Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Tóm tắt tình hình: Việc Phá hủy nhà cửa, mở rộng các khu định cư của Israel và về Làng Qalandiya

Tóm tắt tình hình: Việc Phá hủy nhà cửa, mở rộng các khu định cư của Israel và về Làng Qalandiya

Thứ tư, 10 Tháng 8 2016 11:56

Nhà nước Palestine                                                                                   

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)

Phòng Đàm phán

 

Ngày 9/8/2016

 

Tóm tắt tình hình: Việc Phá hủy nhà cửa, mở rộng các khu định cư của Israel và về Làng Qalandiya

 

Giới thiệu

Trong tuần cuối cùng của tháng 7, Các Lực lượng Chiếm đóng Israel đã phá hủy 20 ngôi nhà thuộc sở hữu của người Palestine ở trong và quanh Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Tổng cộng 221 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Tại làng Qalandiya ở phía bắc khu vực Jerusalem, 15 ngôi nhà đã bị phá hủy, nâng tổng số công trình bị phá hủy của người Palestine tại Đông Jerusalem bị chiếm đóng trong năm nay lên con số 114. Tổng số công trình của Palestine đã bị phá hủy tại Bờ Tây bị chiếm đóng từ tháng 1 tới hết tháng 7 năm 2016, bao gồm Đông Jerusalem và vùng phụ cận, là khoảng 700 công trình. 

Việc phá hủy nhà cửa và buộc người dân Palestine phải rời đi là một chính sách có hệ thống của Israel kể từ năm 1948 đến nay, bao gồm: phá hủy hàng trăm ngôi làng của người Palestine trong năm 1948 và chiến dịch phá hủy được thực thi ngay sau khi chiếm đóng Palestine năm 1967 (chủ yếu là ở Khu Thành cổ Jerusalem và Vùng Latrun), nơi hàng nghìn người Palestine đã buộc phải chuyển nơi ở bởi nhà của họ đã bị phá hủy. Kể từ năm 1967, ước tính tổng cộng hơn 48.000 công trình của Palestine đã bị các lực lượng chiếm đóng của Israel phá hủy, trong đó có khoảng 24.000 ngôi nhà.

Trong khi nhà cửa của người Palestine bị phá hủy thì Israel – thế lực chiếm đóng – lại tiếp tục xây dựng các khu định cư trái phép trên đất đai bị chiếm đóng với âm mưu sáp nhập và làm thay đổi hiện trạng của vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine. Hiện nay có hơn 600.000 người định cư đang sống tại các khu định cư trái phép của Israel tại Nhà nước Palestine bị chiếm đóng.

 

Làng Qalandiya

Nằm ở tỉnh Jerusalem và ở phía nam Ramallah, làng Qalandiya có tổng diện tích 3.928 dunam (gần 4 km2), trong đó 1.352 dunam vẫn nằm ở phía tây Bức tường Sáp nhập của Israel. Một phần ngôi làng nằm tại vùng đất được gọi là “Khu B”, “Khu C” còn các phần khác nằm dưới “Chính quyền tự trị Jerusalem” theo định nghĩa của Israel. Ngôi làng này đã trở thành một biểu tượng về tác động của các nỗ lực của Israel nhằm chia tách Đông Jerusalem bị chiếm đóng - thủ đô của Palestine - khỏi phần còn lại của Nhà nước Palestine bị chiếm đóng.

Cụ thể, ngôi làng này đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa ngôi làng với trung tâm truyền thống của làng là Jerusalem. Sự cô lập này có hiệu lực một phần bởi các trạm kiểm soát quân sự của Israel và Bức tường của Israel, nhưng chủ yếu bởi mạng lưới các khu định cư và những con đường vòng dựng thành bức tường rào vững chãi quanh các khu vực của Palestine.

Chính sách cô lập và dựng tường rào vây quanh này đã được theo đuổi thông qua việc phát triển các vành đai nhà định cư không những ảnh hưởng tới việc đi lại của người Palestine, mà còn ngăn cản bất kỳ kiểu tiếp giáp lãnh thổ nào giữa các cộng đồng người Palestine. Không giống như các khu định cư Israel ở phía nam và phía đông Đông Jerusalem bị chiếm đóng, nơi một vài khu định cư cũng đủ để phân chia về chức năng giữa Đông Jerusalem với các vùng phụ cận, tuyến đường liền kề rất hẹp của Palestine giữa vùng Shu’fat ở Đông Jerusalem và Ramallah đòi hỏi Israel phải xây dựng hai khu định cư vòng ngoài để chặn sự liền kề của Palestine như trước năm 1967. Các khu định cư này bao gồm Khu định cư Givon ở phía tây bắc và khu Binyamin ở phía đông bắc.

 

Qalandiya, các khu định cư của Israel và sự chia tách khỏi Jerusalem

Để cô lập các ngôi làng ở phía bắc với Jerusalem, Israel đã tăng cường kiểm soát khu vực làng Qalandiya, bao gồm Sân bay Qalandia, bằng cách củng cố bên sườn khu vực này bằng hai khu quân sự: khu Quân sự Ofra và trung tâm giam giữ gần Betunia, và một khu quân sự khác gần làng Al Ram là Khu Quân sự Rama. Ngoài ra, các con đường vòng của người định cư Israel cũng tạo ra ba con đường tiếp cận kết nối với các khu định cư ở phía bắc Jerusalem, đồng thời chia tách sự liền kề lãnh thổ của Palestine tại khu vực này.

Ở phía tây bắc Đông Jerusalem bị chiếm đóng là các khu định cư Givon. Các khu định cư Givon, bao gồm cả Bức tường Sáp nhập của Israel, nằm trên diện tích khoảng 27 km2 với dân số 21.500 người định cư Israel, trải dài từ Beit Horon ở phía bắc tới Ramot và Har Hadar ở phía nam và được chính phủ Israel coi là một khu vực không thể thiếu giúp nối liền Jerusalem với Tel Aviv. Các khu định cư Givon đã mở rộng không ngừng trong những năm qua, chủ yếu là khu định cư Giv’at Zeev. Hiện tại 381 đơn vị nhà ở đang được xây dựng.

Về mặt lãnh thổ, các khu định cư Givon chia tách các địa bàn của Palestine trong nội địa Jerusalem. Các khu định cư Givon cũng hạn chế sự mở rộng của các địa bàn này của người Palestine trong khu vực, lấy đi của họ cả nơi cư trú lẫn các vùng đất nông nghiệp trong tương lai. Về mặt kinh tế, các khu định cư Givon tạo ra một sự kết nối về lãnh thổ với Sân bay Qalandia và khu công nghiệp Atarot, nằm ở ngay phía nam làng Qalandia. Vị trí này nằm ở vùng ngoại ô Jerusalem tại nút giao với Đường số 45 và là một vị trí trọng yếu sau này cho sự phát triển kinh tế và thương mại của Palestine trong tương lai. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Israel tại khu vực này là tiếp tục mở rộng các hoạt động định cư.

 

Hisham Hussein: ngôi nhà của ông đã bị phá hủy sau 25 năm làm việc

Ông Hisham Abdel Ghani Hussein, 42 tuổi, là cha của 6 đứa con, đứa nhỏ nhất 7 tuổi và đứa lớn nhất 20 tuổi. Ông là một thợ hàn có chứng minh thư tại Jerusalem và đã sống cả đời tại một ngôi nhà đi thuê tại trại tị nạn Qalandia. Năm 2013, ông Hisham quyết định khởi công xây dựng ngôi nhà của chính mình tại làng Qalandiay để tránh những khoản chi phí thuê nhà đắt đỏ và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các con mình. Tuy nhiên, vào khoảng 10h tối ngày 25/7, các lực lượng chiếm đóng của Israel đã  đột kích vào ngôi làng và phá hủy 12 ngôi nhà (cùng các công trình khác), trong đó có cả ngôi nhà của gia đình Hussein, nơi họ vừa chuyển tới hai ngày trước đó.

Các lực lượng chiếm đóng của Israel bao vây ngôi nhà và cho gia đình họ 10 phút để chuyển đi, sau đó bắt đầu ném các loại bom hơi cay và bom âm thanh, tạo ra tình trạng sợ hãi và khiếp đảm trong trẻ nhỏ. Ông Hisham giải thích rằng họ không thể chuyển đồ đạc và các vật dụng cá nhân khác ra ngoài kịp trong một thời gian quá ngắn như vậy.

Ông Hisham Hussein cho biết: “Họ đã phá hủy nhà cửa của chúng tôi ngay trước mắt chúng tôi. Tôi đã dành dụm 25 năm làm việc để xây dựng ngôi nhà, từng viên gạch một, và tôi vẫn còn những khoản nợ phải trả cho ngôi nhà đã bị phá hủy của mình trong hơn 3 năm nữa”. “Tôi thúc giục các nước Ả Rập và cộng đồng quốc tế hãy nhanh chóng can thiệp để ngăn chặn Israel dùng vũ lực buộc người dân chúng tôi phải chuyển nơi ở và thanh lọc sắc tộc đối với người Palestine chúng tôi”.

 

Kết luận

Các kế hoạch của Israel tại khu vực này bao gồm mở rộng các khu định cư, đẩy mạnh hoạt động định cư và tách biệt các cộng đồng Palestine. Việc phá hủy diễn ra ở Qalandia nên được hiểu trong bối cảnh này.

Israel đã viện đến nhiều loại cớ khác nhau để bào chữa cho chính sách phá hủy nhà cửa của mình, bao gồm lý do “thiếu giấy phép” - một lập luận được sử dụng để ngăn chặn sự tăng trưởng tự nhiên của người Palestine tại các khu vực như Đông Jerusalem hay Thung lũng Jordan, cùng các khu vực khác, cùng các biện pháp trừng phạt và trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine đang sống dưới sự chiếm đóng.

Công ước Geneva IV và Các quy tắc Hague tuyên bố rằng Israel – với tư cách là lực lượng chiếm đóng tham chiến – bị cấm phá hủy các tài sản dân sự và nhà nước của dân cư mà họ chiếm đóng, và phải đảm bảo việc bảo vệ cho thường dân. Việc phá hủy nhà cửa của người Palestine là một sự vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế.

Cộng đồng quốc tế vẫn chưa gánh vác trách nhiệm của mình. Họ vẫn chưa có những hành động đáng kể để bảo vệ người dân Palestine sống dưới sự chiếm đóng của Israel hoặc những hành động để thưc thi quyền tự quyết của người Palestine. Thay vào đó, văn hóa tội ác không bị trừng phạt của Israel vẫn đang tiếp tục được cổ vũ trong khi tình hình nhân đạo và chính trị tại hiện trường vẫn tiếp tục xấu đi.