Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Bộ Ngoại giao Palestine nộp đơn tham gia các Hiệp ước Quốc tế

Bộ Ngoại giao Palestine nộp đơn tham gia các Hiệp ước Quốc tế

Thứ năm, 03 Tháng 4 2014 15:09

Bộ Ngoại giao Palestine, thay mặt Tổng thống Mahmoud Abbas, đã chính thức gửi thư tham gia 15 hiệp ước và công ước đa phương tới các tổ chức quốc tế liên quan.

Trong tuyên bố Bộ Ngoại giao Palestine đưa ra hôm thứ tư có viết, “Vào thứ Ba ngày 1 tháng 4, sau một quyết định được sự nhất trí cao của các nhà lãnh đạo Palestine, trong đó có Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Tổng thống Mahmoud Abbas đã k‎ý thư tham gia 15 hiệp ước và công ước đa phương. Đây là quyền mà Palestine đã có từ sau khi được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc nâng lên vị trí Nhà nước Quan sát viên vào tháng 11/2012.”

Tuyên bố cũng nói rằng động thái này được thực hiện sau khi Israel từ chối thả nhóm tù nhân thứ tư bị bắt giam trước khi k‎ý Hiệp định Oslo trong giai đoạn 4, điều đã được cả hai phía Israel và Palestine thống nhất từ trước, để đổi lấy việc Palestine hoãn việc tham gia các hiệp ước quốc tế.

“Tháng 7/2013, PLO đã đưa ra một quyết định khó khăn là trì hoãn việc tham gia các hiệp ước và công ước đa phương, để đổi lấy sự phóng thích cho 104 tù nhân trước Hiệp định Oslo vào giai đoạn 4,” tuyên bố viết.

“Do Israel không thả nhóm tù nhân cuối cùng, Nhà nước Palestine không còn trách nhiệm phải trì hoãn quyền tham gia các hiệp ước và công ước đa phương nữa.”

“Việc phóng thích nhóm 30 tù nhân thứ tư và cũng là nhóm cuối cùng dự định diễn ra vào ngày 29/3/2014. Do các quan chức của Israel đã cho biết rằng Israel sẽ không đồng ‎ý thả tù nhân, PLO yêu cầu chính phủ Mỹ đảm bảo rằng Israel phải thực thi cam kết của mình.”

Bộ Ngoại giao Palestine nói rằng bước đi mới nhất này không có nghĩa là quá trình đàm phán đã kết thúc.

“PLO vẫn cam kết với tiến trình đàm phán 9 tháng này, theo đó đàm phán sẽ kết thúc vào ngày 29/4”. “Bất chấp sự leo thang của các chính sách đàn áp của Israel như giết hại thường dân Palestine, xây dựng các khu định cư, tấn công các cộng đồng dễ bị tổn thương, bắt giữ và giam cầm tùy tiện, phá hủy nhà cửa và xóa bỏ các quyền cư trú, chúng tôi vẫn cam kết thực hiện đúng tiến trình đàm phán và ủng hộ những nỗ lực từ phía Mỹ.”

Tổng thống Abbas đã ký thư tham gia 15 Hiệp ước và công ước đa phương sau:

 

  1. Công ước Geneva IV ngày 12/8/1949 và Nghị định thư Bổ sung đầu tiên
  2. Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao
  3. Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự
  4. Công ước về Quyền Trẻ em và Nghị định thư Không bắt buộc Bổ sung Công ước về Quyền Trẻ em liên quan đến việc Lôi kéo Trẻ em vào Xung đột Vũ trang
  5. Công ước về việc Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ
  6. Công ước Hague (IV) liên quan tới các Luật và Tập quán trong Chiến tranh về Đất đai và phụ lục: Các Quy định liên quan đến các Luật và Tập quán trong Chiến tranh về Đất đai
  7. Công ước về Quyền của Người Khuyến tật
  8. Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế
  9. Công ước Quốc tế về việc Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc
  10. Công ước chống Tra tấn và những hình thức Đối xử hay Trừng phạt Tàn bạo, Vô nhân đạo hoặc Làm mất nhân phẩm khác
  11. Công ước Liên Hợp quốc chống Tham nhũng
  12. Công ước Ngăn chặn và Trừng phạt Tội Diệt chủng
  13. Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và Trừng phạt nạn Phân biệt Chủng tộc
  14. Hiệp ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị
  15. Hiệp ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

“Các điều ước và hiệp ước này sẽ giúp bảo vệ và phát huy những quyền cơ bản của người dân Palestine và cho phép Nhà nước Palestine trở thành một thành viên hoạt động tích cực và có trách nhiệm trên trường quốc tế.”

Bộ Ngoại giao Palestine còn cho biết thêm, Palestine có quyền tham gia tổng số 63 hiệp ước, công ước và tổ chức quốc tế, và “sẽ làm như vậy vì lợi ích cao nhất của người dân khi cảm thấy phù hợp.” “Đây là một quyền mà tất cả các thành viên và nhà nước Quan sát viên của Liên hợp quốc đều có.”

“Đây là việc thực hiện quyền của Palestine và không liên quan gì tới các cuộc đàm phán hay việc đạt tới một thỏa thuận. Như Tổng thống Abbas đã thể hiện trong các tuyên bố, lập trường của Palestine không hề thay đổi.”

“PLO mong muốn có một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền với đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, với một giải pháp công bằng cho vấn đề người tị nạn dựa trên nghị quyết 194 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. PLO sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp l‎ý để giành được điều này, bao gồm cả đàm phán và kháng chiến hòa bình toàn dân.”

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao nói rằng bước đi này không làm phương hại đến những nỗ lực hòa bình của Mỹ. “Palestine không muốn xung đột với bất kỳ ai. Các công cụ mà Palestine sử dụng đều hợp pháp và phi bạo lực. PLO hành động dựa trên luật pháp quốc tế và sự thực thi các quyền bất khả xâm phạm đã trì hoãn quá lâu của nhân dân Palestine.”

“Chính phủ Israel cần hiểu rằng đàm phán là một công cụ phi bạo lực để đạt được hòa bình hơn là tấm bình phong che giấu để Israel tiếp tục vi phạm các quyền con người, mở rộng các khu định cư và khiến cho giải pháp 2 Nhà nước ngày càng trở nên xa vời.”