình và sự minh bạch của các Bộ, ban ngành; đến việc dựng nên những cột trụ của dân chủ, làm cơ sở cho đời sống chính trị Palestine.

Khi sự chia cắt đánh vào tính thống nhất của quê hương, nhân dân và những thiết chế của chúng tôi, chúng tôi đã quyết tâm lựa chọn đối thoại làm phương cách để phục hồi lại sự thống nhất. Cách đây nhiều tháng, chúng tôi đã thành công trong việc đạt được hòa giải quốc gia, và chúng tôi hy vọng việc thực hiện đối thoại sẽ được tăng tốc trong những tuần tới. Cột trụ chính của quá trình hòa giải là tìm đến với nhân dân, thông qua những cuộc bầu cử cơ quan lập pháp và bầu cử tổng thống, diễn ra trong một năm, bởi vì Nhà nước mà chúng tôi muốn sẽ là một Nhà nước với các đặc trưng là pháp quyền, thực thi dân chủ, bảo vệ tự do và bình đẳng của tất cả các công dân, không có bất cứ hình thức phân biệt nào, và chuyển giao quyền lực phải thông qua bỏ phiếu.

Các báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Liên lạc Vụ việc (AHLC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khẳng định và hoan nghênh những gì Palestine đã đạt được, coi đó là một mô hình xuất sắc và chưa từng có tiền lệ. Kết luận đồng thuận của AHLC cách đây vài ngày, cũng tại nơi đây, đánh giá những thành tựu đạt được là “một câu chuyện thành công quốc tế đặc biệt”, và xác nhận sự sẵn sàng của người Palestine cùng các định chế của họ để Nhà nước Palestine được độc lập ngay lập tức.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Không còn có thể sửa chữa lại việc (Israel) phong tỏa chân trời của những cuộc đàm phán hòa bình, vẫn với những biện pháp, những phương cách đã liên tục được thử nghiệm và thất bại trong những năm qua. Khủng hoảng đã quá sâu sắc, không thể bỏ qua được, và còn nguy hiểm hơn thế nữa là những nỗ lực đơn thuần nhằm tránh trớ vấn đề hoặc trì hoãn sự bùng nổ của nó.

Bất khả thi, và cũng không thực tế, không thể chấp nhận được, nếu chúng ta lại quay về với cách làm việc thường lệ, như thể mọi thứ vẫn tốt đẹp. Sẽ là vô ích khi bước vào đàm phán mà không có những thông số rõ ràng cần đạt được, thiếu vắng sự tín nhiệm và một thời gian biểu cụ thể. Đàm phán sẽ là vô nghĩa, chừng nào quân đội chiếm đóng trên mảnh đất kia cứ khăng khăng duy trì việc chiếm đóng, thay vì rút lui, và tiếp tục thay đổi bản đồ dân số của đất nước chúng tôi, nhằm tạo ra cơ sở mới cho việc thay đổi biên giới.

Thưa các Ngài, các Quý bà, Quý ông,

Đây là khoảnh khắc của chân lý, của sự thật, và nhân dân chúng tôi đang chờ đợi được nghe câu trả lời của thế giới. Thế giới có để cho Israel tiếp tục chiếm đóng không – lực lượng chiếm đóng duy nhất trên thế giới? Thế giới có để Israel duy trì một Nhà nước nằm trên pháp luật, trên trách nhiệm giải trình? Thế giới có để Israel tiếp tục bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Tòa án Công lý Quốc tế, và lập trường của khối đa số lấn át trong tổng số các quốc gia trên thế giới?

Thưa các Ngài, các Quý bà, Quý ông,

Hôm nay, tôi đến trước các quý vị; tôi đến từ Đất Thánh, mảnh đất của người Palestine, mảnh đất của những thông điệp và lời phán truyền thiêng liêng, nơi Nhà tiên tri Muhammad lên trời (xin bình yên ở bên ngài), nơi Jesus Christ ra đời (xin bình yên ở bên ngài). Thay mặt cho nhân dân Palestine ở quê hương và trong cộng đồng hải ngoại, tôi xin nói điều này, sau 63 năm chịu đựng Thảm họa vẫn còn đang tiếp diễn: Đủ rồi. Đã đến lúc người dân Palestine giành được tự do và độc lập.

Đã đến lúc chấm dứt mọi sự chịu đựng, chấm dứt tình cảnh hàng triệu người Palestine tị nạn trên chính quê hương họ và trong cộng đồng hải ngoại, chấm dứt việc xua đuổi họ, và đã đến lúc thừa nhận quyền của họ. Nhiều người trong số họ đã bị buộc phải đi tị nạn hơn một lần ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.

Khi các dân tộc Ảrập khẳng định khát vọng dân chủ của họ - Mùa xuân Ảrập – cũng đã đến lúc Mùa xuân Palestine bắt đầu, đã đến lúc độc lập.

Đã đến lúc những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em của chúng tôi được sống cuộc đời bình thường, được ngủ yên mà không phải chờ đợi điều xấu nhất xảy ra ngày mai; những người mẹ được yên tâm rằng con của họ sẽ trở về nhà mà không phải lo sợ bị giết, bị bắt giữ hay làm nhục; sinh viên có thể đi học mà không có trạm kiểm soát nào ngăn trở họ. Đã đến lúc người ốm có thể đi viện; nông dân có thể chăm sóc đất đai mà không lo quân chiếm đóng sẽ chiếm đất và nước của họ bằng bức tường chúng xây nên, hay là sợ những kẻ định cư mà vì chúng, các khu định cư được xây lên trên mảnh đất của chúng tôi, những kẻ đã nhổ bật gốc và đốt cháy từng cây ôliu tuổi đời hàng trăm năm. Đã đến lúc hàng nghìn người tù được trả tự do để trở về với gia đình, với con cái, để tham gia xây dựng quê hương, với nền tự do mà vì nó họ đã phải hy sinh.

Nhân dân của tôi khao khát được thực thi quyền sống cuộc đời bình thường như phần còn lại của nhân loại. Họ tin vào điều mà nhà thơ vĩ đại Mahmoud Darwish đã nói: Đứng đây, ở đây, vĩnh cửu ở đây, mãi mãi ở đây, và chúng ta có một mục đích, một và chỉ một thôi: tồn tại.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Chúng tôi đánh giá cao và mạnh mẽ lập trường của tất cả những Nhà nước đã ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi, quyền của chúng tôi, và đã công nhận Nhà nước Palestine sau ngày Tuyên bố Độc lập năm 1988, cũng như những nước gần đây đã công nhận Nhà nước Palestine, và những nước đã nâng vị thế cơ quan đại diện của Palestine ở thủ đô của họ lên cấp cao hơn. Tôi cũng chào mừng ngài Tổng Thư ký, người mà cách đây vài ngày đã nói rằng Nhà nước Palestine đáng lẽ phải được thành lập từ rất nhiều năm trước.

Xin hãy tin rằng sự ủng hộ đó đối với nhân dân chúng tôi có giá trị hơn các bạn tưởng, bởi vì nó làm chúng tôi cảm thấy rằng có ai đó đang lắng nghe chúng tôi, rằng bi kịch của chúng tôi, sự khủng khiếp của Al-Nakba và ách chiếm đóng mà chúng tôi phải chịu đựng, không bị lãng quên. Và, nó củng cố thêm niềm hy vọng của chúng tôi, bắt nguồn từ niềm tin rằng thế giới này vẫn còn có công lý. Đánh mất hy vọng là kẻ thù tàn ác nhất đối với hòa bình, và tuyệt vọng là đồng minh mạnh nhất của chủ nghĩa cực đoan.

Tôi xin nói: Đã đến lúc nhân dân can đảm và tự hào của chúng tôi, sau nhiều thập kỷ bị xua đuổi, bị chiếm đóng kiểu thực dân và không ngừng phải chịu đựng, phải được sống như những dân tộc khác trên trái đất này, sống tự do trên một quê hương có chủ quyền và độc lập.

Thưa các Ngài, thưa các Quý bà, Quý ông,

Tôi xin thông báo cho các quý vị rằng, trước khi đọc bài diễn văn này, tôi đã đệ trình – trên cương vị Tổng thống của Nhà nước Palestine kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine – lên Ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bản đề nghị công nhân Palestine là thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc, trên cơ sở đường biên giới xác lập ngày 4 tháng 6 năm 1967, với thủ đô là Al-Quds Al-Sharif.

Tôi kêu gọi Ngài Tổng Thư ký truyền đạt đề nghị của chúng tôi đến Hội đồng Bảo an, và tôi kêu gọi các thành viên đáng kính của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ quyền thành viên đầy đủ của chúng tôi. Tôi cũng kêu gọi các Nhà nước cho đến nay vẫn chưa công nhận Nhà nước Palestine, hãy công nhận.

Thưa các Ngài, các Quý bà, Quý ông,

Sự ủng hộ của các nước trên thế giới đối với nỗ lực của chúng tôi là một chiến thắng của sự thật, tự do, công lý, luật pháp và công pháp quốc tế, nó tạo sự ủng hộ vô cùng to lớn đối với việc lựa chọn giải pháp hòa bình, và nó thúc đẩy các cơ hội thành công của quá trình đàm phán.

Thưa các Ngài, các Quý bà, Quý ông,

Sự ủng hộ của quý vị đối với việc thành lập Nhà nước Palestine và quyền gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine với tư cách thành viên đầy đủ là đóng góp lớn nhất vào tiến trình xây dựng hòa bình ở Đất Thánh.

Tôi xin cảm ơn quý vị.