Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Bài phát biểu của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Phiên tranh luận của Kỳ họp thứ 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Bài phát biểu của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Phiên tranh luận của Kỳ họp thứ 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Thứ sáu, 23 Tháng 9 2016 10:00

Bài phát biểu của Ngài Mahmoud Abbas,                                    

Tổng thống Nhà nước Palestine

Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine

 

Đại hội đồng Liên hợp quốc

Phiên tranh luận chung của Kỳ họp thứ 71

 

Ngày 22/9/2016

New York

 

Kính thưa Ngài Peter Thomson, Chủ tịch Đại hội đồng,

Kính thưa Ngài Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên hợp quốc

Kính thưa các Ngài, thưa toàn thể quý vị,

 

Tôi từng hy vọng rằng ngày hôm nay tôi sẽ không buộc phải đọc bài phát biểu này, hy vọng rằng sự nghiệp của nhân dân chúng tôi đã được giải quyết một cách công bằng, đã thực sự được lắng nghe, và rằng những trái tim và lương tâm đã hành động để đưa họ ra khỏi áp bức.

Như tất cả các ngài đều biết, chúng tôi đã chấp nhận tính ưu việt và phán quyết của luật pháp quốc tế và các nghị quyết có tính hợp pháp quốc tế, và chấp nhận một sự hy sinh to lớn mang tính lịch sử, khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine, đồng ý thành lập Nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.

Họ còn muốn đòi hỏi điều gì hơn ở chúng tôi?

Chúng tôi vẫn cam kết với các thỏa thuận đã đạt được với Israel từ năm 1993. Tuy nhiên, Israel phải đáp lại cam kết này và hành động ngay lập tức để giải quyết tất cả các vấn đề về hiện trạng cuối cùng. Họ phải ngừng toàn bộ các hoạt động định cư thuộc địa hóa cùng sự gây hấn đối với các thành phố, làng mạc và các trại tị nạn của chúng tôi. Họ phải chấm dứt các chính sách trừng phạt tập thể và phá hủy nhà cửa của người Palestine. Họ phải ngừng việc hành hình không qua xét xử và bắt giữ người dân của chúng tôi, và phải thả hàng nghìn tù nhân và những người đang bị giam giữ. Họ phải chấm dứt việc gây hấn và khiêu khích đối với Thánh đường Al-Aqsa Linh thiêng. Bởi tất cả các chính sách và thực tiễn này đang ngăn chặn một môi trường để có thể hiện thực hóa hòa bình trong khu vực của chúng tôi.

Làm sao ai đó đang tìm kiếm hòa bình lại có thể phạm phải những hành động đó?

Về khía cạnh này, chúng tôi tái khẳng định rằng chúng tôi không bao giờ chấp nhận sự tiếp diễn của tình hình hiện nay. Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận các giải pháp tạm thời hoặc lâm thời. Và nhân dân chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ các thể chế quốc gia và các thành tựu của mình, là những điều mà chúng tôi đã đạt được qua sự hy sinh, những nỗi gian khổ và đau đớn lớn lao. Chúng tôi sẽ bảo vệ sự độc lập của quá trình ra quyết định của Palestine và sẽ hành động để hoàn thành những khát vọng của nhân dân thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao và luật pháp quốc tế và tính hợp pháp của các nghị quyết quốc tế thông qua Liên hợp quốc và tất cả các diễn đàn quốc tế, và chúng tôi sẽ tìm cách huy động các nỗ lực quốc tế và của thế giới Ả Rập trong vấn đề này.

Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự tiếp diễn của tình hình hiện nay.

Các Hiệp ước Oslo năm 1993 nhằm mục đích chấm dựt sự chiếm đóng và giành độc lập cho Nhà nước Palestine trong vòng 5 năm. Song, Israel đã thất hứa với những thỏa thuận mà họ đã ký, và tới thời điểm này, vẫn khăng khăng tiếp tục sự chiếm đóng và mở rộng các khu định cư trái phép, gây tổn hại tới việc hiện thực hóa giải pháp Hai Nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967.

Phải chăng Israel chỉ muốn có một Nhà nước?

Bất chấp việc Hội đồng Bảo an đã thông qua 12 nghị quyết lên án các khu định cư của Israel tại Lãnh thổ Palestine bị Chiếm đóng kể từ năm 1967, nhưng chưa có nghị quyết nào trong số đó được thực thi, càng khuyến khích Israel tiếp tục theo đuổi các kế hoạch chiếm thêm đất đai của Palestine ở Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, mà không hề bị trừng phạt. Các hành động bạo lực của người định cư Israel đã lên tới mức hình thành nên các nhóm khủng bố phóng hỏa và giết hại cả gia đình, phá hủy tài sản và nhổ các loại cây trồng là kế sinh nhai của các gia đình Palestine.

Các chính sách bất kính và khinh khỉnh của Israel thậm chí còn dẫn tới âm mưu ‘hợp pháp hóa’ các khu định cư và những người định cư đang thuộc địa hóa vùng đất bị chiếm đóng của chúng tôi từ năm 1967. Nó thậm chí còn dẫn tới việc Thủ tướng Israel tuyên bố rằng lời kêu gọi chấm dứt hoạt động định cư và di tản người định cư chính là ‘thanh lọc sắc tộc’. Tất cả những âm mưu này đều vô giá trị và cấu thành những vi phạm nghiêm trọng rõ ràng theo luật pháp quốc tế.

Vậy thì ai mới là người đang thanh lọc sắc tộc?

Trong vấn đề này, tôi buộc phải cảnh báo lại rằng những gì chính phủ Israel đang làm để theo đuổi các kế hoạch định cư bành trướng sẽ hủy hoại mọi khả năng và hy vọng còn lại về giải pháp Hai Nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967.

Các khu định cư là bất hợp pháp trên mọi khía cạnh và mọi cách thể hiện.

Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về các khu định cư và sự khủng bố của người định cư, và chúng tôi đang tham vấn rộng rãi các nước Ả Rập và các quốc gia bè bạn khác về vấn đề này.

Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không có nước nào bỏ phiếu phủ quyết.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa toàn thể quý vị,

Sự phân biệt chủng tộc của Israel đối với người Palestine đã trở thành một thực tế diễn ra hàng ngày khi nó tiếp tục dành đặc quyền cho người định cư Israel trên đất đai bị chiếm đóng của chúng tôi, bao gồm việc cấp cho họ giấy phép xây dựng nhà ở cũng như các nhà máy, các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng như đường xá, mạng lưới điện nước. Điều này xảy ra đồng thời với việc họ ngăn cản các chủ đất Palestine sử dụng đất đai của mình và cấm họ phát triển kinh tế, vốn là một quyền được ưu tiên quốc tế tại khu vực này theo Agenda 2030 về Phát triển Bền vững, trong đó không quốc gia nào nên bị tụt hậu. Các lệnh quân sự tiếp tục được ban hành để ngăn cấm họ sử dụng đa số đất đai của mình ở Bờ Tây, bao gồm Jerusalem, Thung lũng Jordan và bờ biển của Palestine ở Biển Chết. Và Israel tiếp tục phong tỏa trái phép Dải Gaza. Và họ tiếp tục thay đổi một cách trái phép bản sắc và hiện trạng của Đông Jerusalem bị chiếm đóng và tiến hành gây hấn và khiêu khích tại các địa danh linh thiêng của Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi, đặc biệt là Thánh đường Al-Aqsa.

Việc Israel tiếp tục gây hấn với các địa danh linh thiêng của đạo Hồi và đạo Thiên Chúa chẳng khác gì đang đùa với lửa.

Tất cả các chính sách, hành động và biện pháp này của Israel là lý do cho sự thất bại của tất cả các nỗ lực quốc tế, đặc biệt là nỗ lực của Bộ Tứ trong suốt 13 năm qua, cũng giống như Israel đã phá hoại các nỗ lực của của các chính quyền nối tiếp của Mỹ trong các thập kỉ qua.

Ở đây, tôi muốn một lần nữa khẩn khoản yêu cầu các Ngài hãy cung cấp sự bảo vệ quốc tế cho người dân Palestine, những người đang phải chịu đựng đau khổ dưới sự chiếm đóng từ năm 1967 ở Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, và Dải Gaza. Ở khía cạnh này, tôi xin thể hiện sự cảm kích tới các thành viên Hội đồng Bảo an đã triệu tập một cuộc họp Arria của Hội đồng để tìm hiểu các khả năng bảo vệ quốc tế đối với người dân của chúng tôi, và tôi thúc giục các nỗ lực như vậy hãy tiếp tục phát huy.

Nếu như các Ngài không đảm bảo sự bảo vệ cho chúng tôi thì ai sẽ làm việc đó? 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Ngày hôm nay Israel vẫn tiếp tục các âm mưu lảng tránh một hội nghị hòa bình quốc tế mà Pháp đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Tháng 6 vừa qua, một cuộc họp cấp bộ trưởng đã được tổ chức tại Paris để chuẩn bị cho việc triệu tập một hội nghị như vậy và 28 quốc gia, cùng với ba tổ chức liên chính phủ, đã tham gia cuộc họp này. Chúng tôi vẫn hy vọng rằng một hội nghị như vậy sẽ dẫn tới việc hình thành một cơ chế và khung thời gian rõ ràng để chấm dứt sự chiếm đóng theo các nghị quyết hợp pháp quốc tế có liên quan, theo nguyên tắc đất đai vì hòa bình và Sáng kiến Hòa bình Ả Rập, theo đó kêu gọi một giải pháp công bằng và đồng lòng cho người tị nạn Palestine, phù hợp với nghị quyết 194.

Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các Nhà nước trên thế giới sẽ ủng hộ việc triệu tập hội nghị hòa bình quốc tế này trước khi kết thúc năm nay.

Nếu không có hội nghị hòa bình quốc tế và không có đàm phán trực tiếp thì làm sao có được hòa bình? 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Thay vì thừa nhận sự tàn bạo mà họ đã và đang tiếp tục dành cho chúng tôi, Thủ tướng Israel lại cả gan phê phán tuyên bố của Palestine tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Nouakchott bởi chúng tôi nhắc tới Tuyên bố Balfour. Hôm nay tôi xin nói với ông ta rằng việc chúng tôi thừa nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel vào năm 1993, một sự thừa nhận vẫn còn giá trị cho tới lúc này, không phải là một sự thừa nhận vô cớ. Israel phải đáp lại bằng việc công nhận Nhà nước Palestine và chấm dứt sự chiếm đóng vùng đất này, để Nhà nước Palestine có thể cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Israel trong hòa bình và an ninh như những láng giềng tốt của nhau, trong đường biên giới an toàn và được thừa nhận của mỗi nước.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Không có mâu thuẫn giữa chúng tôi với tôn giáo của người Do Thái và người dân Do Thái. Xung đột của chúng tôi là với việc Israel chiếm đóng đất đai của chúng tôi. Chúng tôi tôn trọng tôn giáo Do Thái và lên án những thảm họa xảy ra với người Do Thái trong Thế chiến II ở Châu Âu, và coi nó như một trong những tội ác ghê tởm nhất đối với nhân loại.

Việc hiện thực hóa một sự hòa giải lịch sử giữa dân tộc Palestine và dân tộc Israel đỏi hỏi Israel phải thừa nhận trách nhiệm của mình đối với thảm họa ‘Nakba’ – thảm họa vẫn đang giáng xuống người dân của chúng tôi cho tới ngày nay. Điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên cùng tồn tại - và sẽ để xây cầu chứ không phải xây tường. Tôi tin rằng các Sáng kiến ​​Hòa bình Ả Rập đã đưa ra một giải pháp hợp lý và nghiêm túc. Tuy nhiên, Israel tiếp tục khăng khăng chỉ chọn những gì họ muốn từ Sáng kiến ​​này, chẳng hạn như thiết lập quan hệ với các nước Ả Rập trước tiên mà không chấm dứt chiếm đóng Palestine. Đây chắc chắn là một phương thức dẫn tới xung đột tiếp diễn trong khu vực của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này và cũng không ai khác có thể chấp nhận. 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị, 

Đến cuối năm sau sẽ là 100 năm kể từ sau Tuyên bố Balfour, và 70 năm kể từ thảm họa ‘Al-Nakba’ của nhân dân Palestine, và 50 năm kể từ khi Israel chiếm đóng Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, và Dải Gaza. 

Vâng, 100 năm đã trôi qua kể từ bản Tuyên bố Balfour khét tiếng, trong đó nước Anh đã trao vùng đất Palestine cho người khác, mà không có bất kỳ quyền, sự cho phép hoặc đồng ý của bất kỳ ai. Điều này đã mở đường cho thảm họa ‘Nakba’ của người Palestine và khiến họ mất quyền sở hữu đất đai và bị trục xuất khỏi mảnh đất của mình. Và nếu như như thế vẫn chưa đủ, Sự Ủy trị của nước Anh còn giải thích Tuyên bố này thành các chính sách và biện pháp, góp phần vào tội ác ghê tởm nhất đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình trên mảnh đất của chính họ, một dân tộc không bao giờ tấn công bất cứ ai hay tham gia vào một cuộc chiến tranh chống lại bất kỳ ai. 

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu nước Anh, khi chúng ta sắp bước sang năm thứ 100 kể từ Tuyên bố khét tiếng này, hãy rút ra những bài học cần thiết và gánh lấy những trách nhiệm lịch sử, pháp lý, chính trị, vật chất và đạo đức của mình về các hậu quả của Tuyên bố này, trong đó có một lời xin lỗi đến người dân Palestine về những thảm họa, đau khổ và bất công mà họ đã mang lại, và hành động để sửa chữa thảm họa lịch sử này và khắc phục các hậu quả của nó, bao gồm cả việc công nhận Nhà nước Palestine. 

Ngoài ra, kể từ năm 1948, Israel đã tồn tại bằng sự coi thường tính hợp pháp quốc tế khi vi phạm nghị quyết 181 (II) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, là nghị quyết phân chia, trong đó kêu gọi thành lập hai nhà nước trên lãnh thổ Palestine lịch sử theo một kế hoạch phân chia cụ thể. Các lực lượng của Israel đã tịch thu nhiều đất hơn so với diện tích được giao cho họ, cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng các Điều 39, 41 và 42 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trong lời mở đầu của Nghị quyết 181 (II), đoạn (c) nêu rõ: "Hội đồng Bảo an xác định bất kỳ nỗ lực nào nhằm dùng vũ lực thay đổi các khu định cư theo dự kiến ​​của nghị quyết này như là một mối đe dọa đối với hòa bình, sự vi phạm hòa bình hoặc hành động gây hấn, theo Điều 39 của Hiến chương, ".

Tuy nhiên, đáng tiếc là Hội đồng Bảo an chưa nêu cao trách nhiệm của mình để buộc Israel chịu trách nhiệm về việc thu giữ các phần lãnh thổ được phân bổ cho Nhà nước Palestine theo nghị quyết phân chia. Tôi kêu gọi các Ngài hãy đọc nghị quyết này một lần nữa. 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị, 

Chúng tôi tiếp tục nỗ lực để xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa hòa bình giữa các dân tộc chúng ta. Chúng tôi chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện và chúng tôi lên án nó, cho dù được thực hiện bởi bất cứ ai và ở bất cứ nơi nào. Khu vực của chúng tôi luôn là nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố và đã phải chịu đựng cơn thịnh nộ của nó trong nhiều năm qua. Chúng tôi ủng hộ sự đoàn kết của con người và đất đai và việc đạt được các giải pháp chính trị cho tất cả các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Iraq và các nơi khác, và chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Vương quốc Ả-rập Xê-út anh em nhằm củng cố nền tảng của tính hợp pháp ở nước Yemen anh em. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực nhằm đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa bè phái và bạo lực, và kêu gọi cùng đoàn kết chống khủng bố - một chủ nghĩa không hề có tôn giáo. 

Trong bối cảnh này, tôi muốn khẳng định lại một lần nữa rằng không có cách nào để đánh bại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan và đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực của chúng tôi mà không có việc Israel kết thúc sự chiếm đóng đối với Palestine và bảo đảm tự do và độc lập của nhân dân Palestine. 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị, 

Chúng tôi vẫn tiếp tục những nỗ lực thực sự để đạt được sự hòa giải nội bộ Palestine với việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia phù hợp với nền tảng chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine và với việc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Chúng tôi cũng tiếp tục nỗ lực để tái thiết Gaza, để làm dịu bớt những khó khăn của người dân, và xóa bỏ sự phong tỏa bất hợp pháp đối với họ. 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị, 

Vòng tay chúng tôi vẫn đang rộng mở để kiến tạo hòa bình. Nhưng câu hỏi vẫn đang được đặt ra rất nhiều lần là: có ban lãnh đạo nào của Israel, Thế lực chiếm đóng, mong muốn có hòa bình thực sự và sẽ từ bỏ tâm lý bá quyền, bành trướng và thực dân, và sẽ công nhận các quyền của nhân dân chúng tôi và kết thúc sự bất công lịch sử mà chúng tôi phải gánh chịu? Chính việc Israel vi phạm các thỏa thuận đã ký kết và không tuân thủ các nghĩa vụ của mình đã dẫn chúng ta tới sự bế tắc và đình trệ hiện nay. 

Nhà nước Palestine, một Nhà nước Quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, là một nhà nước đang bị chiếm đóng. Ban chấp hành PLO, đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine dù họ ở bất cứ nơi nào, hành động đại diện cho nhân dân và như chính phủ của họ, và Hội đồng Quốc gia Palestine là quốc hội của Nhà nước Palestine, như được nêu trong Nghị quyết 67/19 ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

Chúng tôi tiếp tục dựa vào việc cộng đồng quốc tế sẽ gánh vác trách nhiệm của mình, và chúng tôi kêu gọi những nước đã làm tổn hại đến quyền lợi của nhân dân chúng tôi hãy khắc phục sự bất công này. Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi các nước chưa công nhận Nhà nước Palestine hãy công nhận chúng tôi. 

Những người tin vào giải pháp Hai Nhà nước nên công nhận cả hai Nhà nước, chứ không chỉ một trong hai.

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Trong phiên họp lần thứ 71 này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tôi kêu gọi các Ngài hãy tuyên bố năm 2017 là năm quốc tế để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai và người dân chúng tôi, khi tháng 6 năm 2017 sẽ đánh dấu một nửa thế kỷ chiếm đóng đáng ghê tởm này của Israel. Tôi cũng để nghị các Ngài, sau khi đã thông qua nghị quyết 67/19, hãy thông qua một nghị quyết cho phép Palestine thể hiện và đồng bảo trợ các nghị quyết nằm ngoài  Vấn đề Palestine và hỗ trợ những nỗ lực của chúng tôi nhằm nâng cao vị thế pháp lý và chính trị của Palestine, trong đó có việc giao thêm trách nhiệm cho Palestine trong việc điều hành các ủy ban và các nhóm quốc tế, đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình để trở thành thành viên đầy đủ của các tổ chức quốc tế. 

Dựa trên tất cả những nội dung trên, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc hãy huy động mọi nỗ lực, nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ, để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai của Nhà nước Palestine, mà như tất cả các Ngài đã biết, là sự chiếm đóng cuối cùng và kéo dài nhất trong lịch sử đương đại. Khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy các quyền của dân tộc chúng tôi và đảm bảo việc thực thi các quyền đó và chấm dứt sự áp bức và bất công đối với chúng tôi suốt bảy thập kỷ qua chắc chắn sẽ tạo nên một cơ hội duy nhất để hòa bình, ổn định và việc cùng chung sống thắng thế trong khu vực của chúng tôi và giữa dân tộc Palestine và dân tộc Israel. Điều này sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ hiện tại và các thế hệ mai sau, và sẽ là sự khởi đầu và là cơ sở cho việc kết thúc chủ nghĩa cực đoan và bạo lực trong khu vực và trên thế giới. 

Tôi cảm ơn các Ngài đã lắng nghe và hy vọng từ sâu thẳm trái tim rằng sự chiếm đóng của Israel đối với đất đai của chúng tôi sẽ kết thúc, chúng ta có thể đánh bại chủ nghĩa khủng bố và những cuộc xung đột sẽ chấm dứt, và hòa bình sẽ ngự trị trong khu vực của chúng tôi và trên toàn thế giới. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẽ tiếp tục mở cánh cửa hòa bình và sẽ làm tất cả những gì có thể để hiện thực hóa tự do và độc lập của dân tộc chúng tôi. Chúng tôi sẽ vẫn kiên định trên đất đai của mình để phục vụ và đảm bảo cho tương lai của các thế hệ mai sau. 

Tôi hy vọng rằng mình sẽ không phải đọc lại một tuyên bố như thế này một lần nữa bởi các Ngài có một trách nhiệm tập thể là đảm bảo rằng năm 2017 là năm kết thúc sự chiếm đóng. Các Ngài có nêu cao trách nhiệm này không? Đó là hy vọng của tôi. 

Cầu mong bình an cho các Ngài.

 

(Bản dịch không chính thức)