Trang chủ Đại sứ quán Tin hoạt động Lễ kỉ niệm Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine tại Hà Nội

Lễ kỉ niệm Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine tại Hà Nội

Thứ năm, 15 Tháng 12 2016 14:31

Hà Nội – Nhân Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine (29/11), Đại sứ quán Nhà nước Palestine phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm và Giao lưu văn hóa nghệ thuật vào sáng 14/12/2016 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Tới dự buổi lễ có đại diện các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam, các vị Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội, cùng đông đảo các bạn sinh viên, những người bạn của đất nước Palestine và phóng viên các báo, đài tới đưa tin.

 

Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine được Liên Hợp Quốc tuyên bố và kỉ niệm vào khoảng ngày 29 tháng 11 hàng năm. Đây là một cơ hội để cộng đồng quốc tế tập trung sự chú ý vào thực tế rằng Vấn đề Palestine vẫn chưa được giải quyết, rằng nhân dân Palestine vẫn chưa giành được các quyền bất khả xâm phạm của mình theo như định nghĩa của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đó là quyền tự quyết, quyền có độc lập và chủ quyền dân tộc, và quyền được quay trở về quê hương của mình. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến phi bạo lực của Palestine thì Ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine ngày càng có ý nghĩa quan trọng để tạo sức ép quốc tế lên thế lực chiếm đóng nhằm chấm dứt sự chiếm đóng bất hợp pháp.

 

 

Tại buổi lễ, ông Lokky Wai, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, thay mặt cho Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đọc Thông điệp Đoàn kết của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Thông điệp có đoạn viết: “Với sự chiếm đóng của Israel gần 50 năm qua, và những triển vọng cho một giải pháp hai nhà nước đang bị đe dọa trượt khỏi tầm với, cộng đồng quốc tế phải thể hiện rõ ràng rằng họ vẫn cam kết giúp đỡ các bên xây dựng lại niềm tin và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa”.

 

Ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam Đoàn kết với nhân dân Palestine, đã đọc Điện mừng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Ngài Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên hợp quốc, và Ngài Mahmoud Abbas, Tổng thống Nhà nước Palestine, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine, trong đó tái khẳng định rằng Việt Nam trước sau như một ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản của mình.

 

Ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam, đã thể hiện lòng biết ơn tới tất cả các quốc gia đã công nhận Nhà nước Palestine, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ và tất cả những người yêu chuộng hòa bình và tự do trên khắp thế giới cũng như nhân dân Việt Nam anh em – những người luôn sát cánh bên nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và tự do.


Đại sứ nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng những hành động thực tế và chính sách xây dựng, mở rộng các khu định cư bất hợp pháp của Israel trên đất đai của Nhà nước Palestine đang dần khẳng định bản chất của một Nhà nước đi ngược với xu hướng xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài, dựa trên các nghị quyết của Liên hợp quốc và Sáng kiến Hòa bình Arab. Ngoài ra, việc mang lại một giải pháp cho xung đột này sẽ giúp loại bỏ cái cớ mà các nhóm cực đoan và khủng bố vẫn sử dụng, do đó góp phần lan tỏa hòa bình và an ninh trong khu vực vì lợi ích của toàn thể các dân tộc tại đây và trên thế giới.

Về phía mình, chúng tôi tiếp tục mở rộng vòng tay hòa bình và kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu cao trách nhiệm, bao gồm việc thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an để chấm dứt các hoạt động định cư - rào cản chính và là mối đe dọa lớn nhất đối với việc đạt được hòa bình. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy cung cấp sự bảo vệ quốc tế cho nhân dân Palestine chừng nào sự chiếm đóng bất hợp pháp này còn tiếp diễn. Chúng tôi cũng kêu gọi các quốc gia chưa công nhận Nhà nước Palestine thì hãy công nhận chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi các nỗ lực để có thể giúp nhân dân Palestine thực thi quyền tự quyết của mình, cùng với các quyền bất khả xâm phạm khác, bao gồm quyền giành độc lập và chủ quyền cho Nhà nước Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô, dựa trên đường biên giới trước năm 1967”.