Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Lễ Phục sinh bị Israel hạn chế ở Jerusalem

Lễ Phục sinh bị Israel hạn chế ở Jerusalem

Thứ ba, 22 Tháng 4 2014 09:52

Nhà nước Palestine

Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)

Tháng 4/2014

 

Lễ Phục sinh bị Israel kiểm soát ở Jerusalem  

            

GIỚI THIỆU

Thành phố Đông Jerusalem bị chiếm đóng là trung tâm của các lễ kỷ niệm của người Palestine, cho dù đó là ngày Lễ Phục sinh hay tháng ăn chay Ramadan. Các tín đồ Thiên Chúa giáo tin rằng Chúa Giê-su đã giảng đạo ở Jerusalem và sau đó bị xét xử, bị đóng đinh và phục sinh ở đó. Đối với các tín đồ Hồi giáo, Jerusalem là nơi nhà tiên tri Muhammad đã lên thiên đường và là nơi đầu tiên mà những người Hồi giáo luôn hướng về để cầu nguyện, trước cả Mecca.

Tự do tôn giáo và tự do đi lại là những quyền cơ bản của con người đã được quy định theo luật pháp quốc tế. Các quyền này được bảo vệ tại Tuyên bố Toàn cầu về Các Quyền Con người và Hiệp ước Quốc tế về các quyền Công dân và Chính trị (ICCPR). Quyền của người dân tại những nơi bị chiếm đóng cũng được bảo vệ tại Công ước Geneva IV và Các Quy tắc La Hay.

Từ năm 1967, các chính quyền nối tiếp của Israel đã phát triển nhiều chính sách nhằm buộc người dân rời khỏi đất đai của họ, cả trực tiếp và gián tiếp. Các chính sách này đặc biệt tập trung tại Đông Jerusalem, nơi mà chính quyền Israel tuyên bố sáp nhập vào Israel trong khi vẫn tiếp tục chiếm đóng thành phố này. Không quốc gia nào trên thế giới thừa nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem là hợp pháp. Thế nhưng, việc thu hồi Chứng minh thư, đuổi người dân ra khỏi nhà, phá hủy nhà cửa, tịch thu đất đai, trục xuất, xây dựng những bức tường thôn tính và các khu định cư là những sự vi phạm tiếp diễn của Israel đối với người Palestine Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

 

JERUSALEM: TRUNG TÂM CỦA LỄ PHỤC SINH

Đối với hàng tỉ tín đồ Thiên Chúa giáo trên khắp thế giới, tuần lễ Phục sinh thiêng liêng là một cơ hội để kỷ niệm, cầu nguyện và nhớ về Jerusalem. Lễ Phục sinh được coi là khoảng thời gian của niềm vui và hy vọng. Thế nhưng đối với hàng trăm nghìn người Palestine Thiên Chúa giáo, cộng đồng tín đồ Thiên Chúa giáo đầu tiên, thì thực tế ngày nay lại là sự đàn áp và phân biệt đối xử. Trong số các tín đồ Thiên Chúa giáo này, những nhóm cư dân đã sinh sống nhiều thập kỷ trên mảnh đất này, chỉ một nhóm thiểu số được kỷ niệm Lễ Phục sinh ở Jerusalem. Phần lớn người Palestine Thiên Chúa giáo phải sống lưu vong hoặc bị cấm vào thành phố thủ đô của họ, nơi đã bị Israel chiếm đóng từ năm 1967.

 

VỀ NGƯỜI PALESTINE THIÊN CHÚA GIÁO

Người Palestine Thiên Chúa giáo là một phần không thể thiếu trong nhân dân Palestine và là một yếu tố vô giá trong kết cấu lịch sử, văn hóa, xã hội và dân tộc của Vùng Đất Thánh. Họ đóng một vai trò quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc. Có 13 nhánh đạo Thiên Chúa chính, trong đó có Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Công Giáo La Mã (Latin), Công giáo Hy Lạp (Melkites), các Giáo hội Armenia, Syria, Luther, Anh giáo, Coptic, Maronites và gần đây nhất là một số cộng đồng Tin Lành.

  • LƯU VONG Ở NƯỚC NGOÀI

Hiện nay đa số họ sống lưu vong ở nước ngoài. Làn sóng bị buộc phải di cư lớn nhất diễn ra sau khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, với khoảng 60% người Palestine Thiên Chúa giáo trở thành người tị nạn. Một số thị trấn và làng mạc có người Thiên Chúa giáo chiếm đa số đã bị “tẩy rửa sắc tộc” bởi đội ngũ dân quân theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái vào năm 1948. Ngày nay, phần lớn người Palestine Thiên Chúa giáo sống tại Jordan, Mỹ, Chile, Australia, Canada, Li băng (các trại tị nạn Al Dbayeh và Mar Elias) và Thụy Điển.

  • TẠI NHÀ NƯỚC PALESTINE

Các trung tâm chính của người dân Thiên Chúa giáo là Bethlehem – Jerusalem – Ramallah, với các cộng đồng từ thời cổ đại khác ở Gaza, Nablus, Jenin (bao gồm Zababdeh và Burqin) và Jericho.

  • TẠI JERUSALEM

Chỉ có khoảng 11.000 người Palestine Thiên Chúa giáo còn ở tại Thành phố Thiêng, so với con số 33.000 người vào năm 1948. Sự lưu vong của họ khỏi nơi mà ngày nay là Tây Jerusalem (đặc biệt là các vùng lân cận của Talbiya và Qatamon), cũng như các chính sách tiếp diễn của Israel kể từ thời gian đó là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm về con số này.

  • TẠI ISRAEL

Người Palestine Thiên Chúa giáo chủ yếu sống tại khu vực Nazareth cũng như ở Haifa, Jaa, Ramleh và các ngôi làng ở phía bắc Galilee như Shafa Amr’, Fassouta, Mi’iliya, Jish và Rameh.

 

NHỮNG HẠN CHẾ ISRAEL ĐẶT RA CHO HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM LỄ PHỤC SINH Ở JERUSALEM

Các gia đình Palestine Thiên Chúa giáo, cùng với những vị khách hành hương, đã tổ chức kỷ niệm Lễ Phục sinh ở Miền Đất Thánh từ nhiều thế kỷ qua. Các hoạt động này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hạn chế mà Israel đặt ra đối với cuộc sống xã hội, chính trị, văn hóa hoặc tôn giáo ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng. Các hạn chế này bao gồm:

CƠ CHẾ GIẤY PHÉP

Người Palestine Thiên Chúa giáo từ những nơi còn lại của Palestine, bao gồm cả Bethlehem (cách Jerusalem chưa đầy 10km) hiện nay bị quân đội Israel – thế lực đã chiếm đóng Đông Jerusalem từ năm 1967 – bắt buộc phải xin giấy phép để có thể vào Thành phố Thiêng.

Tình hình đặc biệt khó khăn cho những người Palestine Thiên Chúa giáo ở Gaza, nơi bất kể ai trên 16 tuổi đều không được xin giấy phép. Đối với những người được xin giấy phép – và đủ may mắn để được cấp giấy phép vào thăm thành phố thủ đô của chính mình – thì sự tủi nhục khi phải đi qua các trạm kiểm soát của quân đội nước ngoài ở ngay trên đất nước mình đã làm thui chột mong muốn tham gia các lễ hội của họ. Hơn thế nữa, chính quyền Israel, trong phần lớn các trường hợp, thường không cấp giấy phép cho tất cả các thành viên của cùng một gia đình.

TỪ CHỐI QUYỀN ĐƯỢC TRỞ VỀ

Hàng nghìn người Palestine Thiên Chúa giáo, chiếm tỷ lệ đa số trong cộng đồng người Thiên Chúa giáo ở Jordan và một tỷ lệ lớn ở Li băng, Syria và phần còn lại của Thế giới Ả Rập, không được phép quay trở về quê hương của họ và bị tước quyền cầu nguyện ở thành phố Đông Jerusalem bị chiếm đóng.

TỪ CHỐI CHO NGƯỜI Ả RẬP THIÊN CHÚA GIÁO TỪ THẾ GIỚI Ả RẬP VÀO PALESTINE

 

Một sự khác biệt rõ rệt tại các hoạt động kỷ niệm Lễ Phục sinh kể từ năm 1967 là sự vắng mặt của những người hành hương từ các nước Ả Rập. Hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo từ Libăng, Syria, Jordan, Iraq, Vịnh A Rập và Ai Cập hoặc là bị tước quyền đến các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng hoặc là ngày càng khó thực hiện quyền này, do sự phân biệt đối xử của các cơ quan nhập cư Israel, cơ quan đang kiểm soát các đường biên giới của Palestine.

CHƯỚNG NGẠI VẬT TRONG THÀNH PHỐ

Trong vài năm trở lại đây, quân đội Israel ngày càng đặt ra nhiều hạn chế đối với tự do tôn giáo của người Palestine, gây ảnh hưởng tới cả những người đang sống tại Jerusalem. Những chướng ngại vật đặt trên đường phố Via Dolorosa trong Thành phố Cổ trong lễ diễu hành Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã dẫn đến việc đánh đập và bắt giữ những người Palestine Thiên Chúa giáo khi họ đang cố gắng tiến đến Nhà thờ Mộ Chúa.

Lễ kỷ niệm Lửa thiêng vào Ngày thứ Bảy Tuần Thánh là một ví dụ khác. Hình ảnh gây sốc khi các gia đình và linh mục bị quân lính Israel đánh đập là một bằng chứng cho thấy rõ các chính sách của Israel ở Jerusalem: nhằm xóa mờ bản sắc của người Palestine Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở Jerusalem.

PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Trong khi người Palestine Thiên Chúa giáo và Hồi giáo phải xin giấy phép để tham gia các lễ kỷ niệm của mình, thì người Do thái Israel (và thực tế là bất kỳ người Do thái nào bất kể mang quốc tịch gì) có thể tham gia các hoạt động kỷ niệm tôn giáo của mình tại thành phố Đông Jerusalem bị chiếm đóng mà không bị bất kỳ hạn chế nào.

 

Israel liên tục cản trở các truyền thống mà người Palestine đã kỷ niệm tại Jerusalem trong nhiều thế kỷ qua. Điều này dẫn đến việc hàng nghìn người Palestine Thiên Chúa giáo từ Jerusalem giờ đây cảm thấy rằng họ phải kỷ niệm Lễ Phục sinh ở nơi nào đó khác, chẳng hạn như ở Ramallah và Beit Jala, do sự quấy rối và gây hấn mà quân đội Israel gây ra cho họ ở Jerusalem.

Liên minh các tổ chức của người Palestine Thiên Chúa giáo tại Đông Jerusalem bị chiếm đóng lên án các chính sách như:

“Các biện pháp hạn chế là sự vi phạm nghiêm trọng quyền tự do cầu nguyện, và đồng nghĩa với việc phân biệt đối xử với người theo đạo Thiên Chúa, bởi vì chính quyền chiếm đóng muốn phủ nhận sự hiện diện của các tín đồ Thiên Chúa giáo và tạo dựng cảm giác về một thành phố chỉ-có-người-Do-thái mà thôi.”

 

HOẠT ĐỘNG ĐỊNH CƯ TẠI JERUSALEM

Một yếu tố chủ chốt trong các nỗ lực của Israel nhằm biến Jerusalem thành một thành phố chỉ-có-người-Do-thái có thể được nhìn thấy ngay tại con phố Via Dolorosa, với hoạt động định cư của Israel diễn ra tại ít nhất 8 trong số 14 trạm. Một số ví dụ điển hình là: Trạm 3, nơi một gia đình Palestine Thiên Chúa giáo (gia đình Tams) đã bị cố Thủ tướng Israel Arial Sharon đuổi đi để chiếm ngôi nhà cho mình; và trạm cuối tại Nhà thờ Mộ Chúa, đối diện khu vực Moristan, nơi vào Lễ Phục sinh năm 1990 những người định cư Israel đã chiếm một tòa nhà từng là nơi ở của 44 gia đình Palestine Thiên Chúa giáo.

 

NHÀ NƯỚC PALESTINE: CAM KẾT VỚI TỰ DO TÔN GIÁO

Nhà nước Palestine, với lịch sử tồn tại lâu dài của các tín đồ đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi và Do thái giáo, vẫn hoàn toàn cam kết với tự do tôn giáo ở Palestine. Năm 2013, việc k‎ý Thỏa thuận Tòa thánh Vatican - Palestine đã tái khẳng định rằng tất cả người Palestine đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể tôn giáo, và rằng Palestine tôn trọng tình trạng lịch sử của Giáo hội Công giáo ở Palestine, bao gồm hiện trạng của các địa danh tôn giáo. Gần đây nhất, Nhà nước Palestine, như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã tham gia, cùng với các hiệp ước khác, Công ước quốc tế về việc Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc (CEFRD), Hiệp ước quốc tế về các Quyền Công dân và Chính trị (ICCPR), và Hiệp ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).

 

CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ: VAI TRÒ QUAN TRỌNG

Để chấm dứt sự vi phạm các quyền con người gây ra do sự chiếm đóng lâu dài của Israel tại Palestine, cộng đồng quốc tế phải đảm bảo rằng Israel chấm dứt sự chiếm đóng bắt đầu từ năm 1967. Trong khi đó, Israel, Thế lực Chiếm đóng, phải được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế. Điều này bao gồm tự do tôn giáo và tự do di chuyển vào và xung quanh lãnh thổ Nhà nước Palestine, trong đó có cả thủ đô Đông Jerusalem, cũng như rất nhiều quyền khác đang bị xâm phạm một cách cố ý hàng ngày. Bằng việc buộc những ai vi phạm luật pháp quốc tế phải chịu trách nhiệm, các thành viên của cộng đồng quốc tế có thể chắc chắn rằng họ đang nêu cao trách nhiệm của chính mình, cũng như những nguyên tắc và giá trị toàn cầu được chia sẻ trên toàn thế giới.