Trang chủ

Bài phát biểu của Ngài Mahmoud Abbas, Tổng thống Nhà nước Palestine, trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) tại Phiên họp thứ 34 tổ chức ở Geneva

Thứ ba, 28 Tháng 2 2017 16:35

Nhà nước Palestine

Tổ chức Giải phóng Palestine

 

Ngày 27/2/2017

 

Bài phát biểu của Ngài Mahmoud Abbas, Tổng thống Nhà nước Palestine, trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) tại Phiên họp thứ 34 tổ chức ở Geneva

 

Kính thưa các Ngài,

Kính thưa các Ủy viên của Hội đồng,

Kính thưa Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ, Chủ tịch Phiên họp Hội đồng Nhân quyền, Đại diện các Quốc gia Thành viên, các Tổ chức Quốc tế và Xã hội Dân sự,

Kính thưa các quý vị,

 

Hôm nay tôi rất vinh dự được tham dự phiên họp này của Quý hội đồng đáng kính, công nhận những nỗ lực quan trọng của các Ngài trong việc bảo vệ nhân quyền và giữ gìn tính ưu việt của các nguyên tắc mà Hội đồng này đã được thành lập dựa trên đó. Tôi phát biểu với các Ngài ngày hôm nay để chia sẻ với các Ngài về thực tiễn các điều kiện nhân quyền ở Nhà nước Palestine bị chiếm đóng, vốn đang rất bi thảm bởi Israel, thế lực chiếm đóng, vẫn tiếp tục vi phạm các điều khoản của Tuyên bố Nhân quyền Toàn cầu và tự đặt mình trên luật pháp quốc tế. Israel vẫn tiếp tục coi thường Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Geneva IV.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, 

70 năm đã trôi qua kể từ khi các lực lượng quân sự của Israel đuổi hơn một nửa số người Palestine bản địa năm 1948 đi khỏi quê hương của họ, và tàn phá và phá hủy dấu vết của hơn 400 ngôi làng và thị trấn của Palestine. 50 năm đã trôi qua kể từ khi Israel chiếm đóng quân sự vùng lãnh thổ Palestine, trong đó có Đông Jerusalem, vào năm 1967. Trước tình hình vô cùng nghiêm trọng này – lại thường xuyên chứng kiến những sự leo thang nguy hiểm trong những vi phạm nhân quyền lan rộng và có hệ thống đối với nhân dân Palestine – giờ đây, hơn bao giờ hết, đang có một đòi hỏi là Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, phải có trách nhiệm đầy đủ. 

Hôm nay, chúng tôi nhắc lại yêu cầu thành lập một hệ thống bảo vệ quốc tế đối với nhân dân Palestine, để chấm dứt những vi phạm của Israel đối với các quyền cơ bản của người Palestine, buộc Israel ngừng việc tịch thu đất đai của người Palestine, và chấm dứt việc chiếm đoạt các nguồn nước ngầm. Hệ thống bảo vệ quốc tế này cũng phải kêu gọi Israel ngừng việc liên tục bắt giữ thường dân Palestine, phá hủy nhà cửa, và đảm bảo một cuộc sống hòa bình và an toàn cho trẻ em Palestine. Ngoài ra, một cơ chế ràng buộc cần phải được xây dựng với một khung thời gian rõ ràng và dứt khoát, trong đó có việc Israel rút khỏi lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, và loại bỏ những tác động của Bức tường Sáp nhập và các khu định cư trái phép. Điều này cũng dẫn tới một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới trước tháng 6 năm 1967 với Jerusalem là thủ đô. Nhà nước Palestine sẽ sống trong hòa bình, an ninh và ổn định bên cạnh Israel.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

 

Tất cả các ngài đều biết rằng Israel vẫn tiếp tục những vi phạm và các thực tiễn trái pháp luật của mình, giữ hàng nghìn tù nhân chính trị Palestine trong các nhà tù của mình, và gần đây còn tuyên bố xây dựng thêm hàng nghìn đơn vị nhà ở định cư trên đất đai của chúng tôi và ban hành một đạo luật mới trong Quốc hội để hợp pháp hóa việc cướp bóc đất đai của Palestine – một tiền lệ vô cùng nguy hiểm mà chúng tôi, và cộng đồng quốc tế, đã kịch liệt bác bỏ. Việc Israel tịch thu đất đai của Palestine sẽ khiến dân tộc chúng tôi không thể thành lập một nhà nước, và trên thực tế đã hình thành một nhà nước với hai chế độ, được gọi là Chế độ Phân biệt chủng tộc – cội nguồn của sự kích động và bạo lực. Do đó, cần phải thực thi nhanh chóng Nghị quyết 2334 của Liên hợp quốc.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị, 

Palestine của ngày hôm nay là một thực tế và đã cắm rễ rất sâu trong cộng đồng quốc tế. Năm 2012, cộng đồng quốc tế đã công nhận Palestine là một Nhà nước quan sát viên tại Liên hợp quốc, và kể từ đó đã gia nhập và tham gia các công ước và các cơ quan quốc tế. 138 nhà nước đã công nhận Nhà nước Palestine, gần đây nhất là Vatican, và một nghi lễ đặc biệt đã được tổ chức tại Trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York để kéo lên lá quốc kỳ của Palestine. Theo đó, vì hòa bình và công lý, sẽ là không thực tế nếu chỉ thảo luận các giải pháp tạm thời hoặc kết hợp vấn đề Palestine vào khuôn khổ các vấn đề khu vực như chính phủ hiện tại Israel đã cố gắng làm. 

Trong vấn đề này, chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã công nhận Israel và tin vào giải pháp Hai nhà nước hãy bảo vệ và ủng hộ giải pháp này bằng cách công nhận Nhà nước Palestine.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Chúng tôi vẫn dang rộng bàn tay để đạt được một nền hòa bình công bằng và toàn diện và liên tục sẵn sàng đối thoại và sẵn sàng hợp tác một cách có trách nhiệm và tích cực với các nỗ lực và sáng kiến hòa bình, mà gần đây nhất là Hội nghị Hòa bình Quốc tế Paris. Chúng tôi chống lại mọi hình thức khủng bố trong khu vực của chúng tôi và trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng nhắc lại sự sẵn sàng và thiện chí của mình trong việc hợp tác với tất cả các quốc gia, trong đó có Chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump, để hướng tới việc đạt được hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết quốc tế. Hòa bình trên thế giới có thể được đảm bảo bằng việc hiện thực hóa giải pháp Hai nhà nước, Palestine và Israel, sống bên cạnh nhau theo đường biên giới trước năm 1967 trong hòa bình và an ninh. Sự ra đời của Nhà nước Palestine sẽ làm tổn hại đến động lực khủng bố và cực đoan, và chúng tôi là một phần trong hệ thống quốc tế đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. 

Vì thế, chúng tôi cảnh báo các bên liên quan không có những bước đi góp phần củng cố sự chiếm đóng của Israel đối với Nhà nước Palestine. Điều này bao gồm ủng hộ các doanh nghiệp định cư của Israel, tấn công các địa danh linh thiêng, hoặc chuyển các đại sứ quán tới Jerusalem. Đông Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng và là thủ đô của Nhà nước Palestine. Chúng tôi không công nhận việc sáp nhập Jerusalem và thành phố thiêng này phải được mở cửa cho tất cả các tín đồ của cả ba tôn giáo độc thần. Về điểm nay, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm của chúng tôi và sự bác bỏ của chúng tôi đối với việc sử dụng tôn giáo để đạt được các mục đích chính trị. 

Vì thế, chúng tôi kêu gọi Cao ủy Nhân quyền hãy ban hành danh sách các công ty vi phạm nhân quyền. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cơ chế giám sát nhân quyền của Hội đồng, thông qua các biện pháp đã được nêu rõ trong các mục của chương trình nghị sự liên quan về các điều kiện nhân quyền ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là mục 7, một mục cơ bản và thường trực trong chương trình nghị sự của Hội đồng. Quy trình này phù hợp với trách nhiệm lịch sử của Liên hợp quốc trong việc tìm ra một giải pháp công bằng và lâu dài cho sự nghiệp của người Palestine. 

Ở cấp độ quốc gia, chúng tôi tiếp tục xây dựng các thể chế quốc gia dựa trên pháp quyền. Chúng tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Palestine hướng tới sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực, đồng thời dành mọi nỗ lực để hỗ trợ cho người tị nạn Palestine ở Syria và Li-băng, vì sự tồn tại và chịu đựng của họ trong bối cảnh xung đột ở các quốc gia mà họ đang sinh sống. Trong vấn đề này, chúng tôi rất biết ơn UNRWA vì những hỗ trợ dành cho người tị nạn Palestine. 

Ngoài ra, chúng tôi đang làm việc hướng tới thống nhất đất đai và con người của chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm về người dân Palestine ở Dải Gaza và đang làm việc hướng tới việc tái thiết những gì các lực lượng chiếm đóng Israel đã phá hoại, và có các biện pháp cần thiết để dỡ bỏ sự phong tòa của Israel đối với Dải Gaza. Bên cạnh đó, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể và chúng tôi đã có khung thời gian cho các cuộc bầu cử địa phương vào giữa tháng 5.   

Các thể chế quốc gia của chúng tôi đang làm việc để giữ chặt pháp quyền bằng cách đảm bảo rằng pháp chế quốc gia của chúng tôi hài hòa với luật pháp quốc tế, và do đó thực hiện các cam kết của chúng tôi đối với các hiệp ước và công ước quốc tế. Tôi tự hào tuyên bố rằng Palestine đã đệ trình báo cáo đầu tiên về Công ước Loại bỏ mọi hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW), nêu bật vai trò quan trọng của phụ nữ Palestine và sự hy sinh và kiên cường của họ trong quá trình xây dựng nhà nước. Nhà nước Palestine sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình và đệ trình thêm các báo cáo nhân quyền trong những tháng tới.

Palestine cũng đã đệ trình thêm các báo cáo về chất lượng môi trường, chống tham nhũng và đa dạng văn hóa theo như các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi, và theo một cách thúc đẩy và bảo vệ các quyền và nhân phẩm của nhân dân chúng tôi trên đất đai của Palestine. 

Một lần nữa, tôi xin chúc Hội đồng thành công và có được nhân quyền trên khắp thế giới, và nhất là đóng góp cho việc khôi phục nhân quyền tại Palestine bị chiếm đóng. Hy vọng rằng Hội đồng sẽ thành công trong việc chấm dứt những vi phạm tiếp diễn đối với các quyền này, để lấy lại sự tôn trọng nhân quyền trên phạm vi quốc tế.

 

Kính thưa Ngài chủ tịch, thưa toàn thể quý vị, 

Palestine vẫn là phép thử lớn nhất cho Hội đồng này, và thành công của Hội đồng trong việc bảo vệ nhân quyền ở Palestine sẽ xác định sự bền vững của nhân quyền trên toàn thế giới. Chúng ta không thể thất bại trong phép thử này. 

Tôi kính chúc tất cả quý vị sức khỏe và thịnh vượng; và tôi xin chúc Hội đồng thành công với phiên họp hiện tại.