Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Human Rights Watch: Israel nên hủy bỏ các kế hoạch trái phép ở Bờ Tây

Human Rights Watch: Israel nên hủy bỏ các kế hoạch trái phép ở Bờ Tây

Thứ hai, 08 Tháng 9 2014 09:53

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)

 

Israel nên hủy bỏ các kế hoạch trái phép ở Bờ Tây

Chiếm đoạt đất đai, Xây dựng các Khu định cư, Buộc người Palestine phải rời bỏ nhà cửa

Ngày 3 tháng 9 năm 2014

(Jerusalem) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã lên tiếng kêu gọi Israel hủy bỏ ngay lập tức việc chiếm đoạt bất hợp pháp một khu đất rất rộng lớn ở Bờ Tây bị chiếm đóng, ở phía nam Jerusalem. Kế hoạch chiếm đất được công bố hôm mùng 1/9/2014 sẽ mở đường cho việc xây dựng các khu định cư quy mô lớn ở gần thị trấn Bethlehem thuộc Bờ Tây. Việc chuyển người định cư là thường dân vào vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đồng nghĩa với một tội ác chiến tranh.

Tuyên bố hôm mùng 1 tháng 9 được đưa ra tiếp sau các kế hoạch gần đây khác của Israel liên quan tới các khu định cư ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm việc công bố gói thầu xây dựng 708 đơn vị nhà ở mới tại một khu định cư khác gần Jerusalem, và các kế hoạch buộc hàng nghìn cư dân Palestine thuộc cộng đồng người Bedouin phải rời khỏi các khu vực được cắt xén cho việc mở rộng các khu định cư, một việc làm vi phạm luật pháp quốc tế. Từ tháng 1 tới nay, chính quyền Israel đã công bố các kế hoạch xây dựng thêm hơn 8.000 đơn vị nhà ở định cư.

Bà Sarah Leah Whitson, Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Các quan chức Israel đang thể hiện sự coi thường rõ rệt đối với luật pháp quốc tế, theo đó cấm xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và bảo vệ các quyền về đất đai của người Palestine. Đây là một lời nhắc nhớ tại sao Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nên ngay lập tức chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).”

Quy chế của ICC cấm, và coi là tội ác chiến tranh, việc thế lực chiếm đóng tự ý chuyển thường dân của mình vào lãnh thổ bị chiếm đóng, cấm chiếm đoạt tài sản trừ trường hợp cấp bách do nhu cầu quân sự, và cấm việc bắt buộc di rời đối với người dân địa phương ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đó, giống như những gì Israel đang làm ở Bờ Tây. Tổng thống Abbas đã nhiều lần trì hoãn tham gia quy chế của ICC.

Hôm mùng 1/9, Cơ quan Quản lý Dân sự của Israel, một bộ phận quân sự có thẩm quyền về việc sử dụng đất đai ở Bờ Tây, tuyên bố rằng 3.977 dunam (tức là khoảng 400ha) đất sẽ trở thành “đất nhà nước”, hay chính là tài sản của Nhà nước Israel. Vùng đất này thuộc về 5 ngôi làng của người Palestine ở phía nam Jerusalem.

Tháng 8 vừa qua, Nội các Israel đã tuyên bố quyết định chiếm 400ha đất nói trên, mà không bồi thường cho người Palestine, sau khi ba thiếu niên định cư Israel bị bắt cóc và giết hại gần các khu định cư ở khu vực đó. Theo nhật báo Haaretz của Israel thì diện tích đất bị chiếm đoạt thuộc về các ngôi làng Palestine: al-Jaba’a, Surif, Wadi Fukin, Husan, và Nahalin.

Theo Hãng Thông tấn Palestine WAFA, các cộng đồng người Palestine al-Shuyuk, Surif, và Sair đã nhận được thông báo về việc tịch thu đất đai từ quân đội.

Tháng 8 vừa qua, Israel đã phá nhà của 3 gia đình, nơi những kẻ tình nghi của vụ bắt cóc từng sống. Đây là một hành động trừng phạt tập thể và vi phạm nghiêm trọng luật chiếm đóng.

Bà Whitson nói, “Israel nên truy tố những kẻ tình nghi đứng sau vụ bắt cóc và giết hại dã man ba thiếu niên Israel, chứ không phải “vồ lấy” một dải đất rộng lớn thuộc về những người khác ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Theo nhật báo Israel Hayom, Davidi Pearl, người đứng đầu Gush Etzion - Ủy ban định cư của khu vực – nói rằng tuyên bố về đất nhà nước là “một bước tiến đến việc thành lập một thành phố mới ở Gush Etzion”, và chúc mừng Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Ya’alon và người đứng đầu Cơ quan Quản lí Dân sự của quân đội Israel vì đã thúc đẩy và thực thi quyết định chiếm đất.

Năm 2013, chính phủ Israel đã mời thầu xây dựng 1.000 đơn vị nhà ở tại khu vực này, nơi 10 gia đình người định cư đang sinh sống. Theo Peace Now, một nhóm các nhà hoạt động của Israel phản đối các khu định cư, thì Bộ Quốc phòng cũng phê duyệt 2 kế hoạch trong năm 2012, một để xây dựng 523 ngôi nhà định cư và một để xây 61 nhà, tại Gva’ot, nhưng sau đó đã tạm dừng dự án này.

Quân đội Israel tuyên bố diện tích đất này là “đất nhà nước” dựa trên kết luận rằng tại đây không có đất thuộc sở hữu cá nhân của người Palestine. Tuy nhiên, theo Peace Now thì có ít nhất bốn ngôi làng Palestine đang canh tác trên khu đất đó. Israel chỉ cấp 0,7% “đất nhà nước” ở Bờ Tây cho người Palestine sử dụng, nhưng lại chia tới 51% diện tích đất này cho các khu định cư và các cơ sở hạ tầng liên quan.

Theo điều luật của quân đội Israel, các chủ sở hữu đất người Palestine có thể phản đối quyết định này trong vòng 45 ngày, nhưng sự phản đối này sẽ không thể thành công nếu như họ không thể chứng minh được quyền sở hữu đất cá nhân. Israel đã cấm người Palestine đăng ký quyền sở hữu đất ở khu vực thuộc Bờ Tây mà Israel đang độc quyền kiểm soát – tức là 62% tổng diện tích đất, bao gồm cả khu vực vừa bị chiếm, kể từ khi Israel chiếm đóng vùng lãnh thổ này năm 1967. Vào thời điểm đó, chỉ có khoảng 1/3 đất ở Bờ Tây được vẽ bản đồ và đăng ký cho các chủ sở hữu Palestine.

Các Công ước Geneva cấm thế lực chiếm đóng chiếm đoạt tài sản công hoặc tư, trừ trường hợp do yêu cầu quân sự rất cần thiết. Các chính sách sử dụng đất đai của Israel ở Bờ Tây, có lợi cho người định cư và gây thiệt hại cho người Palestine mà không thể biện minh được bằng lý do trên, là phân biệt đối xử, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.

Mỹ kêu gọi Israel “hủy bỏ” quyết định chiếm đất đưa ra hôm 1/9, mà Mỹ coi là “phản tác dụng với mục tiêu đạt được giải pháp Hai Nhà nước qua đàm phán với người Palestine như Israel đã tuyên bố”. Liên minh Châu Âu “lên án” việc chiếm đất “liên quan đến các kế hoạch mở rộng hơn nữa các khu định cư” và nhắc lại rằng “các khu định cư là trái phép theo luật pháp quốc tế”. Truyền thông Israel đưa tin hôm mùng 3/9 rằng EU sẽ cấm một số nông sản nhập khẩu từ Israel trong vòng một tháng nếu Israel từ chối phân biệt giữa các sản phẩm từ các khu định cư với sản phẩm hợp pháp từ Israel.

Bà Whitson nói, “Lời buộc tội của Mỹ và EU không có tác dụng gì trong việc ngăn chặn các khu định cư Israel, điều khiến các cộng đồng người Palestine bị phá hoại và bị đuổi đi. Đã đến lúc có các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa để chấm dứt sự cướp bóc đất đai bất hợp pháp tiếp diễn của Israel.”

Mỹ nên giảm khoản viện trợ thường niên 3,1 tỉ đôla cho Israel bớt đi một khoản tương đương với các chi phí Israel sử dụng để hỗ trợ các khu định cư, cho đến khi Israel hủy bỏ các kế hoạch trái phép rành rành nhằm xây dựng các khu định cư mới và hủy hoại các cộng đồng người Palestine, HRW nói.

 

Sự chiếm đoạt đất đai gần đây ở gần Bethlehem

Việc chiếm đoạt đất đai hôm mùng 1/9 là lần chiếm đất thứ hai trong khu vực gần Bethlehem kể từ tháng Tư vừa qua, khi quân đội Israel tuyên bố một khu vực tách biệt rộng 984 dunam (gần 100 ha) ở gần đó thuộc về Palestine là “đất nhà nước”, như một phần trong kế hoạch nhằm tái cấp phép Netive Ha’avot, một khu định cư ở biên giới. Những khu định cư biên giới như vậy là xây dựng trái phép, ngay cả theo luật pháp của Israel, mặc dù thường được chính phủ hỗ trợ.

Khu vực bị chiếm đoạt thành đất nhà nước đã vượt quá kích thước khu định cư biên giới rất nhiều. Chính quyền Israel gần đây còn có nhiều bước đi khác vi phạm các nghĩa vụ của Israel – Thế lực chiếm đóng ở Bờ Tây, HRW cho biết.

Hôm 25/8, truyền thông Israel đưa tin Cơ quan Quản lý Đất đai của Israel đã mời thầu xây dựng 708 đơn vị nhà ở gần khu định cư Gilo ở phía nam Jerusalem. Các đơn vị nhà ở này sẽ là một bước phát triển mới, mở rộng khu vực đã xây dựng của khu định cư Gilo rộng lớn theo Kế hoạch 13157.

Buộc cộng đồng người Bedouin phải di rời

Rõ ràng là chính quyền Israel cũng đang có kế hoạch buộc người Palestine Bedouin rời bỏ cộng đồng của họ ở Bờ Tây bị chiếm đóng tới một khu vực ở phía bắc Jericho gọi là Nuweima. Các Công ước Geneva và quyền tài phán của ICC đều ngăn cấm việc buộc cư dân địa phương ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng rời bỏ cộng đồng của họ và coi đó là tội ác chiến tranh.

Hôm 25/8, Cơ quan Quản lý Dân sự Israel công bố 3 kế hoạch cho khu Nuweima, bao gồm 2 kế hoạch về các khu cư dân và một về đường xá. Các kế hoạch này cùng 3 kế hoạch khác chưa được công bố gồm có 1.400 mảnh đất nhỏ còn trống, thể hiện ý định chuyển cư dân mới tới đó.

Trong một phiên họp Quốc hội của Israel hôm 27/4, người phụ trách lên kế hoạch cho khu Bờ Tây của Bộ Quốc phòng Israel Yoav Mordechai nói rằng quân đội đang xây dựng các kết hoạch trong chính sách loại bỏ người Bedouin khỏi các khu vực rộng lớn ở Bờ Tây, “để gom họ lại và quản lý họ một cách có trật tự và phù hợp”. Ông Mordechai nói rằng các kế hoạch quân sự là cần thiết “để sau này chúng ta có cơ sở đạo đức và pháp lý” để đưa người Bedouin ra khỏi các cộng đồng hiện nay của họ.

Trong một phiên tòa sau đó, chính quyền Israel tuyên bố rằng các cư dân Bedouin ở Sateh el-Bahr phía nam Jericho nên chuyển tới “Neweima”. Ngày 28/4, quân đội Israel ra lệnh thu hồi tài sản đối với 5 gia đình ở Sateh el-Bahr, ảnh hưởng tới cuộc sống của 38 người.

Quân đội Israel phát triển các kế hoạch “Nuweima” mà không tham khảo ý kiến với người Bedouin, những người sắp được chuyển tới đó, hoặc với các cư dân của các cộng đồng nhỏ đang tồn tại ở khu vực Nuweima, Ein al Duyk al Fauqa và Nuweima al Fauqa, những người phản đối các kế hoạch này.

Ông Mordechai lưu ý tại phiên tòa rằng quân đội đã phá hủy rất nhiều công trình của người Bedouin ở khu vực E1, khu vực dự kiến dành cho việc mở rộng khu định cư Maale Adumim. Quân đội Israel từ chối đa số đơn xin phép sử dụng đất ở khu vực Bờ Tây mà họ độc quyền kiểm soát. Hoạt động phá dỡ nhà cửa của Israel đã buộc 57 người trong khu vực phải rời bỏ nhà cửa trong năm 2013, nhưng riêng trong 5 tháng đầu năm 2014, con số này đã lên tới 107 người, theo các số liệu do Liên Hợp Quốc thu thập được.

Ông Mordechai nói rằng quân đội Israel cũng rất “cảnh giác” trước làn sóng “nhập cư” có thể có của người Bedouin từ các khu vực ít quan trọng hơn với Israel tới khu E1. Việc xây dựng các kế hoạch cho các cộng đồng mới mà người Bedouin sẽ chuyển tới sẽ cho phép ông Mordechai tới tòa án Tối cao Israel và tuyên bố rằng “Bây giờ khi tôi đưa ai đó ra khỏi khu vực E1 hoặc Route 1 hoặc Mishor Adumim, thì người đó đã có sẵn một nơi khác để chuyển tới”.

 

Nguồn: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch)