Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Các nhà ngoại giao EU cảnh báo về một cuộc xung đột lớn trong toàn khu vực về Núi Đền thờ

Các nhà ngoại giao EU cảnh báo về một cuộc xung đột lớn trong toàn khu vực về Núi Đền thờ

Thứ ba, 01 Tháng 4 2014 11:29

 

Các chính sách của Israel đều nhằm củng cố việc sáp nhập đơn phương và bất hợp pháp Đông Jerusaelem, báo cáo cho biết.

Tác giả: Amira Hass

Các nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Jerusalem và Ramallah đang cảnh báo về một cuộc xung đột lớn trong toàn khu vực xung quanh ngọn Núi Đền thờ (Temple Mount). Một bản báo cáo nội bộ gửi về Bruc-xen hôm 18/3 vừa qua đã đưa ra lời cảnh báo về tình hình đang biến đổi tại địa danh linh thiêng này, cũng như tình trạng căng thăng đang leo thang, bắt nguồn từ yêu cầu của các nhóm Do Thái cánh tả.

“Đang tồn tại một nguy cơ lớn, rằng những sự cố tại địa danh vô cùng nhạy cảm này, hoặc những mối đe dọa đã được biết đến đối với trạng thái hiện tại, có thể dẫn đến những phản ứng cực đoan của dân địa phương cũng như trong toàn thế giới Ả Rập và Hồi giáo, và có khả năng chấm dứt các cuộc đàm phán hòa bình”, theo bản báo cáo trên.

Báo cáo cũng nói rằng gần 100 nghìn cư dân Đông Jerusalem đang có nguy cơ mất nhà cửa do những hạn chế về xây dựng mà Israel áp đặt với họ.

Bản báo cáo giải thích rõ ràng Israel đang xâm phạm các quyền của những người Palestine sống ở Đông Jerusalem ra sao, chỉ ra những hạn chế về quyền tự do đi lại và tiếp cận các tòa nhà mà họ đang phải chịu đựng.

Báo cáo nói rằng, các chính sách của Israel đều nhằm “củng cố việc sáp nhập đơn phương và bất hợp pháp Đông Jerusaelem”.

Các phái đoàn của EU cũng cảnh báo về ‎ý tưởng phân chia ngọn Núi Đền Thờ và quy định những thời gian cầu nguyện khác nhau cho từng tôn giáo, như đã từng làm với Khu Lăng mộ của các Nhà sáng lập ở Hebron, hay theo cách gọi của các tín đồ Hồi Giáo là Nhà thờ Ibrahimi. Bản báo cáo cũng ngầm ‎ý phê phán xu hướng các chính quyền Hồi giáo và các chính trị gia Palestine chối bỏ mối liên hệ lịch sử giữa người Do thái với ngọn Núi Đền thờ.

Các phái đoàn của EU tại Chính quyền Palestine (PA) bắt đầu viết các bản báo cáo chung thường niên về chính sách của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine từ năm 2005.

 

“Tăng cường hoạt động định cư”

Trong một thông điệp ngầm gửi tới Mỹ, bản báo cáo nói rằng hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được nếu Jerusalem được giải quyết để trở thành thủ đô của cả Israel và một nhà nước Palestine trong tương lai.

Bản báo cáo nêu rõ “làn sóng chưa từng thấy trong hoạt động định cư” kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại vào tháng 7/2013. Rõ ràng một phần chiến lược của Israel là dùng các cơ sở hạ tầng và các khu định cư để “mở rộng Jerusalem sâu vào khu Bờ Tây”, để thành phố này bao gồm cả các khu nhà định cư Maale Adumim, Gush Etzion và Givat Ze’ev.

Bản báo cáo cũng khảo sát sự sa sút về các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế của người Palestine tại Jerusalem, mà theo phân tích trong báo cáo là bắt nguồn trực tiếp từ chính sách có chủ tâm của Israel.

Trong khi 39% (372.000 người) trong tổng số 800.000 cư dân Jerusalem là người Palestine, chỉ 10% ngân sách của thành phố được phân bổ cho họ, báo cáo viết.

Theo báo cáo này, 200.000 cư dân là người Israel đang sống trong các khu định cư ở Đông Jerusalem.

“Khoảng 53% diện tích Đông Jerusalem mà Israel đã vạch rõ là không được phát triển, và 35% diện tích đã được dành riêng cho các khu định cư,” tức là chỉ còn lại chưa đầy 13% đất đai cho nhu cầu nhà ở của người Palestine.

Bản báo cáo viết, “Phần lớn diện tích đất này đã được xây dựng; mật độ xây dựng cho phép bị giới hạn và các tiêu chuẩn lên kế hoạch và xây dựng theo đúng yêu cầu thì rất khó đáp ứng. Những điều này khiến quá trình xin phép xây dựng rất khó khăn và tốn kém. Ít nhất 33% trong số toàn bộ nhà cửa của người Palestine ở Đông Jerusalem không có giấy phép xây dựng do Israel cấp, khiến hơn 93.000 người Palestine có nguy cơ bị mất nhà cửa.”

Năm 2013, chính quyền Israel đã phá bỏ 98 tòa nhà ở Đông Jerusalem, gần gấp đôi so với 2 năm trước đó cộng lại. 39 trong số các tòa nhà bị phá dỡ được dùng cho mục đích thương mại và 24 là nhà ở. Do đó, 298 người, trong đó có 153 trẻ em, đã bị mất nhà cửa trong năm 2013, trong khi 400 người khác mất nơi làm việc và phương kế sinh nhai, bản báo cáo viết.

Không chỉ hạn chế việc đi lại của người Palestine, báo cáo nói rằng Israel còn hạn chế cả sự di chuyển của các công dân Châu Âu. Báo cáo trích dẫn rằng các công dân Châu Âu chỉ có visa vào Bờ Tây sẽ không được vào Jerusalem thăm lãnh sự quán của nước họ.

 

80% người dân sống dưới mức nghèo khổ

Hơn 2.000 học sinh và 250 giáo viên tại Đông Jerusalem phải đi qua các trạm kiểm soát trên đường đến trường mỗi ngày. Do những hạn chế đó, cùng với việc Israel từ chối công nhận Trường Đại học Al Quds, các trường học ở Đông Jerusalem rất thiếu giáo viên môn Toán và Khoa học. Tương tự, các phòng khám sức khỏe thì thiếu bác sỹ, báo cáo viết.

Do những rảo cản chia rẽ, sự hạn chế việc đi lại, và việc chia cắt Đông Jerusalem khỏi Bờ Tây, thành phố này không còn là trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa của tất cả người Palestine ở Bờ Tây nữa, báo cáo viết.

Trước khi Hiệp định Oslo được k‎ý kết, hoạt động kinh tế của Đông Jerusalem đóng góp 15% cho nền kinh tế của Palestine, nhưng hiện nay chỉ còn 7%. Năm 2013, 80% dân số Palestine ở Jerusalem và 85% trẻ em Palestine sống dưới mức nghèo khổ.

Bản báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị tương tự như các năm trước. Báo cáo kêu gọi giúp đỡ người dân Palestine và duy trì khả năng Jerusalem trở thành thủ đô của cả 2 dân tộc.

Báo cáo cũng thúc giục sự giám sát chặt chẽ ngọn Núi Đền thờ và khu Silwan liền kề ở Đông Jerusalem. Báo cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu hành động chống lại kế hoạch của Israel là dùng vũ lực đuổi người Bedouin ra khỏi khu E-1 ở gần Jerusalem. Cuối cùng, bản báo cáo nói rằng EU nên xem xét cấm những người định cư Do thái có liên quan đến bạo lực được vào Châu Âu.

 

Nguồn: Haaretz