Trang chủ

Đại sứ Saadi Salama tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Việt Nam học

Thứ sáu, 10 Tháng 10 2014 09:41

Hà Nội - Sáng ngày 9/10/2014, Đại sứ Palestine Saadi Salama đã tới dự và có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Việt Nam học, thuộc Đại học Hà Nội, nơi ông từng theo học trong những năm 1980.

Toàn văn bài phát biểu của Đại sứ Saadi Salama tại buổi lễ:

Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa Ban Giám hiệu trường Đại học Hà Nội và Ban lãnh đạo Khoa Việt Nam học!
Kính thưa các Thầy Cô giáo và các bạn sinh viên thân mến!

Lời đầu tiên, xin cho phép tôi được tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo kính mến của Khoa Tiếng Việt, những người đã dạy tôi những chữ cái đầu tiên và truyền cho tôi nguồn cảm hứng bất tận với Tiếng Việt, với văn hóa Việt, điều đã trở thành một phần cuộc sống và tâm hồn tôi. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban Giám hiệu trường Đại học Hà Nội đã cho tôi cơ hội quý giá để có mặt ở đây hôm nay, để được gặp lại thầy cô, bè bạn và để có dịp được bày tỏ những tình cảm chân thành của tôi như một học trò cũ trở lại mái trường xưa và như một người xa xứ trở về với quê hương.

Trong giờ phút trang trọng nhưng đầy cảm xúc này, tôi xin được gửi những lời chúc mừng chân thành và nồng nhiệt nhất tới toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên Khoa Việt Nam học nói riêng và trường Đại học Hà Nội nói chung, vì những thành tích mà Trường và Khoa đã đạt được trong những năm qua, vì sự nghiệp” trăm năm trồng người” vô cùng cao quý.

Dù đã 34 năm trôi qua, dù đã đi đến nhiều miền đất của thế giới nhưng trong tôi không thể quên hình ảnh bình dị, thân thương của Hà Nội những ngày đầu hòa bình, ở đó có tòa nhà B7 Bis với bao kỷ niệm của một thời sinh viên đầy khó khăn nhưng cũng thật trong sáng, sôi nổi. Tôi quên sao được những lời nói, cử chỉ dịu dàng, trìu mến của cô Lê Thanh, người đã dạy tôi từng nét chữ và cũng mang đến cho một sinh viên xa quê như tôi những cảm giác ấm áp của một người thân trong gia đình. Tôi cũng vẫn nhớ như in chén trà thơm ngát của thầy Lương Văn Đang mời tôi trong ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, sự ân cần của Giáo sư Hoàng Trọng Phiến chỉ cho tôi cách mắc màn ngủ để tránh những vết muỗi đốt chi chít trên người hay những bát cơm gạo trắng mà nhà trường đã dành cho chúng tôi trong điều kiện Việt Nam còn đầy gian khổ. Tôi cũng không thể quên tình cảm lưu luyến, những giọt nước mắt xót xa của các thầy cô khi chia tay tôi để trở về quê hương tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc bởi “sinh ly tử biệt”. Tất cả những hoài niệm đó không chỉ là ký ức đẹp đẽ mà đã trở thành hành trang cuộc sống, là nguồn động lực để tôi nỗ lực, phấn đấu và là sợi dây mãi mãi gắn kết tôi với mảnh đất anh hùng, bất khuất, có những con người nồng hậu, chân tình.

Thưa quý vị, thưa các bạn,

Khoa Việt Nam học được thành lập chính thức cách đây 10 năm, nhưng thực ra công tác đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài đã ra đời từ trước đó rất lâu, và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc mở rộng các mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế và chính trị giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Tôi vô cùng tự hào khi được là một cựu sinh viên của khoa. Dù trên cương vị nào, tôi luôn ý thức sâu sắc rằng phần lớn kiến thức của tôi về đất nước Việt Nam, nơi tôi luôn coi như quê hương thứ hai của mình, đều được hình thành nhờ những câu chữ Tiếng Việt mà tôi có được sau những năm học tập tại Khoa Tiếng Việt của trường Đại học Hà Nội.

Tôi luôn tâm niệm rằng, để hiểu rõ về một đất nước, về một nền văn hóa, về một dân tộc cùng những phong tục tập quán riêng biệt, thì việc học và hiểu ngôn ngữ của đất nước đó sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất. Như thế, Tiếng Việt không những giúp tôi hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam, mà còn khiến tôi thêm gắn bó và yêu quý mảnh đất thân thiện này. Với một người Palestine như tôi, khi quê hương còn chưa có được một nền độc lập hoàn toàn, thì Tiếng Việt đã giúp tôi tìm hiểu những bí quyết của một dân tộc “không bao giờ khuất… để Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Từ đó, tiếp thêm niềm tin cho cuộc đấu tranh giành độc lập chủ quyền bền bỉ và còn đầy gian khó của nhân dân Palestine chúng tôi.

Khi còn là một sinh viên Khoa Tiếng Việt, tôi từng tự hỏi liệu có thể nói Tiếng Việt thuần thục như cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam mà tôi vẫn nghe mỗi sáng? Giờ đây, tôi ước mong tình yêu với Tiếng Việt và Việt Nam sẽ khiến tôi hoàn thành tâm nguyện được làm cây cầu nối thắt chặt tình hữu nghị giữa đất nước Việt Nam với quê hương Palestine nói riêng và với thế giới Arab nói chung.

Cuối cùng, thay mặt cho toàn thể cựu sinh viên của Khoa Việt nam học, một lần nữa, tôi xin chúc mừng Khoa Việt Nam học đã đi qua chặng đường 10 năm phát triển thành công rực rỡ. Kính chúc toàn bộ cán bộ, giáo viên và sinh viên của khoa tiếp tục xây dựng Khoa Việt Nam học ngày càng vững mạnh và phát triển. Kính chúc các thầy cô giáo luôn có nhiều sức khoẻ để gắn bó với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Chúc quý vị đại biểu và các bạn luôn có nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống!

Xin cảm ơn!