Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG MAHMOUD ABBAS TẠI ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ - 2017

BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG MAHMOUD ABBAS TẠI ĐẠI HỘI ĐỒNG LHQ - 2017

Thứ sáu, 22 Tháng 9 2017 15:16

BÀI PHÁT BIỂU CỦA NGÀI MAHMOUD ABBAS,

TỔNG THỐNG NHÀ NƯỚC PALESTINE

 

Tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc

Ngày 20/9/2017

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch Đại hội đồng,

Kính thưa Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc,

Kính thưa các Ngài, thưa toàn thể quý vị, 

Đã 24 năm trôi qua kể từ khi ký Hiệp định Oslo, một hiệp định chuyển tiếp đặt ra thời hạn 5 năm để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, mang lại cho nhân dân Palestine niềm hy vọng rằng họ sẽ sớm giành được độc lập trong Nhà nước của mình và giành được hòa bình giữa người Palestine và người Israel. Ngày hôm nay, niềm hy vọng đó còn lại những gì?

Chúng tôi đã công nhận Nhà nước Israel theo đường biên giới năm 1967. Nhưng việc Israel liên tục từ chối công nhận đường biên giới này đã khiến sự công nhận lẫn nhau mà chúng tôi ký kết ở Oslo năm 1993 bị nghi ngờ.

Kể từ sau bài phát biểu của tôi trước các Ngài tại Kỳ họp vào tháng 8 năm ngoái, khi tôi khẩn khoản yêu cầu biến năm 2017 trở thành năm để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ của Nhà nước Palestine, Chính phủ Israel đã không ngừng theo đuổi chiến dịch định cư trên đất đai của chúng tôi, vi phạm tất cả các hiệp ước quốc tế và các nghị quyết liên quan về Vấn đề Palestine. Họ vẫn tiếp tục sự coi thường trắng trợn đối với giải pháp Hai Nhà nước, sử dụng các chính sách và chiến thuật gây cản trở và nghĩ ra các lý do để lẩn tránh trách nhiệm của mình là chấm dứt sự chiếm đóng lãnh thổ của Nhà nước Palestine.

Thay vì xử lý các vấn đề tiềm ẩn và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột, họ đã cố gắng đưa sự chú ý quốc tế đi trệch hướng tới những vấn đề thứ yếu thực ra xuất phát từ chính các chính sách thuộc địa của họ. Trong khi chúng tôi kêu gọi – cũng như cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục kêu gọi – chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ của Nhà nước chúng tôi, họ lại kích động và đưa ra những lời buộc tội sai trái, vờ như không có đối tác Palestine, và áp đặt những điều kiện vô lý và gây trở ngại. Israel biết rất rõ, cũng giống như các Ngài đã biết, rằng sự chiếm đóng của họ gây ra sự kích động và bạo lực, và sự chiếm đóng quân sự này của Israel đối với đất đai của chúng tôi giờ đây đã kéo dài hơn nửa thế kỉ.

Do đó, thật quá lạ lùng khi nghe những người có trách nhiệm chấm dứt sự chiếm đóng này nói tới nó là “một sự chiếm đóng bị cáo buộc” (alleged occupation). Những nhận thức như vậy là hoàn toàn tách rời thực tế.

Israel là nước trước tiên phải chịu nỗi hổ thẹn về việc sự chiếm đóng này vẫn tiếp diễn, nhưng cả cộng đồng quốc tế cũng vậy. Liên hợp quốc mang một trách nhiệm pháp lý, chính trị, đạo đức và nhân đạo là chấm dứt sự chiếm đóng này và để cho nhân dân Palestine được sống trong tự do và thịnh vượng tại Nhà nước Palestine độc lập của họ, với Đông Jerusalem là thủ đô, theo đường biên giới ngày 4 tháng 6 năm 1967.

Không nghi ngờ gì hết, việc tháo nước trong đầm lầy chiếm đóng thực dân trên đất đai của chúng tôi và chấm dứt những thực tiễn bất công, đàn áp và bất hợp pháp đối với dân tộc chúng tôi sẽ tác động rất lớn tới cuộc chiến chống khủng bố, khiến các nhóm khủng bố mất đi một trong những lời hô hào tập hợp chủ chốt mà chúng vẫn lợi dụng để thúc đẩy các ý tưởng không thể chấp nhận được của mình. Do đó, chúng ta phải nhắc lại rằng chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai của chúng tôi là việc khẩn cấp và là một phần không thể thiếu trong các nỗ lực cần có để đối đầu với các nhóm đó.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Chúng tôi đã khám phá mọi con đường và dành những nỗ lực lớn lao để đạt được hòa bình với những người láng giềng Israel, và cùng với các nước Ả Rập và Hồi giáo, đã thông qua một sáng kiến vô giá – Sáng kiến Hòa bình Ả Rập – nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel với Palestine và thế giới Ả Rập. Theo sáng kiến này, khi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine và Ả Rập bị chiếm đóng năm 1967, các Nhà nước Ả Rập và Hồi giáo sẽ công nhận Israel và bình thường hóa quan hệ với nước này. Israel đã phản ứng ra sao với sáng kiến này?

Còn có cả Lộ trình Hòa bình 2003 của Bộ Tứ, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành và được phía Palestine chấp thuận. Lộ trình này cũng bị chính phủ Israel bác bỏ.

Trên thực tế, đã có vô số sáng kiến tìm cách phá vỡ sự bế tắc trong tiến trình hòa bình và đảm bảo sự thành công cho các nỗ lực hòa bình. Sáng kiến Pháp – nhằm cứu vãn tiến trình hòa bình và giải pháp Hai Nhà nước – đã dẫn tới việc triệu tập Hội nghị Paris vào đầu năm nay, với sự tham dự của 70 Nhà nước và 4 tổ chức quốc tế. Israel không bác bỏ sáng kiến này, nhưng đã tẩy chay Hội nghị đó. Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đưa ra những sáng kiến hòa bình. Và nỗ lực mới đây nhất trong các nỗ lực hòa bình, mà chúng tôi biết ơn vì tất cả, được dẫn dắt bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về phần mình, chúng tôi cũng đã nhiều lần cố gắng hồi sinh tiến trình hòa bình và kêu gọi Thủ tướng Israel khẳng định cam kết của mình đối với giải pháp Hai Nhà nước và ngồi vào bàn đàm phán với chúng tôi để phác thảo đường biên giới giữa Israel và Nhà nước Palestine nhằm mở ra một con đường cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa để giải quyết tất cả các vấn đề hiện trạng cuối cùng. Thật không may, ông ta đã từ chối đề nghị này.

Ngay cả khi chúng tôi tiếp tục các nỗ lực thực sự để tiến trình hòa bình thành công và đạt được các mục tiêu sau cùng, Israel vẫn tiếp tục vi phạm các cam kết của mình và để cản trở các nỗ lực này, đảm bảo cho sự thất bại của tiến trình bằng các hoạt động định cư không ngơi nghỉ và làm phương hại đến giải pháp Hai Nhà nước. Điều này tượng trưng cho một mối đe dọa thực sự đối với cả hai dân tộc, Palestine và Israel, và buộc chúng ta phải tiến hành một cuộc rà soát chiến lược, toàn diện về toàn bộ quá trình.

 

Kính thưa các Ngài, thưa toàn thể quý vị,

 

Cam kết hòa bình của một phía sẽ không bao giờ là đủ để đạt được hòa bình.

Chúng tôi từng cảnh báo trong quá khứ và vẫn tiếp tục cảnh báo về các chính sách của Israel nhằm ‘ăn sâu cắm rễ’ sự chiếm đóng và các thực tiễn thực dân trên thực địa ở Đông Jerusalem. Những chính sách này kích động sự thù địch tôn giáo và có thể dẫn tới một xung đột tôn giáo bạo lực. Chúng tôi đã kêu gọi Chính phủ Israel giữ gìn nguyên trạng lịch sử và pháp lý của các địa danh linh thiêng trong Thành phố này. Tuy nhiên, kể từ khi chiếm đóng Đông Jerusalem năm 1967, Israel đã nhiều lần hành động nhằm củng cố việc họ đơn phương sáp nhập Thành phố này, một quyết định mà chúng tôi đã bác bỏ khi đó và hiện nay vẫn bác bỏ cùng với toàn thể cộng đồng quốc tế, bao gồm Hội đồng Bảo an. Al-Quds là một thành phố bị chiếm đóng và các quyết định và thực tiễn của Israel tại đó là vô hiệu lực và trái pháp luật hoàn toàn. Cũng tương tự như vậy với toàn bộ các khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem và toàn bộ phần còn lại của Lãnh thổ Palestine bị Chiếm đóng.

Các âm mưu của Israel nhằm thay đổi nguyên trạng lịch sử ở Al-Quds, và đặc biệt là liên quan tới vị thế và tính toàn vẹn của Thánh đường Al Aqsa, chỉ có thể được mô tả là đang ‘đùa với lửa’ và là một sự xâm phạm vào các trách nhiệm của chúng tôi cũng như của nước Jordan anh em. Chúng tôi cảnh báo trước Chính phủ Israel về những hàm ý của một sự gây hấn như vậy và buộc họ chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hậu quả.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

Bất chấp sự chiếm đóng tiếp diễn này cùng các chính sách và thực tiễn đàn áp của nó, chúng tôi vẫn có thể xây dựng được các thể chế của Nhà nước của mình, và đã được đa số các Nước thành viên của tổ chức này công nhận. Tại đây, tôi xin nhân cơ hội này một lần nữa cảm ơn tất cả các quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine và đã bỏ phiếu nâng cấp vị thế của chúng tôi tại Liên hợp quốc. Những bước đi này chắc chắn sẽ đóng góp cho việc sửa chữa sự bất công lịch sử rơi xuống dân tộc chúng tôi và là những bước đi ủng hộ các nguyên tắc công bằng và tầm nhìn hòa bình giữa người Palestine và người Israel ở khu vực Trung Đông và trên thế giới.

Tôi đã nhấn mạnh thêm trong bài phát biểu năm ngoái trước Phiên họp tháng 8 rằng nguyên trạng ở lãnh thổ bị chiếm đóng của Nhà nước Palestine không hề bền vững. Bởi tình hình chỉ xấu đi do Israel vẫn khăng khăng theo đuổi sự chiếm đóng, các chính sách gây hấn và sự vi phạm bất tận luật pháp quốc tế, chúng tôi phải một lần nữa kêu gọi Israel, thế lực chiếm đóng, hãy tôn trọng đầy đủ và nêu cao mọi nghĩa vụ bắt nguồn từ sự chiếm đóng này và chịu các hậu quả của nó. Chúng tôi không thể tiếp tục là một Chính quyền không có thẩm quyền gì, hoặc cho phép sự chiếm đóng này tiếp diễn mà không phải trả cái giá nào. Chúng tôi đang tiếp cận điểm này một cách nhanh chóng.

Ngày hôm nay, giải pháp Hai Nhà nước đang gặp nguy cơ. Người Palestine chúng tôi không thể đứng yên nhìn mối đe dọa này nhắm tới sự tồn tại dân tộc, chính trị và xã hội của chúng tôi trên đất đai của chúng tôi, và đe dọa tới hòa bình và an ninh trong khu vực và quốc tế. Chúng tôi sẽ phải có những bước đi hoặc tìm kiếm những giải pháp thay thế để giữ gìn sự tồn tại dân tộc của mình và tiếp tục mở ra những chân trời cho hòa bình và an ninh.

Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi có quyền tìm kiếm những giải pháp thay thế bảo vệ các quyền của chúng tôi và bảo vệ đất đai và nhân dân của chúng tôi khỏi hệ thống Phân biệt chủng tộc đang lan sâu cắm rễ. Chúng tôi đã kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế mở một cuộc điều tra và truy tố các quan chức Israel vì có liên quan tới các hoạt động định cư và sự gây hấn đối với người dân của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi việc gia nhập các hiệp ước, nghị định thư và các tổ chức quốc tế, bởi Palestine đã có được vị trí Nhà nước Quan sát viên theo Nghị quyết 67/19 năm 2012 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tôi sẽ kêu gọi triệu tập Hội đồng Quốc gia Palestine trong tương lai gần để vận hành sự xem xét chiến lược này.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Con đường mà chúng tôi đã chọn, với tư cách là người Palestine và là người Ả Rập, và con đường mà thế giới đã chọn, là con đường của luật pháp quốc tế và sự hợp pháp quốc tế. Lựa chọn của chúng tôi là giải pháp Hai Nhà nước theo đường biên giới năm 1967, và chúng tôi sẽ dành mọi cơ hội cho các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump và Bộ Tứ và toàn thể cộng đồng quốc tế để đạt được một thỏa thuận lịch sử biến giải pháp Hai Nhà nước thành thực tế, cho phép Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô được sống trong hòa bình và an ninh bên cạnh Israel.

Nhưng nếu Giải pháp Hai nhà nước sẽ bị hủy hoại do việc hình thành thực tiễn một Nhà nước với hai hệ thống – Phân biệt chủng tộc – do sự áp đặt không bị kiềm chế của sự chiếm đóng này, là điều mà cả dân tộc chúng tôi và thế giới đều bác bỏ, thì đây sẽ là một thất bại, và cả các ngài lẫn chúng tôi đều sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc đấu tranh và đòi hỏi các quyền công bằng, đầy đủ cho toàn bộ cư dân của Palestine lịch sử. Đây không phải là một lời đe dọa, mà là một cảnh báo về thực tiễn đối với chúng ta do các chính sách tiếp diễn của Israel đang làm phương hại nghiêm trọng đến giải pháp Hai Nhà nước.

Từ đây, tôi muốn nói với nhân dân Israel, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, và nói với họ rằng: Chúng tôi muốn sống trong hòa bình. Đừng nghe những kẻ đang cố gắng thuyết phục các bạn rằng hòa bình giữa chúng ta là điều bất khả.

Vấn đề của chúng tôi là với sự chiếm đóng thuộc địa của Israel chứ không phải với Do thái giáo là một tôn giáo. Đối với người Palestine chúng tôi – cả những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Hồi - đạo Do thái sẽ không bao giờ bị coi là một mối đe dọa. Đó là một tôn giáo độc thần giống như đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Đấng Sáng tạo đã nói trong Kinh Cô-ran: Nhân danh Thượng đế nhân từ ‘chúng ta không phân biệt giữa các nhà tiên tri của Người’. Thượng đế toàn năng đã nói sự thật.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Chúng tôi đã nghiêm túc nêu cao trách nhiệm của mình với người dân của chúng tôi ở Dải Gaza bất chấp sự chia rẽ từ năm 2007. Kể từ đó tới giờ, chúng tôi đã tự mình dành mọi hình thức hỗ trợ cho người dân ở Dải Gaza, những người đang phải chịu đựng sự phong tỏa tàn ác của Israel. Ngoài ra, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định nhu cầu cần có sự bảo vệ dành cho người dân của chúng tôi ở Dải Gaza. Chúng tôi cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Dải Gaza sẽ không phải là Nhà nước Palestine, và rằng sẽ không thể có Nhà nước Palestine nếu không có Dải Gaza.

Ngày hôm nay, tôi phải thể hiện sự nhẹ nhõm về thỏa thuận đã đạt được ở Cairo nhờ các nỗ lực của Ai Cập. Chúng tôi cảm ơn những nỗ lực nhằm vô hiệu hóa các biện pháp của Hamas sau sự chia rẽ, trong đó có việc thành lập một chính phủ; các nỗ lực nhằm giúp cho chính phủ đoàn kết dân tộc thực thi đầy đủ nhiệm vụ của mình ở Dải Gaza; và cho phép tổ chức các cuộc bầu cử chung.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Cũng trong bài phát biểu của tôi trước Đại Hội đồng này vào năm ngoái, tôi đã khẩn khoản yêu cầu Chính phủ Anh sửa chữa sự bất công nghiêm trọng mà họ đã bắt dân tộc Palestine phải chịu đựng khi ban hành Tuyên bố Balfour năm 1917, hứa hẹn với người Do Thái một tổ quốc ở Palestine, bất chấp thực tế rằng Palestine đang là nơi cư trú của nhân dân Palestine và là một trong những nước tiến bộ và thịnh vượng nhất, và không nên bị thuộc địa hóa hay bị đặt dưới sự ủy trị của một Cường quốc. Cho tới khoảnh khắc này, Chính phủ Anh vẫn chưa có một bước đi nào nhằm sửa chữa sự bất công lịch sử này và cũng chưa xin lỗi nhân dân Palestine hay đền bù cho chúng tôi, và cũng chưa công nhận Nhà nước Palestine.

Việc cộng đồng quốc tế tiếp tục ban ‘quyền được miễn tội’ cho những chính sách gây hấn của Israel rõ ràng càng làm cho họ bạo gan theo đuổi các chính sách này hơn. Tôi xin nhắc lại với các ngài rằng Israel đã vi phạm các nghị quyết quốc tế kể từ khi thành lập. Họ đã vi phạm Hiến chương của Liên hợp quốc và tiếp tục vi phạm, cũng như vi phạm các nghị quyết 181 (II), 194 (III), 242 (1967), 338 (1973), cho tới nghị quyết 2334 năm 2016 của Hội đồng Bảo an.

Phải chăng cộng đồng quốc tế đã đầu hàng trước thực tế rằng Israel là một đất nước đứng trên luật pháp? Tại sao họ lại đối xử với Israel theo tiêu chuẩn kép?

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Để cứu vãn tiến trình hòa bình và giải pháp Hai Nhà nước, tôi thúc giục Liên hợp quốc và các Quý quốc hãy làm như sau:

Thứ nhất: Tích cực theo đuổi các nỗ lực nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với Nhà nước Palestine trong một khung thời gian định trước. Nếu chỉ tiếp tục đưa ra những tuyên bố chung chung, vô tận để kêu gọi chấm dứt chiếm đóng và đạt được hòa bình mà không có thời hạn thì sẽ không đủ. Cần phải có các nỗ lực nhằm thực thi Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, trong đó có một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn Palestine theo Nghị quyết 194 (III).

 

Thứ hai: Hành động để chấm dứt toàn bộ các hoạt động định cư tại Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem, như đã được yêu cầu trong vô số nghị quyết của Liên hợp quốc, trong đó có nghị quyết 2334 (2016) gần đây nhất, và theo đúng Công ước Geneva IV.

Thứ ba: Đảm bảo sự bảo vệ quốc tế đối với đất đai và con người của Nhà nước Palestine, cho tới khi chấm dứt sự chiếm đóng, bởi chúng tôi không thể bảo vệ cho nhân dân, đất đai và các địa danh linh thiêng của mình khỏi sự chiếm đóng đáng ghê tởm này. Không thể im lặng trước các hành động của sự chiếm đóng này; đảm bảo sự bảo vệ cho nhân dân Palestine là một nhu cầu đạo đức cấp thiết trước khi là một vấn đề chính trị hay pháp lý, phù hợp với các nghị quyết 605 (1987), 672 (1990), 673 (1990) và 904 (1994) của Hội đồng Bảo an – các nghị quyết này đều dựa trên các Công ước Geneva và nhấn mạnh tính ứng dụng với lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967.

Thứ tư: Đòi hỏi rằng Israel tán thành và cam kết với đường biên giới năm 1967 như nền tảng cho Giải pháp Hai nhà nước và đặt các đường biên giới này phù hợp với các nghị quyết quốc tế. Sau khi đã phác họa đường biên giới, mỗi bên có thể hành động trong lãnh thổ của mình theo ý mình mà không làm ảnh hưởng tới các quyền của bên kia.

Thứ 5: Tôi phải hỏi các ngài: Đường biên giới của Nhà nước Israel mà rất nhiều Quốc gia trong Đại hội đồng này đã công nhận là như thế nào? Tôi thúc giục tất cả các Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã công nhận Israel hãy tuyên bố rằng việc công nhận của họ dựa trên đường biên giới năm 1967, từ đó đưa họ đi theo đúng các nghị quyết quốc tế và tái khẳng định cam kết của họ đối với các nghị quyết này cùng các yêu cầu về một giải pháp hòa bình được xây dựng dựa trên các nghị quyết đó.

Thứ 6: Tôi kêu gọi tất cả các Quốc gia hãy chấm dứt mọi hình thức liên quan trực tiếp và gián tiếp với, và sự ủng hộ dành cho, cơ chế định cư thuộc địa bất hợp pháp của Israel trên đất đai của Nhà nước Palestine bị chiếm đóng, phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc và với các quan điểm đã được các Quốc gia khẳng định trong vấn đề này, và tương tự như cách tiếp cận của cộng đồng quốc tế đối với chế độ Phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Thứ 7: Tôi thúc giục các Quốc gia vẫn chưa công nhận Nhà nước Palestine hãy công nhận chúng tôi, để thực thi nguyên tắc công bằng, là điều có thể thúc đẩy các cơ hội hòa bình. Tôi không hiểu việc công nhận Nhà nước Palestine có thể gây hại cho các cơ hội hòa bình như thế nào, nhất là khi người Palestine chúng tôi đã công nhận Israel theo đường biên giới năm 1967.

Thứ 8: Chúng tôi trông đợi Hội đồng Bảo an sẽ phê duyệt đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc của Nhà nước Palestine. Tất cả những ai ủng hộ giải pháp Hai Nhà nước nên công nhận Nhà nước còn lại, Nhà nước Palestine.

Thứ 9: Chúng tôi thúc giục cộng đồng quốc tế hãy tiếp tục dành sự ủng hộ về kinh tế và tài chính cho nhân dân Palestine để có được sự tự lực. Chúng tôi cũng thúc giục các bạn hãy tiếp tục ủng hộ Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc  (UNRWA) để cơ quan này tiếp tục các dịch vụ và sự hỗ trợ nhân đạo sống còn cho người tị nạn Palestine trên mọi lĩnh vực hoạt động. Trong vấn đề này, chúng tôi cảnh báo trước về các âm mưu nhằm thay đổi nhiệm vụ của UNRWA và các quy chế của cơ quan này. Chúng tôi cũng cảnh báo trước về các âm mưu xóa bỏ điều 7 trong chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền hoặc cản trở việc công bố danh sách các công ty hoạt động tại các khu định cư Israel trên lãnh thổ của Nhà nước Palestine bị chiếm đóng.

Thứ 10: Một lần nữa, chúng tôi khẳng định cam kết tôn trọng nhân quyền và các công ước quốc tế và cam kết với Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030 của Liên hợp quốc, và Nghị định Paris về Biến đổi Khí hậu và tất cả các hiệp ước và công ước mà chúng tôi đã tán thành.

 

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Nhà nước Palestine sẽ phản ánh những nhu cầu bức thiết này trong các dự thảo nghị quyết để trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc khi thích hợp. Chúng tôi kêu gọi các ngài hãy bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết này với mục tiêu rõ ràng là bảo vệ giải pháp Hai Nhà nước và cứu vãn và thúc đẩy các cơ hội đạt được hòa bình. Sự ủng hộ của các ngài chắc chắn sẽ phù hợp với những mối quan ngại và các cam kết các ngài đã thể hiện về việc đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng cho cả người Palestine và người Israel, và cho các dân tộc và Nhà nước trong khu vực.

Cuối cùng, các quý vị hãy cho phép tôi gửi lời chào những người dân vĩ đại của chúng tôi, những người vẫn kiên định trên tổ quốc mình và tiếp tục đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài để giành được tự do và độc lập và bảo vệ phẩm giá của dân tộc và của con người.

Tôi gửi lời chào những người dân của chúng tôi ở Jerusalem, những người đã nêu cao những tấm gương sáng chói nhất về cuộc kháng chiến hòa bình toàn dân chống lại sự chiếm đóng thực dân của Israel.

Tôi gửi lời chào những người dân của chúng tôi đang sống lưu vong và sống phân tán khắp nơi.

Tôi gửi lời chào những người dân của chúng tôi vẫn đang vững vàng ở Bờ Tây. Tôi gửi lời chào những người dân của chúng tôi vẫn đang vững vàng một cách kiên nhẫn ở Dải Gaza bị phong tỏa.

Tôi gửi lời chào tới những liệt sĩ vẻ vang và những tù dân dũng cảm của chúng tôi trong các nhà tù của Israel.

Tôi nói với họ rằng tự do đang đến và là điều tất yếu, và rằng sự chiếm đóng sẽ chấm dứt. Đó sẽ hoặc là nền độc lập của Nhà nước Palestine, sống bên cạnh Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh theo đường biên giới năm 1967, hoặc là các quyền bình đẳng cho toàn bộ cư dân của vùng đất Palestine lịch sử từ sông ra tới biển.

 

Tôi xin cảm ơn các Ngài.

Cầu mong hòa bình cho các Ngài.