Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Phát biểu của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Khóa họp thứ 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Phát biểu của Tổng thống Mahmoud Abbas tại Khóa họp thứ 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Thứ ba, 30 Tháng 9 2014 10:10

Phát biểu của Ngài Mahmoud Abbas

Tổng thống Nhà nước Palestine

Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine

tại Khóa họp thứ 69 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc*

New York, ngày 26/9/2014

 

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Trước tiên, tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành vì Ngài đã được bầu làm Chủ tịch của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa họp này, và bày tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích tới Ngài John Ashe vì đã lãnh đạo thành công khóa họp trước.

Thưa Ngài Chủ tịch, Thưa các quý vị,

Trong năm nay, năm đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố là Năm Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine, Israel đã chọn để biến thành năm của một cuộc chiến tranh diệt chủng mới đối với người dân Palestine.

Trong năm nay, năm mà Hội đồng này, thay mặt cho các quốc gia và dân tộc trên thế giới, đã truyền tải khát khao và quyết tâm có được một nền hòa bình công bằng để đem lại tự do và độc lập cho người dân Palestine trên Nhà nước Palestine của họ bên cạnh Israel, để sửa chữa sự bất công lịch sử đã gây ra cho người dân Palestine vào ngày Al-Nakba năm 1948, Thế lực chiếm đóng đã chọn cách thách thức toàn thế giới bằng việc mở một cuộc chiến tranh vào Gaza, với máy bay và xe tăng cướp đi những mạng sống một cách dã man và phá hủy nhà cửa, trường học và giấc mơ của hàng nghìn trẻ em, phụ nữ và đàn ông Palestine, và hủy hoại cả những hy vọng còn lại về hòa bình.

Thưa quý vị,

Tôi đã từng phát biểu trước quý vị trong hội trường này vào những ngày này năm 2012 và cảnh báo rằng Thế lực chiếm đóng thực dân đang chuẩn bị cho một thảm họa Nakba mới với người dân Palestine, và tôi đã khẩn khoản yêu cầu quý vị: Hãy ngăn chặn một Nakba mới. Hãy ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine tự do và độc lập ngay bây giờ.

Tôi đã quay trở lại khán phòng này hai tháng sau đó, khi Palestine đang hàn gắn những vết thương và người dân Palestine đang chôn cất những người thân yêu đã ngã xuống của họ sau một cuộc chiến tranh khác được tiến hành ở Dải Gaza, và hôm đó tôi đã tuyên bố: chắc chắn không có một ai trên thế giới này cần đến sự mất mát mạng sống của hàng chục trẻ em Palestine để khẳng định rằng Israel vẫn khăng khăng tiếp tục chiếm đóng; và cũng không cần hàng nghìn cuộc tấn công gây chết người và hàng tấn chất nổ để nhắc thế giới rằng có một sự chiếm đóng cần phải chấm dứt và một dân tộc phải được trả tự do.

Khi đó tôi cũng từng nói rằng: không cần thêm một cuộc chiến tranh tàn phá nào nữa để nhận ra sự thiếu vắng của hòa bình.

Và, hôm nay chúng ta lại có mặt tại đây.

Tại đây chúng ta thấy mình, đang vô cùng đau buồn, hối tiếc và chua xót, lại đưa ra những kết luận và những câu hỏi đã có từ lâu sau một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến tranh thứ ba do Nhà nước chiếm đóng tiến hành trong vòng 5 năm qua ở Gaza, mảnh đất nhỏ bé đông dân cư tuyệt vời của đất nước chúng tôi.

Sự khác biệt ngày hôm nay là ở chỗ quy mô của tội ác diệt chủng này đã lớn hơn, và danh sách những người đã ngã xuống, đặc biệt là trẻ em, đã dài hơn, cũng như danh sách những người bị thương và trở nên tàn phế, và hàng chục gia đình đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Sự khác biệt ngày hôm nay là ở chỗ gần nửa triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, và số lượng nhà cửa, trường học, bệnh viện, các tòa nhà công, các tòa chung cư, nhà thờ, nhà máy và thậm chí cả nghĩa trang bị phá hủy đã lên đến con số chưa từng có. Và, sự khác biệt ngày hôm nay là ở chỗ sự tàn phá do cuộc tấn công vừa rồi gây ra là chưa từng có trong lịch sử hiện đại, như lời khẳng định của một nhân chứng, Ngài Trưởng Đại diện Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa toàn thể quý vị,

Cuộc chiến tranh mới nhất ở Gaza là một loạt tội ác chiến tranh rành rành được thực hiện ngay trước mắt toàn thế giới, trong từng khoảnh khắc, theo một cách khiến chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được rằng một ai đó ngày hôm nay có thể nói rằng họ không nhận ra quy mô và sự khủng khiếp của tội ác đó. Và, thật không thể tưởng tượng được là một số người vẫn chưa thể mô tả được tình hình bằng những từ ngữ đúng và họ chỉ đơn giản tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ của Israel mà không quan tâm tới số phận của hàng nghìn nạn nhân Palestine, phớt lờ một sự thật đơn giản mà chúng tôi nhắc lại ngày hôm nay: rằng mạng sống của một người Palestine cũng quý giá như mạng sống của bất kỳ con người thuộc một dân tộc nào khác.

Chúng tôi cũng phải cho rằng không ai sẽ phải tự hỏi thêm nữa rằng tại sao chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng và tại sao văn hóa hòa bình đang bị tụt lại phía sau, và tại sao những nỗ lực để đạt được nó đang sụp đổ.

Nhưng, chúng tôi tin tưởng – và hy vọng – rằng lần này không còn ai cố gắng hỗ trợ chế độ chiếm đóng để họ không bị trừng phạt nữa hoặc hỗ trợ những âm mưu trốn tránh trách nhiệm của họ vì những tội ác đã gây ra.

Thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị,

Nhân danh đất nước và người dân Palestine, ngày hôm nay tôi khẳng định tại đây: chúng tôi sẽ không quên và không tha thứ, và chúng tôi sẽ không cho phép những tội phạm chiến tranh thoát khỏi sự trừng phạt.

Tôi khẳng định trước quý vị rằng người dân Palestine vẫn vững tin vào quyền chính đáng của mình để bảo vệ mình trước cỗ máy chiến tranh Israel và quyền chính đáng được chống lại sự chiếm đóng thực dân, phân biệt chủng tộc của Israel.

Đồng thời, tôi khẳng định rằng sự đau khổ, tổn thương về tinh thần và sự giận dữ của chúng tôi sẽ không khiến chúng tôi bỏ rơi lòng nhân đạo, các giá trị và đạo đức của mình trong một khoảnh khắc nào; chúng tôi sẽ luôn tôn trọng và cam kết với luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và sự đồng thuận quốc tế, và chúng tôi sẽ giữ vững truyền thống đấu tranh dân tộc của người lính biệt kích Palestine mà chúng tôi luôn gắn bó từ những ngày khởi đầu mạnh mẽ của cuộc cách mạng Palestine vào đầu năm 1965.

Thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị,

Giữa làn sóng những cuộc thảm sát và những trận bom đạn phá hủy quy mô lớn, chúng tôi đã chứng kiến các dân tộc trên thế giới tụ họp trong những cuộc biểu tình lớn trên đường phố của rất nhiều thành phố để lên án sự leo thang và chiếm đóng, và thể hiện sự ủng hộ giành lại tự do cho người Palestine. Và chúng tôi đã chứng kiến đa số các quốc gia trên khắp các châu lục thể hiện quan điểm cao cả tương tự và nhanh chóng hỗ trợ người dân của chúng tôi bằng mọi hình thức. Và chúng tôi đã chứng kiến sự mở rộng cả về số lượng và chất lượng các chiến dịch tẩy chay quốc tế đối với các chính sách chiếm đóng, phân biệt chủng tộc và khu định cư thực dân của Israel, đặc biệt là của các nhóm hàn lâm, văn hóa, sinh viên và thanh niên.

Vì thế, nhân danh Palestine, chúng tôi bày tỏ lòng khâm phục tới tất cả những ai đã chọn đứng về phía các giá trị nhân văn và đã đòi hỏi tự do, công bằng và hòa bình. Tất cả những bằng chứng về tình đoàn kết thực sự đó đã tạo nên một lời nhắn nhủ quan trọng tới những người đang phải đối mặt với sự diệt chủng ở Gaza, giúp họ cảm thấy rằng họ không chỉ có một mình.

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị,

Cuộc chiến tranh Israel gây ra mới đây đã khẳng định lại điểm mấu chốt trong những gì mà chính phủ Israel đã tuyên bố trong những căn phòng đàm phán đóng kín. Cuộc chiến tranh này xảy ra sau những cuộc đàm phán kéo dài đầy khó khăn trong hơn tám tháng ròng dưới sự bảo trợ của Mỹ và những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama cũng như những nỗ lực ngoan cường của Ngoại trưởng John Kerry. Chúng tôi tham gia nỗ lực đàm phán này với những suy nghĩ cởi mở, với niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan và đã tham gia cùng những nỗ lực của chính quyền Mỹ theo cách thức mang tính xây dựng nhất, và chúng tôi đưa ra những quan điểm vững chắc của mình dựa trên các nghị quyết hợp pháp quốc tế, điều đã được đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Và, chúng tôi thực sự tôn trọng tất cả các cam kết và các thỏa thuận sơ bộ của mình. Thậm chí ngay cả khi chứng kiến bạo lực leo thang và tiếp diễn từ phía Israel, chúng tôi đã tự kiềm chế tới mức khó tin, không bật khóc và tự chăm sóc vết thương cho mình để tạo khả năng thành công lớn nhất cho những nỗ lực từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, như thường lệ, chính phủ Israel đã không bỏ lỡ thời cơ làm tổn thương cơ hội hòa bình.

Trong suốt những tháng đàm phán, hoạt động xây dựng khu định cư, tịch thu đất đai, phá hủy nhà cửa, các chiến dịch giết chóc và bắt bớ, và trục xuất bằng vũ lực ở Bờ Tây vẫn tiếp tục không giảm bớt và sự phong tỏa bất công ở Dải Gaza càng được thắt chặt hơn. Chiến dịch này của thế lực chiếm đóng đặc biệt nhằm vào thành phố Jerusalem và các cư dân tại đây, âm mưu bóp méo tinh thần, bản sắc và đặc điểm của Thành phố Thiêng, tập trung vào Nhà thờ Al-Aqsa, đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, các băng nhóm người định cư phân biệt chủng tộc có vũ trang vẫn tiếp tục gây tội ác đối với người dân, đất đai, nhà thờ, tài sản và những cây ôliu của Palestine.

Như thường lệ, chính phủ Israel lại một lần nữa không vượt qua phép thử hòa bình.

Israel đã phá vỡ thỏa thuận với chính quyền Mỹ về việc thả một nhóm tù nhân Palestine bị giam trong các nhà tù chiếm đóng – và chúng tôi vẫn tiếp tục yêu cầu phóng thích tất cả các tù nhân này. Và, trong khi phải đối mặt với những câu hỏi đơn giản trong các cuộc đàm phán trực tiếp hoặc thông qua trung gian Mỹ, Israel đã không ngần ngại thể hiện các quan điểm thật của mình:

Israel từ chối chấm dứt chế độ chiếm đóng Nhà nước Palestine từ năm 1967, mà muốn tiếp tục và cố thủ, và chối bỏ Nhà nước Palestine và từ chối tìm một giải pháp công bằng cho thảm cảnh của người tị nạn Palestine.

Tương lai mà chính phủ Israel vẽ ra cho người Palestine nếu tốt đẹp nhất sẽ là những khu nhà ổ chuột biệt lập trên những mảnh đất bị chia nhỏ, không có đường biên giới và không có chủ quyền đối với vùng trời, vùng nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nằm dưới sự nô dịch của những người định cư phân biệt chủng tộc và quân đội chiếm đóng, và nếu tồi tệ nhất sẽ là một hình thức phân biệt chủng tộc khủng khiếp nhất.

Israel đã khẳng định trong các cuộc đàm phán rằng họ từ chối hòa bình với các nạn nhân của mình, người Palestine.

Điều này được làm đồng thời với một âm mưu đưa bản chất tôn giáo vào cuộc xung đột và với sự phân biệt chủng tộc gia tăng và quá khích trong các bài phát biểu chính trị, trên truyền thông, trong các chương trình giảng dạy ở trường học và trong rất nhiều luật và thực tiễn chiếm đóng và những người định cư của họ. Nền văn hóa phân biệt chủng tộc, kích động và thù hận này đã được thể hiện rõ ràng qua tội ác kinh hoàng và hèn hạ mà những người định cư phân biệt chủng tộc đã thực hiện cách đây vài tháng. Họ đã bắt cóc cậu bé người Jerusalem Mohammed Abu Khdeir, thiêu sống và giết hại cậu.

Trong những năm qua, Thế lực chiếm đóng cũng theo đuổi một chính sách nhằm cố ý làm suy yếu Chính quyền Dân tộc Palestine để ngầm phá hoại nó, và thực chất là để vô hiệu hóa hoàn toàn vai trò của cơ quan này. Thế lực chiếm đóng đã nhắm vào công việc mà chúng tôi luôn đảm nhận để tạo lập nền tảng cho một Nhà nước Palestine mà chúng tôi mong muốn: một Nhà nước độc lập và có chủ quyền sống trong hòa bình và xây dựng những cầu nối hợp tác lẫn nhau với các nước láng giềng; tôn trọng các cam kết, nghĩa vụ và thỏa thuận; đẩy mạnh các giá trị công dân, sự công bằng, không phân biệt đối xử, pháp quyền, nhân quyền và tính đa nguyên; làm sâu sắc thêm truyền thống khoan dung, cùng tồn tại và không loại trừ của người Palestine; củng cố văn hóa hòa bình; thúc đẩy vai trò của phụ nữ; thành lập chính quyền hiệu quả cam kết với các tiêu chuẩn điều hành tốt; và chăm lo cho các nhu cầu và quyền lợi của người dân. Thế lực chiếm đóng đã, và đang tiếp tục tấn công nỗ lực này bởi vì nó đối lập với các chính sách định cư của họ và bởi vì họ muốn hủy hoại cơ hội thừa nhận sự tồn tại của Palestine trong một Nhà nước độc lập trong khuôn khổ giải pháp Hai Nhà nước.

Khi những nỗ lực của chúng tôi nhằm chấm dứt sự chia rẽ nội bộ thông qua đối thoại dân tộc đã thành công vài tháng trước đây và chúng tôi chuẩn bị thống nhất lại đất đai, dân tộc và các thể chế và thành lập một chính phủ thống nhất dân tộc và bắt đầu quá trình chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp, tất cả các quốc gia trên thế giới đã chào mừng thành tựu này, chỉ trừ Israel, quốc gia luôn tìm cách chia rẽ đất đai và sự thống nhất dân tộc của chúng tôi.

Kính thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Và bây giờ, chúng ta sẽ đi về đâu?

Ý tưởng rằng có thể đơn giản quay lại cách thức làm việc như cũ, cách đã nhiều lần thất bại, may mắn lắm là quá ngây thơ, và trong bất kỳ trường hợp nào, là hoàn toàn sai lầm, bởi nó bỏ qua sự thật rằng không thể chấp nhận thêm nữa, và cũng không thể nào, lặp lại những phương pháp đã được chứng minh là vô ích hoặc tiếp tục với cách tiếp cận đã nhiều lần thất bại và đòi hỏi sự xem xét lại tổng thể và sự sửa chữa triệt để.

Không thể - tôi nhắc lại là không thể - quay trở lại chu trình đàm phán đã thất bại để giải quyết cốt lõi vấn đề và câu hỏi cơ bản. Không thể có sự đáng tin cậy hay nghiêm túc trong những cuộc đàm phán mà Israel đã định trước kết quả thông qua các hoạt động định cư và sự tàn ác của chế độ chiếm đóng. Chẳng có ý nghĩa hay giá trị gì trong những cuộc đàm phán mà mục tiêu cần đạt được không phải là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và đem lại độc lập cho Nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô trên toàn bộ lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1967. Và, đàm phán sẽ không có giá trị nếu không gắn liền với một lịch trình chắc chắn để thực thi mục tiêu này.

Đã đến lúc kết thúc sự chiếm đóng định cư này.

Người dân Palestine thực ra là những người cần sự bảo vệ quốc tế cấp bách, điều mà chúng tôi đang tìm kiếm thông qua các tổ chức quốc tế, và là những người cần đến nền hòa bình và an ninh mà họ đang thiếu hơn bất kỳ dân tộc nào khác, và trẻ em Palestine xứng đáng có được những nỗ lực từ thế giới để đảm bảo rằng tuổi thơ, những giấc mơ và mạng sống của các em sẽ không bị hủy hoại một lần nữa.

Đã đến lúc những chương này của một thảm kịch kéo dài và tiếp diễn phải chấm dứt.

Những người từng phải rời bỏ ngôi nhà ấm cúng của họ, đất đai màu mỡ và đất nước tươi đẹp của họ trong thảm họa Al-Nakba 66 năm trước đã bị đẩy vào cảnh sống lưu vong và tị nạn cơ cực, và hiện đang bị cuốn vào những làn sóng trục xuất mới hoặc những con tàu tử thần trên biển, cần sự đảm bảo rằng họ sẽ không bị đuổi khỏi nhà một lần nữa, rằng nhà cửa của họ sẽ không bị phá hủy lần nào nữa, và họ sẽ không phải dành cả đời mình để chờ đợi một cuộc chiến mới nổ ra.

Đã đến lúc thảm kịch kéo dài này phải dừng lại.

Chúng tôi sẽ không chấp nhận mãi mãi là người được yêu cầu phải chứng minh những mục đích tốt đẹp của mình bằng cách nhượng bộ các quyền của chính mình và vẫn im lặng khi đồng bào mình bị giết hại, đất đai của mình bị đánh cắp, và phải hiểu hoàn cảnh của phía kia và tầm quan trọng của việc giữ gìn chính phủ liên minh của họ, trong khi họ đang tiếp tục chiếm đóng. Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì những phép thử thêm nữa mà chúng tôi phải trải qua để chứng minh tính hiệu quả, khả năng và tư cách có được quyền tự nhiên và đơn giản của mình là sống một cuộc sống bình thường và quyền vốn có của mình là trông đợi một ngày mai ổn định và bình thường, được mơ về những ngày tươi đẹp hơn, và để những người Palestine trẻ tuổi có thể lên kế hoạch cho những ngày và những năm sắp tới của họ một cách an toàn trong hòa bình và tự do trên mảnh đất của chúng tôi, giống như những dân tộc khác trên thế giới.

Đã đến lúc có một nền hòa bình thực sự và công bằng trên mảnh đất hòa bình.

Kính thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị,

Chúng tôi, và tất cả các quốc gia Ả Rập khác, vẫn luôn lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng từ việc Israel tiếp tục chiếm đóng và từ chối tự do và độc lập của người dân Palestine. Chúng tôi đã nhiều lần lưu ý rằng việc cho phép Israel hành động như một nhà nước đứng trên luật pháp với đặc quyền không bị trừng phạt và miễn trách cho họ bất cứ trách nhiệm hay sự trừng phạt nào vì những chính sách, sự gây hấn và thách thức đối với ý chí và sự hợp pháp quốc tế chắc chắn sẽ tạo ra một mảnh đất màu mỡ và một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan, thù hận và khủng bố trong khu vực.

Việc đương đầu với chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành trong khu vực chúng tôi với các nhóm – như Nhà nước Hồi giáo “ISIL” và các nhóm khác, không hề có nền tảng gì từ Đạo Hồi đầy vị tha hay tính nhân văn, và đang gây ra những tội ác tàn bạo – đòi hỏi không chỉ sự đối mặt về quân sự. Đây là một vấn đề khẩn cấp đòi hỏi không chỉ sự lên án và đưa ra quan điểm, là những điều đương nhiên vẫn cần thiết. Điều cần thiết cơ bản nhất là một chiến lược toàn diện và đáng tin cậy nhằm tiêu diệt cội nguồn của chủ nghĩa khủng bố và nhổ tận gốc rễ của nó trong toàn bộ các lĩnh vực chính trị, trí tuệ, kinh tế và xã hội trong khu vực. Việc này đòi hỏi phải tạo ra những nền tảng vững chắc cho một sự đồng thuận hợp lý để biến cuộc chiến chống lại mọi hình thức khủng bố ở bất cứ nơi nào thành một nhiệm vụ chung được thực hiện bởi liên minh giữa các quốc gia, các dân tộc và các nền văn minh. Nó đòi hỏi, trong hoàn cảnh này và như một ưu tiên, phải chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên đất nước chúng tôi, điều tạo ra cả trong thực tiễn và về lâu dài, một hình thức của chủ nghĩa khủng bố nhà nước và một nền tảng sản sinh ra sự kích động, căng thẳng và thù hận.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Lúc này đây khi chúng tôi vẫn đang phải chịu đựng những nỗi kinh hoàng từ chiến tranh, chúng tôi phải đối mặt với một thách thức vô cùng khó khăn là tái thiết lại những gì đã bị thế lực chiếm đóng phá hủy.

Theo lời mời của Ai Cập và Nauy, điều khiến chúng tôi vô cùng cảm kích, tháng tới thành phố Cairo sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về việc viện trợ và tái thiết Dải Gaza. Chính phủ của chúng tôi sẽ có những báo cáo toàn diện tại hội thảo về những mất mát mà cuộc chiến vừa qua gây ra với những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, và sẽ cung cấp chi tiết các kế hoạch và chương trình sẽ nhanh chóng được thực hiện và giám sát tại Dải Gaza để đáp ứng những nhu cầu cứu trợ khẩn cấp và các đòi hỏi của việc tái thiết, hoàn toàn với sự điều phối của các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Trong khi nhắc lại sự cảm kích và biết ơn của chúng tôi đối với tất cả các quốc gia và tổ chức đã nhanh chóng giúp đỡ người dân Palestine trong và sau cuộc chiến tranh, chúng tôi cũng tự tin rằng các quốc gia anh em và bè bạn sẽ không do dự hỗ trợ các kế hoạch và chương trình mà chúng tôi sẽ trình bày và rằng hội thảo sẽ đạt được những kết quả thực tế đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của các nạn nhân của cuộc gây hấn này.

Chúng tôi tái khẳng định rằng điều kiện tiên quyết cơ bản để tất cả các kế hoạch và nỗ lực này thành công là việc chấm dứt sự phong tỏa tiếp diễn đã bóp nghẹt Dải Gaza trong nhiều năm qua và biến mảnh đất này thành nhà tù lớn nhất thế giới cho gần hai triệu công dân Palestine. Cùng lúc đó, chúng tôi khẳng định cam kết của mình cũng như sự cần thiết phải củng cố lệnh ngừng bắn qua đàm phán dưới sự bảo trợ của Ai Cập. Tuy nhiên, để tránh lặp lại vòng chiến tranh và tái thiết sau mỗi hai hoặc ba năm, nhất thiết phải tập trung vào vấn đề cơ bản và điểm bắt đầu, đó là nỗi thống khổ của Gaza sẽ không thể được xoa dịu hoàn toàn nếu chưa chấm dứt sự chiếm đóng và đạt được nền độc lập cho Nhà nước Palestine.

Thưa Ngài Chủ tịch, Thưa quý vị,

Trong suốt hai tuần qua, Palestine và Nhóm Ả Rập (Arab Group) đã liên lạc rất nhiều với nhiều nhóm khu vực khác nhau của Liên Hợp Quốc để chuẩn bị giới thiệu một bản nghị quyết phác thảo về cuộc xung đột Israel – Palestine để Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc phê duyệt và để đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đạt được hòa bình.

Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của chúng tôi nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng thông qua giải pháp đàm phán và việc chúng tôi chấp nhận một nỗ lực ngoại giao và chính trị thông qua các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Nỗ lực này bắt nguồn từ và hoàn toàn dựa trên tinh thần và các điều khoản của rất nhiều nghị quyết mà quý vị đã thông qua tại Đại Hội đồng và những nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an phê duyệt, tạo nền tảng cho một giải pháp lâu dài và một nền hòa bình công bằng.

Nỗ lực này mong muốn sửa chữa những thiếu sót của các nỗ lực trước đó để đạt được hòa bình thông qua việc khẳng định mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và đạt được giải pháp hai nhà nước, Nhà nước Palestine, với Đông Jerusalem là thủ đô, trên toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng năm 1967, cùng với Nhà nước Israel và đạt được một giải pháp công bằng và được nhất trí đối với thảm cảnh của người tị nạn Palestine trên cơ sở nghị quyết 194, với một khung thời gian cụ thể cho việc thực hiện các mục tiêu này như được quy định trong Sáng kiến Hòa bình Ả Rập. Điều này sẽ gắn liền với việc nối lại đàm phán ngay lập tức giữa Palestine và Israel để phân chia đường biên giới, đạt được một thỏa thuận chi tiết và toàn diện và phác thảo một hiệp ước hòa bình giữa hai bên.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Chúng tôi tự tin rằng nỗ lực này sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn và rộng rãi từ những nước đã cam kết đảm bảo rằng đất nước chúng tôi sẽ không phải chứng kiến những cuộc chiến và những hành động hung tàn nào nữa, bởi những nước mong muốn hỗ trợ một chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố, bởi những nước tin tưởng rằng cần phải hành động một cách khôn ngoan để sửa chữa những bất công lịch sử mà thảm họa Al-Nakba đã gây ra cho người dân Palestine, và bởi những nước mong muốn nhìn thấy hòa bình thắng thế trên vùng đất của những tôn giáo độc thần.

Việc thông qua nghị quyết này sẽ khẳng định điều mà các bạn đã đấu tranh để hiện thực hóa trong năm nay là Năm Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine, những người sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh và sự kiên cường và sẽ trỗi dậy đầy can đảm và mạnh mẽ từ những đống đổ nát của sự tàn phá.

Chúng tôi, như nhà thơ Mahmoud Darwish của chúng tôi từng nói: “bị nhiễm một căn bệnh nan y, đó là hy vọng, và chúng tôi yêu cuộc sống nếu có cơ hội được sống”.

Thưa Ngài Chủ tịch, thưa quý vị,

Có một sự chiếm đóng cần phải chấm dứt ngay bây giờ.

Có một dân tộc cần phải được tự do ngay lập tức.

Giờ phút độc lập của Nhà nước Palestine đã đến.

 

 

*Bản dịch không chính thức