Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Bản tin Thống kê Đặc biệt Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 66 Thảm họa Nakba của Palestine

Bản tin Thống kê Đặc biệt Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 66 Thảm họa Nakba của Palestine

Thứ hai, 12 Tháng 5 2014 16:30

 

Thảm họa Nakba: Trừ khử sắc tộc và xua đuổi người dân

Từ “Nakba” có nghĩa là một thảm họa tự nhiên như động đất, núi lửa hay cơn bão. Tuy nhiên, Nakba ở Palestine lại nói đến quá trình trừ khử sắc tộc, trong đó một dân tộc không vũ trang bị tàn phá và người dân ở đó bị đuổi đi, để một dân tộc khác thay thế một cách có hệ thống. Không giống một thảm họa tự nhiên, thảm họa Nakba của người Palestine là kết quả của một kế hoạch quân sự do con người tạo ra với sự đồng thuận của các nhà nước khác, dẫn tới một thảm kịch khốc liệt cho người dân Palestine. Sự chiếm đóng sau đó tại những vùng đất đai còn lại của Palestine vào năm 1967 lại chồng chất thêm thảm kịch.

Năm 1948, 1,4 triệu người Palestine sống tại 1.300 thị trấn và ngôi làng Palestine. Hơn 800.000 người dân đã bị đuổi khỏi nhà cửa của họ tới Bờ Tây và Dải Gaza, tới các nước Ả Rập láng giềng và các quốc gia khác trên thế giới. Hàng nghìn người Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn sống trong vùng lãnh thổ Israel kiểm soát năm 1948. Theo các bằng chứng tài liệu, người Israel kiểm soát 774 thị trấn và ngôi làng và phá hủy 531 thị trấn và ngôi làng Palestine trong suốt quá trình Nakba. Sự tàn bạo của quân đội Israel còn bao gồm hơn 70 cuộc tàn sát, trong đó 15.000 người Palestine đã bị giết hại.

Thực tế Nhân khẩu học: dân số Palestine đã tăng gấp 8 lần kể từ Thảm họa Nakba

Dân số của Palestine là 1,4 triệu người vào năm 1948, nhưng đến cuối năm 2013, tổng số người Palestine trên toàn thế giới ước tính là 11,8 triệu người. Con số này cho thấy số người Palestine trên toàn thế giới đã tăng hơn 8 lần trong vòng 66 năm kể từ thảm họa Nakba. Theo các con số thống kê, tổng số người Palestine sống tại Palestine lịch sử (giữa Sông Jordan và Địa Trung hải) cho đến cuối năm 2013 là 5,9 triệu người, và con số này dự tính sẽ tăng lên 7,2 triệu vào cuối năm 2020, dựa trên tốc độ tăng trưởng hiện tại.

Dữ liệu thống kê cũng cho thấy người tị nạn chiếm 44,2% tổng số dân Palestine ở Palestine. Theo hồ sơ của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), có 5,35 triệu người tị nạn Palestine đã đăng ký cho đến giữa năm 2013. Khoảng 29% người tị nạn đã đăng ký sống trong 58 trại tị nạn, trong đó có 10 trại ở Jordan, 9 ở Syria, 12 ở Libăng, 19 ở Bờ Tây và 8 trại ở Dải Gaza.

Những con số ước tính này thể hiện số lượng người tị nạn Palestine tối thiểu, do còn có những người tị nạn chưa đăng ký. Những ước tính này cũng chưa bao gồm những người Palestine buộc phải bỏ đi trong giai đoạn từ năm 1949 đến cuộc chiến tranh năm 1967, theo giải thích của UNRWA, và chưa bao gồm những người không-tị-nạn đã bỏ đi hoặc bị buộc phải rời đi sau cuộc chiến tranh năm 1967. Số người Palestine còn ở lại quê hương trên vùng lãnh thổ năm 1948 sau thảm họa Nakba ước tính là 154 nghìn người, đến nay – dịp kỷ niệm 66 năm Nakba - ước tính là 1,43 triệu người. Trên các vùng lãnh thổ năm 1948, tỷ lệ giới tính là 102,2 nam/100 nữ, trong khi 36,1% dân số dưới 15 tuổi và 4,1% từ 65 tuổi trở lên, theo các con số thống kê liên quan tới người Palestine sống tại Israel năm 2012. Điều này cho thấy kết cấu dân số Palestine tại vùng lãnh thổ 1948, cũng như trong xã hội Palestine nói chung, là dân số trẻ.

Số người Palestine ở Palestine ước tính là 4,5 triệu người vào cuối năm 2013: 2,8 triệu ở Bờ Tây và 1,7 triệu ở Dải Gaza. Số người Palestine ở tỉnh Jerusalem vào cuối năm 2013 là khoảng 408 nghìn, trong đó 62,1% sống tại các khu vực của Jerusalem mà Israel đã sáp nhập bằng vũ lực vào năm 1967 (J1). Tỷ lệ sinh ở Palestine khá cao so với các nước khác. Tỷ lệ sinh tổng thể trong giai đoạn 2008-2009 là 4,4 ca sinh (4.0 ở Bờ Tây và 5,2 ở Dải Gaza).

Mật độ Dân cư: Dải Gaza là nơi đông đúc nhất thế giới

Mật độ dân số tại Palestine vào cuối năm 2013 là 745người/km2: 487người/km2 ở Bờ Tây và 4.742người/km2 ở Dải Gaza. Tại Israel, mật độ dân cư Ả Rập và Do thái năm 2013 là 376người/km2.

Các khu định cư: Phần lớn người định cư ở Jerusalem là một phần của chiến dịch Do thái hóa của Israel

Có 482 khu định cư và căn cứ quân sự của Israel ở Bờ Tây Tính đến cuối năm 2013, và con số người định cư vào khoảng gần 570.000 người vào cuối năm 2012. Hầu hết các khu định cư nằm ở tỉnh Jerusalem. Theo các con số, khoảng 49,2% người định cư sống ở tỉnh Jerusalem, trong đó 203.176 người sống ở Jerusalem (J1). Tỉ lệ người định cư/người Palestine ở Bờ Tây là 21/100, so với 69/100 ở tỉnh Jerusalem.

Người định cư Israel ăn cắp 50 triệu m3 nước từ người Palestine để canh tác trên đất đai họ giành được do sự chiếm đóng của Israel.

Theo các con số thống kê của Israel, tổng diện tích đất canh tác tại các khu định cư Israel ở Bờ Tây trong năm 2012 là 86km2. Phần lớn đất đai này được tưới tiêu bởi khoảng 50 triệu m3 nước ăn cắp của người Palestine mỗi năm. Diện tích đất được tưới tiêu do người Palestine canh tác là khoảng 78km2 và chỉ tiêu thụ khoảng 30 triệu m3 mỗi năm do các hạn chế của Israel. Diện tích đất người định cư canh tác và lượng nước họ sử dụng có thể tạo ra 100 nghìn cơ hội việc làm cho người Palestine ở Bờ Tây nếu họ có thể sử dụng chúng. Điều này sẽ đóng góp cho GDP và tăng tỷ lệ đóng góp của ngành nông nghiệp cho nền kinh tế, đồng thời làm giảm tỉ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, người Palestine không thể sử dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp nằm ở biên giới Dải Gaza do các biện pháp của Israel.

Palestine lịch sử: Israel kiểm soát hơn 85% đất đai

Diện tích của Palestine lịch sử là khoảng 27.000 km2. Người Do thái sử dụng hơn 85% tổng diện tích này. Người Ả Rập chiếm 48% tổng dân số và sử dụng chưa đầy 15% diện tích đất. Do đó, một người Palestine chỉ có gần 1/5 diện tích đất so với một người Israel.

Nước: thực trạng và thách thức

Nước là một vấn đề nổi trội giữa các nhà nước, do sự hiện diện của thế lực chiếm đóng hiện đang kiểm soát hầu hết các nguồn nước và độc quyền về mặt hàng này. Người Palestine buộc phải mua nước từ Công ty nước Mekorot của Israel: 56,6 triệu m3 nước đã được mua trong năm 2012, chiếm 28% tổng lượng nước cung cấp cho người sử dụng trong nước. Ngoài ra, lượng nước bơm từ tầng ngậm nước ven biển ở Dải Gaza là 130 triệu m3. Tuy nhiên, 95% lượng nước uống ở Dải Gaza không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Người Palestine cũng bị tước quyền đối với Sông Jordan từ năm 1967.

Các liệt sỹ: những nỗ lực không ngừng để xây dựng một nhà nước

Số người bị giết hại trong Phong trào al Aqsa Intafada từ ngày 29/9/2000 đến 31/12/2013 là 7.822 người. Trong đó có hơn 2.000 người từ Bờ Tây và hơn 5.000 người từ Dải Gaza, số liệt sỹ còn lại đến từ các vùng lãnh thổ năm 1948 và bên ngoài Palestine.

Những người bị bắt giam

Các số liệu từ Bộ Người bị giam giữ và Sau giam giữ của Palestine cho thấy Israel đã bắt giữ hơn 805 nghìn người Palestine từ năm 1967. 30% số người bị giam giữ hiện tại đã bị bắt giam trước Nghị định Oslo và đã ở trong các nhà tù của Israel từ đó tới nay. Lẽ ra họ phải được thả trong đợt thả tù nhân thứ tư vào ngày 29/3/2014 vừa qua.

Hiện có khoảng 5.000 người Palestine đang bị giam cầm, trong đó có 19 phụ nữ, 200 trẻ em và 11 thành viên của Hội đồng Lập pháp Palestine. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Israel đã bắt giữ gần 1.000 người Palestine.

Y tế

Các con số thống kê trong năm 2012 cho thấy số lượng bác sỹ/1.000 người dân đã đăng ký tại Liên đoàn các Bác sỹ là 1,3 ở Bờ Tây và 2,2 ở Dải Gaza. Ngoài ra, trong năm 2011 có 2 y tá/1.000 dân ở Bờ Tây và 4,1 y tá/1.000 dân ở Dải Gaza.

Trong năm 2012 có 79 bệnh viện ở Palestine, trong đó 49 bệnh viện ở Bờ Tây và 30 ở Dải Gaza, với tổng số gần 5.500 giường bệnh.

Nhà ở: 46% đơn vị nhà ở của người Palestine đứng trước nguy cơ bị phá bỏ

Chính quyền chiếm đóng Israel đã phá bỏ nhà cửa của người Palestine và áp đặt các rào cản và hạn chế về giấy phép xây dựng đối với người Palestine. Theo Viện Al-Maqdisi, trong giai đoạn từ năm 2000-2013, chính quyền Israel đã phá hủy 1.230 tòa nhà ở Đông Jerusalem (các khu vực Israel sáp nhập năm 1976), dẫn đến việc gần 5.500 bị mất nhà cửa, trong đó có 2.832 trẻ em và 1.423 phụ nữ.

Thiệt hại ước tính của người Palestine do các tòa nhà bị phá hủy ở Jerusalem lên tới khoảng 3,5 triệu đôla Mỹ (chưa bao gồm các khoản tiền phạt nặng nề đối với cái gọi là “sự vi phạm về xây dựng”). Kể từ năm 2000, đã có 320 người buộc phải tự phá dỡ nhà của mình.

Số liệu từ các tổ chức nhân quyền của Israel cho thấy hơn 25 nghìn ngôi nhà ở Palestine đã bị dỡ bỏ từ năm 1967.

Thị trường Lao động năm 2013

Tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động tại Palestine trong năm 2013 là 43,6%: 42,8% trong số người tị nạn và 44,2% trong số những người không tị nạn.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Palestine là 23,4%: hơn 18% ở Bờ Tây và hơn 32% ở Dải Gaza.

Giáo dục

Theo các con số của ngành giáo dục cho năm học 2013/2014, tại Palestine có 2.784 trường học, trong đó hơn 2.000 trường ở Bờ Tây và 690 trường ở Dải Gaza. Tổng số học sinh tại các trường này là hơn 1,15 triệu em.

Tỷ lệ mù chữ trong số những người Palestine trên 15 tuổi là 3,7% vào năm 2013.

Ở giáo dục bậc cao, Palestine có 14 trường đại học: 9 trường ở Bờ Tây và 5 trường ở Dải Gaza, cùng với 18 trường cao đẳng có cấp bằng cử nhân.

Kinh tế vĩ mô: Chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2013

Chỉ số giá tiêu dùng của Palestine trong năm 2013 tăng 1,72% so với năm 2012, trong đó ở Bờ Tây tăng 3,1%, ở Jerusalem tăng 1,81% và ở Dải Gaza giảm 0,76%.

Thương mại: xuất khẩu hạn chế

Cả giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu trong năm 2012 đều tăng so với năm 2011. Năm 2012, tổng giá trị hàng nhập khẩu đạt 4,7 tỉ đôla Mỹ, tăng 7.4% so với năm 2011. Tổng giá trị hàng xuất khẩu là 782 đôla, tăng gần 5% so với 2011. Do đó, cán cân thương mại ròng thâm hụt 3,9 tỉ đôla trong năm 2012.

Các con số cho thấy hơn 83% hàng xuất khẩu được xuất sang Israel, trong khi chỉ gần 17% xuất sang các nước khác ngoài Israel. Giá trị xuất khẩu sang các nước khác bị hạn chế là do những giới hạn mà Israel đặt ra đối với hàng xuất khẩu của Palestine, đặc biệt là xuất từ Dải Gaza.

Xã hội Thông tin

Năm 2013, ở Palestine có 402 nghìn máy điện thoại cố định và 3,3 triệu thuê bao di động. Tổng số kết nối Internet là gần 204.000, và hiện có khoảng nửa triệu máy vi tính ở Palestine.

Tỷ lệ các gia đình có máy vi tính ở Palestine trong năm 2012 là 51,4%. Kết nối internet có tại hơn 32% các hộ gia đình.

 Du lịch

Du lịch ở Palestine là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự chiếm đóng của Israel, do các công ty và văn phòng du lịch của Israel được độc quyền đối với các nhóm du khách và người hành hương Thiên Chúa giáo đến Nhà thờ Chúa Giáng sinh (Church of the Nativity) cũng như các địa danh lịch sử và tôn giáo khác.

Theo số liệu của Bộ Du lịch Palestine, riêng số lượng người hành hương Thiên Chúa giáo tới Nhà thờ Chúa Giáng sinh ở Bethlehem trong năm 2013 đã lên tới 1,16 triệu người. Những vị khách này được hộ tống bởi các công ty du lịch của Israel, do đó ngành du lịch Palestine bị mất lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ cho các du khách này. Số liệu của Bộ Du lịch Israel cho thấy có khoảng 3,54 triệu khách du lịch tới Israel vào cuối năm 2013, mang lại hơn 11,4 tỉ đôla Mỹ cho nền kinh tế Israel.

 

Nguồn: Cục Thống kê Trung ương Palestine & WAFA