Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Ngân hàng Thế giới sẽ viện trợ 13 triệu đôla Mỹ cho các dự án môi trường ở Gaza

Ngân hàng Thế giới sẽ viện trợ 13 triệu đôla Mỹ cho các dự án môi trường ở Gaza

Thứ tư, 16 Tháng 4 2014 10:25

BETHLEHEM (Ma'an) – Một tuyên bố hôm thứ 2 cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ viện trợ 13 triệu đôla Mỹ cho các dự án môi trường ở Dải Gaza.

Theo tuyên bố trên, số tiền này sẽ được dùng để cung cấp “các giải pháp dài hạn trong việc xử l‎ý nước thải và chất thải rắn” ở Dải Gaza.

Thể chế tài chính của Liên hợp quốc sẽ tài trợ 10 triệu đôla cho Dự án Quản l‎ý Chất thải rắn ở Gaza, dự án nhằm “cải thiện tình hình thải các chất thải rắn ở các quận của Gaza, thông qua việc cung cấp một cơ chế hiệu quả, thỏa đáng về mặt xã hội và thân thiện với môi trường.”

Trong khi đó, 3 triệu đôla còn lại sẽ được chi cho Dự án Xử lý Nước thải ở Bắc Gaza, dự án nhằm xây dựng “một nhà máy xử lý nước thải hiện đại và phát triển một chương trình tái sử dụng để tưới tiêu các cánh đồng xung quanh đó bằng nước thải đã qua xử lý an toàn.”

“Một số khu vực dân cư nhiều lần bị ngập lụt bởi nước thải chưa qua xử lý, dẫn đến sự thiệt hại về tài sản và thương vong”, ông Steen Jorgensen, Giám đốc Quốc gia của WB ở Bờ Tây và Gaza, nói trong bản tuyên bố. “Việc đổ rác bất hợp pháp và đốt rác là thực tiễn phổ biến ở cả các khu vực nông thôn và thành thị, gây ra ô nhiễm đất đai, không khí và nguồn nước, cũng như những mối nguy hiểm về sức khỏe”.

Ông Jorgensen nói thêm: “Người Palestine ở Dải Gaza có quyền sống trong một môi trường lành mạnh và trong sạch. Việc quản lý phù hợp chất thải của thành phố là một ưu tiên mà Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ để tránh những tác động tiêu cực về mặt sức khỏe và môi trường đối với cuộc sống của các công dân Gaza”.

Về xử lý nước thải, ông Richard Pollard, chuyên gia cao cấp của WB về nước và vệ sinh nói rằng “sự sụp đổ của các ao nước thải tại nhà máy xử lý nước thải bị quá tải Beit Lahiya ở bắc Gaza vào năm 2007 đã làm dấy lên những câu hỏi nghiêm trọng về khả năng tồn tại lâu dài của các hệ thống xử lý nước thải ở Dải Gaza.”

“Nước ngầm đang bị ô nhiễm báo động bởi nước thải rò rỉ. Trong khi dự án này được phát triển như một giải pháp cho tình trạng khẩn cấp trong sức khỏe cộng đồng và cuộc khủng hoảng về môi trường, thì khoản tiền tài trợ mới nhằm mục đích đảm bảo sự bền vững dài hạn của nhà máy,” ông Pollard nói thêm.

Dải Gaza chịu sự phong tỏa về kinh tế của Israel từ năm 2006. Sự phong tỏa này đã hạn chế nghiêm trọng hoạt động xuất nhập khẩu của Dải Gaza và dẫn đến những thảm họa nhân đạo tiếp diễn và gây nhiều khó khăn cho người dân Gaza.

 

Nguồn: Ma'an News