Trang chủ

Palestine - Nơi dầu ôliu có màu máu

Thứ sáu, 07 Tháng 3 2014 13:46

Chuỗi bài viết của Nhà báo Nguyễn Như Phong - TBT báo Năng lượng mới

Việt Nam và Palestine đã có quan hệ từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Ngay sau khi giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước Việt Nam, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã mở văn phòng đại diện tại thủ đô Hà Nội. Sau khi Hội đồng Dân tộc Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine, Việt Nam và Palestine đặt quan hệ ngoại giao chính thức ngày 19 tháng 11 năm 1988 .

Nhưng từ bấy đến nay, chưa có một nhà báo Việt Nam nào đặt chân lên được mảnh đất huyền bí đang chứa đựng những bất công lớn nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Và trớ trêu thay, chúng tôi, những nhà báo Việt Nam cũng phải chịu đựng những bất công ấy.

Và cũng tại đất nước Palestine này, tôi mới thấy khái niệm nhân quyền chỉ là một thứ "bánh vẽ" của Mỹ và một số nước phương Tây.

Phóng sự này được bắt đầu ở Amman, thủ đô Jordan.

 

Kỳ I

 Năm ngày bị "cầm tù" ở khách sạn 5 sao

            Tôi được biết ngài Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine ở Việt Nam chưa lâu. Qua vài lần đàm đạo, điều mà tôi kính nể nhất ở Saadi là sự thông minh sắc sảo, ý chí kiên định về mục tiêu giành độc lập cho Tổ quốc và đặc biệt là khả năng sử dụng tiếng Việt. Saadi không những nói tiếng Việt giỏi, sửa văn bản tiếng Việt không sai một dấu phẩy, mà còn hiểu biết đến "ngóc ngách" của tiếng Việt, kể cả những từ mang tính uyển ngữ. Có lẽ vì Saadi đã học khoa sử của Đại học Tổng hợp rồi lấy vợ là người Việt Nam, những cái đó cộng với khả năng trời phú về ngôn ngữ và vốn văn hoá phong phú nên ông đã sử dụng tiếng Việt giỏi như một nhạc công sử dụng cây đàn của mình.

           Trong những buổi gặp, tôi thú thực với Saadi là tôi chẳng hiểu biết chút nào về Palestine cả, ngoài những thông tin rằng, Palestine đang trở thành dân tộc lưu vong đông đảo vào bậc nhất thế giới với hơn 10 triệu người đang lang bạt ở khắp các châu lục từ sau ngày 15/5/1947. Đó là ngày Israel được sự hỗ trợ của Anh và Liên hợp quốc, đã thành lập Nhà nước Israel trên lãnh thổ người Palestine sống từ hơn... 10 ngàn năm trước. Ngày lập nước của Israel thì được Palestine lấy đó làm ngày Nakba (Ngày Thảm hoạ). Suốt mấy chục năm nay, người Palestine dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Arafat đã bền bỉ đấu tranh và hy sinh xương máu để đòi quyền độc lập... Tôi cũng chỉ biết thêm rằng, Palestine là xứ sở của cây ô liu, một loại cây cho quả để lấy dầu, có màu xanh biêng biếc. Loại dầu đó, nghe nói là quý lắm vì ăn nó, hạn chế được bệnh tim mạch, chống béo phì... Người Việt Nam cũng mới biết ăn dầu và quả ô liu muối từ mấy năm nay. Chả biết hiệu quả chống béo thế nào, chứ tôi thấy đàn ông, đàn bà khu vực Arập đa phần béo nung núc... Đại khái là sự hiểu biết của tôi về quê hương Saadi chỉ lờ mờ có vậy.

         Saadi hứa với tôi rằng, ông sẽ cố tạo điều kiện để cho tôi sang Palestine một chuyến. Tuy nhiên, ông cũng chẳng giấu giếm và nói là rất không đơn giản bởi những thủ tục của phía Israel. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là: Có quái gì cái chuyện thủ tục cho mấy gã nhà báo đi theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"... Nhưng rồi tôi đã nhầm.

          Mặc dù Saadi đã hứa chắc như đinh đóng cột như vậy, nhưng tôi vẫn không tin bởi tôi biết rằng, về phía Israel thường hay khó dễ cho những người muốn vào Palestine theo lời mời của Chính phủ Nhà nước Palestine như thế nào.

           Thế rồi, thời gian cứ trôi đi, mãi đến gần 6 tháng sau - một ngày đầu tháng 5, Saadi gọi điện và vui vẻ khoe với chúng tôi rằng, thủ tục lo cho chúng tôi vào Palestine đã xong. Đúng là một tin vui bất ngờ!

           Hoá ra, năm nay vào ngày 15/5, Nhà nước Palestine sẽ tổ chức kỷ niệm 63 ngày Nakba - Ngày Thảm hoạ của dân tộc mình. Một trong những hoạt động của kỷ niệm là tổ chức giải bóng đá quốc tế gồm 16 đội ở châu Phi, châu Âu và khu vực Arập tham gia. Như vậy chúng tôi sẽ được mời vào Palestine với tư cách là phóng viên đi theo dõi giải bóng đá. Thôi thì, muốn đi kiểu nào cũng được, miễn là được vào Palestine.

           Những thủ tục gấp rút được tiến hành và chúng tôi nhận được lời hứa của Đại sứ rằng, chúng tôi sẽ có Giấy phép vào Palestine ngay khi đặt chân lên Jordan. Ngày 10/5, tôi cùng hai phóng viên của VietNamNet và đó cũng là hai người bạn của Đại sứ Saadi lên đường.

           Trải qua hơn một ngày bay trên trời và chờ dưới đất, chúng tôi đã đến được Jordan. Ngay khi phút đầu tiên tới cửa khẩu sân bay làm thủ tục nhập cảnh vào Jordan, chúng tôi đã gặp khó khăn. Chuyện cũng chẳng có gì to tát nhưng do lề lối làm ăn của phía an ninh cửa khẩu. Hoá ra Đại sứ Palestine tại Jordan đã làm thủ tục xin visa cho chúng tôi tại cửa khẩu, tôi dùng hộ chiếu công vụ thì được nhập cảnh ngay, còn hai phóng viên của VietNamNet thì bị giữ lại. Thật khốn khổ cho tôi, một nửa chữ tiếng Anh cũng không biết, bây giời phải xa hai người bạn, thật không biết xoay xoả thế nào. Rồi họ đưa thẳng tôi về khách sạn Bristol và ở đó, tôi phải chờ đợi. Tới khách sạn, nhận phòng xong, tất cả mọi thứ đã yên nhưng lòng tôi vẫn nóng như lửa đốt do chưa biết tình trạng của hai anh bạn bên VietNamNet ra sao. Thế rồi, chưa kịp nghỉ ngơi thì một anh chàng gõ cửa, nói bằng tiếng Arập liến thoắng, tôi chẳng hiểu gì cả. Sau đó anh ta lại nói tiếng Anh, tôi cũng chẳng hiểu và cuối cùng anh ta nói một chữ "A-ê-rô-po" rồi giơ tay, ra hiệu như máy bay cất cánh lên trời, nhưng điệu bộ anh ta và nghe câu "A-ê-rô-po" tôi rụng rời và nghĩ rằng hai anh bạn ở VietnamNet đã bị "tống cổ" về rồi. Cái dấu hiệu bằng tay như thế được tôi hiểu là ở sân bay và bay lên trời. Tìm người biết tiếng Pháp thì không có. Thật đúng là không còn hoàn cảnh nào trớ trêu hơn thế nữa và anh ta ra hiệu cho tôi thu dọn hành lý đi theo anh ta ra sân bay. Nhưng tới sân bay, tôi thấy Quỳnh và Duy là hai phóng viên của VietNamNet đang đứng cười tươi hớn hở. Hỏi ra thì mới biết họ đã nhập cảnh sau khi họ tìm thấy nhân viên giữ bộ hồ sơ mà sứ quán Palestine tại Jordan đã lập từ trước.

           Chúng tôi trở về khách sạn và lúc này Quỳnh mới buồn rầu thông báo cho chúng tôi biết rằng, Đại sứ Saadi thông báo rằng phía Israel vẫn chưa đồng ý cho chúng tôi nhập cảnh. Theo Saadi cho biết thì thái độ của họ là trả lời bằng sự im lặng hoặc bằng câu "đang chờ giải quyết". Cách nói đó đúng là giọng của kẻ có quyền.

           Chúng tôi trở về khách sạn, thế rồi không biết làm gì nữa, hôm sau, chúng tôi kéo nhau đi đến một nơi nổi tiếng của Jordan, đó là khu du lịch Petra. Petra là vương quốc đã bị mất. Từ hơn 2000 năm trước, người dân bộ lạc ở khu vực này đã dựng lên một vương quốc, cung điện và đền đài của họ được tạc trong hang động. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, vương quốc đó đã biến thành phế tích và chứa đựng nhiều huyền thoại.

           Petra, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là "đá" và khu vực di tích nằm trong một thung lũng lớn chạy từ Biển Chết với vịnh Aqaba ở phía tây Jordan. Khu vực này từng là cố đô của tộc người Nabattaean với những công trình điện, đền, nhà hát được tạc trên vách núi. Nhưng vương quốc này đã bị hủy diệt bởi ba trận động đất lớn và biến mất trong lịch sử. Mãi đến năm 1812, một nhà thám hiểm người Thụy Sỹ mới phát hiện ra khu vực này. Năm 1985, khu khảo cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

           Từ thủ đô Amman của Jordan tới khu Petra khoảng 270 km, nhưng đường sá rất tốt nên xe chạy chỉ hết có 3 giờ đồng hồ. Vé vào khu du lịch cực kỳ đắt, hơn 70USD một người và ở đây tôi mới thấm thía rằng, tại sao du lịch Việt Nam lại không thu hút được nhiều khách đến và vì sao du khách tới Việt Nam "một đi, không trở lại". Vé vào khu du lịch đắt như vậy nhưng ngày nào cũng có hàng nghìn du khách nước ngoài tới đây. Khu du lịch trải rộng trên một vùng rừng núi hoang vu, không một bóng cây. Đi từ đầu đến cuối cùng hết khoảng 5km và phải leo núi. Người yếu sức thì thường phải thuê ngựa hoặc thuê con la của người dân địa phương để dắt leo lên đỉnh núi. Nhiều đoạn dốc ngược lên, leo mươi bước đã thấy tức ngực. Ở đây không có cảnh người du lịch bị đám trẻ con hoặc dân bản xứ bám theo trèo kéo mua bán. Khu du lịch nằm giữa vùng núi hoang vu như thế nhưng sạch vô cùng. Cứ một đoạn lại thấy có những người công nhân cần mẫn nhặt từng mẩu rác bỏ vào thùng. Những người dân bản địa ở đây đưa khách đi du lịch với thái độ hết sức hồ hởi, vui vẻ. Họ sẵn sàng kể cho du khách nghe nhưng câu chuyện về cha ông, dòng tộc, tổ tiên mình. Đến khu vực khảo cổ, tôi kinh ngạc và tự hỏi không hiểu làm sao cách đây hơn 2000 năm những nhà kiến trúc đã làm thế nào để tạc những cung điện, đền đài vào vách núi và không hiểu những hang động ở bên trong vách núi rộng như thế nào bới bây giờ họ không cho ai vào; và ở trong đó người dân đã sinh sống ra làm sao. Và cũng không thể hiểu được rằng vào thời cổ đại đấy, trong những hang núi như thế, người dân sống thế nào?

           Chúng tôi thuê 3 con la để đi, người dẫn đường cho chúng tôi là người đàn ông trung niên khoảng hơn 50 tuổi, ông có hai vợ và chín đứa con. Ông kể cho chúng tôi nghe rằng, cách đây 20 năm ông vẫn sống ở trong hang như vậy, gần đây Chính phủ Jordan biến khu này thành khu du lịch, cho nên những người dân được chuyển đi chỗ khác. Tôi đã đi vùng cao nguyên đá Đồng Văn, đã chứng kiến nhiều đồi núi điệp trùng của vùng Tây Bắc, nhưng không ở đâu lại có khung cảnh núi đá lạ lùng như ở đây. Núi ở đây không cao lắm, chỉ có một màu nâu xám. Hầu như rất hiếm cây cỏ trên đỉnh núi. Ở dưới thung lũng sâu chỉ thấy một thứ sống được đó là những bụi hoa trúc đào đang nở hoa đỏ cháy.

 Nói là đi du lịch, thăm thú một khu nổi tiếng như vậy nhưng trong lòng chúng tôi bất an vì không biết lúc nào sẽ được nhập cảnh trong khi thời gian cứ trôi đi mà tin tức về tình hình Israel và Palestine ngày càng dồn dập. Hơn 100 quốc gia đã lên tiếng đòi phải thành lập Nhà nước Palestine, ủng hộ việc thành lập một Nhà nước độc lập. Tổng thống Mỹ BarackObama cũng đã bật tín hiệu về việc cần phải có một Nhà nước Palestine độc lập và chung sống hoà bình với một Nhà nước Do Thái. Rồi ở Palestine, phái Fatahvà phái Hamas cũng đã dẹp bỏ những mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm trước đó để hợp tác với nhau thành lập một chính phủ, nhưng phía Israel vẫn kiên quyết không đồng ý. Và ngay trong những ngày chúng tôi còn đang ăn chực, nằm chờ ở khách sạn 5 sao mà hệt như người bị "cầm tù" thì ở biên giới giữa Palestine với Syria, với Liban, với Jordan và ngay sát thủ phủ Ramalla, những cuộc đụng độ xảy ra liên tiếp. 13 người Palestine đã chết trong những cuộc đụng độ đó. Trong lúc "nước sôi lửa bỏng" như vậy mà chúng tôi phải ở đây thì thật quá ở tù. Quả thực trong đời làm báo của tôi, chưa bao giờ tôi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Ở một khách sạn 5 sao sang trọng, ăn uống quá ư là đầy đủ, nhưng choán hết trong tâm thất trạng chúng tôi đó là sự lo lắng, buồn phiền. Mỗi giờ qua đi là nỗi thất vọng lại tăng lên. Cho tới ngày 18, không còn chịu nổi nữa, chúng tôi quyết định đổi vé máy bay trở về nước. Có nhiều chuyện cười ra nước mắt, ấy là trong cơn tuyệt vọng chúng tôi đâm mê tín... và lập que dịch, tung đồng xu, xem ngày tốt, ngày xấu.

           Cũng trong những ngày này, đoàn nhà báo Việt Nam lại có thêm hai người nữa, đó là ông Nguyễn Ngọc Hùng và phóng viên Mỹ Hạnh của báo Quân đội nhân dân. Ông Hùng là người đã học tiếng Arập tại Ai Cập và Iraq từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Mấy chục năm nay, ông chuyên nghiên cứu về Trung Đông và là bạn hữu với nhiều vị đại sứ của các quốc gia này. Chính nhờ có ông mà tôi đã được mở tầm mắt về thế giới Arập và đặc biệt là về tình hình Palestine và Israel. Ông khẳng định ngay là Israel sẽ chỉ cho đoàn phóng viên Việt Nam vào Palestine khi nào hết sự kiện "Ngày Thảm hoạ".

           Cũng tại "nhà tù" 5 sao này, chúng tôi được chứng kiến thêm cảnh gần 30 nhà báo của các nước A rập cũng đến đây ăn chực nằm chờ vào Palestine...

 

Kỳ II

 Đường đến Ramallah

            Vậy là chúng tôi đã đặt chân lên đất Palestine và là đoàn nhà báo Việt Nam đầu tiên đến được Palestine, từ cửa khẩu Ramallah - nơi được coi là thủ phủ của chính quyền Palestine - chỉ khoảng 70 cây số...

Từ hôm có nhà báo các nước Arập và một vài hãng thông tấn danh tiếng khác đến cư ngụ, "nhà tù 5 sao" Bristol nhộn nhịp hẳn và khu nhà ăn trở thành "trung tâm báo chí".

           Chủ đề được các nhà báo quan tâm đặc biệt rất đơn giản: "Khi nào có giấy phép vào Palestine". Và tất nhiên, câu trả lời thường là cái nhún vai, hoặc trả lời theo kiểu "hãy đợi đấy!". Trong những cuộc bàn luận, các nhà báo đều cơ bản thống nhất với nhau rằng, do tình hình Israel - Palestine đang nóng vì "Ngày Thảm hoạ Palestine" Al Nakba", và phía Israel cũng đang "điên tiết" về thái độ mới của Mỹ trong vấn đề hoà bình Trung Đông, cho nên chắc chắn rằng chính quyền Tel-Aviv chẳng vội gì phải cấp giay phep cho những gã chuyên nghề thóc mách. Họ chả được lợi lộc gì, thậm chí phiền toái nếu cho đám nhà báo này vào Palestine. Nếu có được vào lãnh thổ Palestine do Israel chiếm đóng, thì kiểu gì cũng phải chờ cho tình hình hạ nhiệt.

          Một vấn đề cũng hay được các nhà báo quan tâm tranh luận là "tương lai của thế giới Arập sẽ ra sao? Liệu họ có gắn kết được với nhau, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất hay không?". Và câu trả lời là "không". Trong lịch sử, các nước Arập chưa bao giờ thực sự gắn kết và thực chất đã bị chia rẽ từ lâu bởi các khuynh hướng chính trị, tôn giáo, vị trí địa lý. Liên đoàn các nước Arập đông và lắm tiền nhưng không mạnh vì ít khi tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế lớn. Còn về tình hình Palestine, các nhà báo cũng nhận định rằng, Palestine hiện đang có thời cơ và vận hội vô cùng lớn để thành lập Nhà nước. Họ đã giải quyết được mối bất đồng giữa hai thế lực chính trị mạnh nhất hiện nay là Fatah và Hamas. Chính quyền Palestine đã có độ tin cậy trong cộng đồng quốc tế và tuyệt đại thành viên Liên hợp quốc ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Trong các cuộc bàn luận này, ông Nguyễn Ngọc Hùng tham gia sôi nổi nhất, bởi ông giỏi tiếng A rập, lại am hiểu tình hình Trung Đông.

          Hai phóng viên của VietNamNet Quỳnh và Duy giỏi tiếng Anh nên nhanh chóng trở thành bạn bè với nhiều người, còn tôi, vớ được anh nào nói tiếng Pháp thì còn "buôn" được dăm câu, bằng không lại lủi thủi xách máy đi chụp ảnh Thủ đô Amman của Jordan.

          Công bằng mà nói, kiến trúc đô thị của Amman cực kỳ đơn điệu. Tất cả nhà cửa chỉ là những khối bê tông màu vàng xám hình hộp xếp bên nhau. Thi thoảng mới thấy một nhà mái ngói, hoặc một ngôi nhà được xây "phá cách". Ngay ở những khu phố ngoại giao, hoặc khu nhà giàu, nhà cửa cũng cứ nhang nhác một màu, một kiểu. Thứ quyến rũ nhất ở đây là hoa hồng. Hoa hồng ở các biệt thự bông rất to, có bông như miệng bát ăn cơm và đa phần là màu đỏ tươi. Có điều lạ là hoa hồng ở đây đã đẹp lại thơm, rất thơm đằng khác. Chẳng như thứ hoa hồng đời mới ở Việt Nam là có sắc mà chẳng có hương, hệt như cái đám hoa hậu, người mẫu. Đường sá trong nội đô khá tốt, trật tự giao thông rất quy củ và được người dân tôn trọng, cho nên trên nhiều tuyến đường, xe ô tô chạy tới cả trăm cây số giờ.

          Ăn - ngủ - tán phét - đi chơi và uất ức vì chờ đợi - những cái đó khiến mấy nhà báo Việt Nam "bỗng dưng bị ... béo". Chỉ có vài ngày mà ai cũng như ăn phải thuốc... tăng trọng, mắt hùm hụp mọng vì ngủ, mặt xị xuống vì béo và vì... tức!

          Nói thế chứ chúng tôi cũng kéo nhau đi thăm được một di tích lịch sử quan trọng ở Amman, trong khu đền thờ Hercules và có một buổi tới thăm Thánh đường mang tên Aisha, một bà vợ của nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập ra đạo Hồi (Nhà tiên tri Muhammad có nhiều vợ).

          Thiên kinh Qoraan - những lời phán truyền của Thượng đế Allah, là toàn bộ nội dung giáo lý Islam. Quran là kim chỉ nam đối với mọi tín đồ Islam và là một trong những yếu tố tạo nên nếp sống của tín đồ Islam. Theo tiếng Arập, Qoraan và Islam là tuân thủ, chấp hành còn Muslim là Thần phục Allah. Thánh Allah dạy như vậy và việc học tập, tuân thủ theo kinh Qoraan đã trở thành nghĩa vụ và là đức tin của mọi tín đồ Hồi giáo, cho nên điều đó có thể lý giải một phần nào những mâu thuẫn về tôn giáo giữa tín đồ Hồi giáo cực đoan với tín đồ Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo từ xưa tới nay. Tại Thánh đường Aisha, chúng tôi gặp ông Muhammad Sawi Hauwa, là Giáo sư Trường đại học Muaat thuộc tỉnh Kark, ở phía nam Jordan. Giáo sư là Imam (nhà lãnh đạo tinh thần của một thánh đường).

           Trong câu chuyện, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông hiểu biết khá rộng về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam. Ông cũng có những nhận xét rất sâu sắc về vai trò của Mỹ ở Trung Đông và nhất là việc Mỹ cùng một vài nước phương Tây đã sử dụng Israel để kiềm chế sự phát triển của các nước Arập. Ông đã mạnh mẽ lên án chính quyền Tel-Aviv trong việc chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine và khẳng định rằng: "Chúng tôi không chiếm của ai, nhưng đất đai của người Palestine thì phải đòi lại. Thế hệ này không xong thì thế hệ tiếp, hon 10 triệu người Palestine đang lang thang trên khắp thế giới phải có trách nhiệm đòi lại đất đai của tổ tiên đã để lại".

          Thời gian trôi nhanh như "chó chạy lụt", thoắt cái mà chúng tôi đã bị "cầm tù" ở Jordan sang ngày thứ 6. Trong khi chúng tôi chán nản và quyết định ngày sẽ bay về nước thì bên Palestine, Đại sứ Saadi cũng lồng lên đi giải quyết việc cấp giấy phép cho chúng tôi. Hóa ra chúng tôi sốt ruột một thì ông còn sốt ruột mười. Chính vì thế mà mỗi lần điện thoại nói chuyện với ông, phóng viên Quỳnh không bao giờ dám hỏi đến giay phep mà vòng vo hỏi thăm… “sức khỏe”. Là người tế nhị, ông rất hiểu nỗi lòng của chúng tôi cho nên luôn có những lời động viên và khẳng định chắc chắn chúng tôi sẽ được vào Palestine.

 Ngày 16-5, hình như “chán” cái mặt chúng tôi quá và cũng là lấy chỗ cho đoàn khách khác nên Ban Giám đốc “nhà tù 5 sao” Bristol đã yêu cầu chúng tôi dọn đi nơi khác. Và thế là nhân viên Sứ quán Palestine tại Jordan phải đưa chúng tôi đến một khách sạn khác, thứ hạng chỉ có 3 sao. Tối hôm đó, cả đoàn “xơi” mì ăn liền và cháo hộp mang đi phòng lúc thất cơ lỡ vận.

 Chúng tôi quyết định nếu ngày 17 không có giấy phép vào Palestine thì sẽ đổi vé máy bay về nước. 16 giờ ngày 17 (giờ Jordan, khoảng 20 giờ Hà Nội), tôi gọi điện thoại về Hà Nội để cơ quan đổi vé cho bay chuyến chiều ngày 19. 16 giờ 15 phút, cánh cửa phòng tôi bỗng bật mở. Quỳnh và Duy lao vào, nhảy lên, hét to: “Có giấy phép rồi. Chuẩn bị hành lý. 15 phút nữa lên đường”.

 Đúng là “vật cùng tắc biến”, đến phút chót lại có sự đổi thay tốt đẹp. Vui là có giấy phép , được vào Palestine, nhưng lại tiếc hùi hụi cú điện thoại trị giá gần 5 đôla để báo cho cơ quan không đổi vé. Thế là chỉ nửa tiếng sau chúng tôi lên đường ra cửa khẩu Jordan sang Israel. Lúc này, bên cạnh sự vui mừng là đã được sang Palestine thì lại có một nỗi lo ngại nữa, đó là việc sẽ bị an ninh cửa khẩu Israel khám xét.

 Tôi đi nước ngoài cũng đã nhiều và cũng đã bị khám xét khá kỹ lưỡng ở sân bay một số nước châu Âu, thậm chí có nơi họ còn bắt cởi cả quần dài để kiểm tra, cho nên, cũng cảm thấy chẳng có gì phải đáng ngại cả. Nhưng Quỳnh và Duy đã từng một lần sang Israel thì cho đến bây giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi lần khám xét mà theo hai anh là thực sự quái gở. Không những họ dùng máy soi hành lý mà họ còn lục tung đồ đạc, lần kỹ từng gấu áo, gấu quần, giở từng trang sổ tay. Rồi thậm chí có quyển sách còn được họ photocopy lại trang bìa như thể đây là một tài liệu gì ghê gớm lắm. Họ còn bắt mở máy tính rồi kiểm tra phần mềm và dữ liệu trong đó. Hai phóng viên đi sang Israel theo lời mời của họ, vậy mà bị khám xét gần 2 tiếng đồng hồ thì quả thật là hãi hùng.

 Tới cửa khẩu Jordan, việc làm thủ tục tuy hơi lâu nhưng cũng diễn ra suôn sẻ và chỉ sau 10 phút xe chạy thì chúng tôi đã tới cửa khẩu của Israel vào lúc 17 giờ 41 phút. Và tại đây chúng tôi đã chứng kiến được một sự ngỡ ngàng. Các nhân viên an ninh cửa khẩu Israel với thái độ thân thiện, cởi mở và hết sức ân cần chỉ dẫn cho chúng tôi cách làm thủ tục. Họ chỉ hỏi có hai câu chiếu lệ: “Có mang vũ khí theo không?” và “Có ai ở Jordan gửi gì không?”, tất nhiên là chúng tôi trả lời: “Không”. Tất cả việc khám xét chỉ có vậy, hành lý không bị soi, không phải mở ra khám. Duy nhất có một việc hơi phiền toái đó là ông Nguyễn Ngọc Hùng, phóng viên Duy và Mỹ Hạnh của Báo Quân đội không mang theo ảnh 3×4. Nhân viên an ninh cửa khẩu đưa 3 người đi chụp ảnh để gắn vào visa rời. Cái giá của mỗi tấm ảnh này là 15 đôla! Nửa tiếng sau chúng tôi đã qua cửa khẩu Israel và khi ngồi trên xe chúng tôi vẫn không hết ngạc nhiên rằng tại sao hôm nay an ninh cửa khẩu Israel lại thoáng đến thế. Đây quả thực là một sự khó hiểu.

 Vậy là chúng tôi đã đặt chân lên đất Palestine và là đoàn nhà báo Việt Nam đầu tiên đến được Palestine, từ cửa khẩu về Ramallah - nơi được coi là "thủ phủ" của chính quyền) Palestine - chỉ khoảng 70 cây số, đường sá cực kỳ tốt, xe luôn chạy ở tốc độ 120km/giờ. Hai bên đường toàn một màu vàng xám của sa mạc và núi đá thấp. Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một bóng cây hoặc những khu vườn cây chà là, cây ô liu. Chỉ sau 50 phút xe chạy, chúng tôi đã tới khách sạn Movenpick - một khách sạn 5 sao mới được khánh thành trước đây 8 tháng. Đại sứ Saadi và một số nhà báo của các nước Arập mà chúng tôi biết mặt sang được Israel trước đó mới chỉ một ngày ùa ra đón các nhà báo Việt Nam. Thật ấm áp và nồng hậu. Ngoài cửa khách sạn, những lá cờ Palestine và Arập vẫn được hạ xuống 1/3 cột, bởi vì Palestine vẫn đang trong những ngày Quốc tang 13 nạn nhân bị Israel bắn chết trong 3 ngày trước.

   

 Kỳ III

 Lịch sử viết bằng máu của người Palestine

 Thành phố Ramallah đẹp là thế, nên thơ là thế, ấy vậy mà đi ở đây, tôi cứ luôn bị cảm giác như đang ăn cơm nhai phải sạn, như bị ném cát vào mắt?

 Buổi sáng ở thành phố Ramallah thật nên thơ. Trời se lạnh hệt như Hà Nội vào cữ đầu đông. Gió lùa hun hút nhưng bầu trời lại chẳng có gợn mây. Thành phố rất có duyên và giống hệt Đà Lạt với những con đường quanh co đèo dốc, những cánh rừng thong được giữ gìn cẩn thận, những vườn cây ô liu có ở khắp nơi trong thành phố. Những cây ô liu cổ thụ có tuổi hàng trăm năm nom như một ông lão quắc thước, từng trải và vững chãi, có ở khắp nơi tạiRamallah. Lá cây ô liu nhọn nhỏ và có hai màu, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu xanh hơi bạc.

 Ở vùng sa mạc và đồi núi vô cùng cằn cỗi, có lẽ chỉ cây ô liu là sống được mà không cần có sự chăm sóc của con người. Nghe nói rễ cây ô liu có thể xuyên vào lòng núi hàng trăm mét để hít lấy hơi ẩm nuôi cây. Cây ô liu có nhiều loại và tất cả các quốc gia vùng ven biển Địa Trung Hải đều có. Nhưng ô liu chất lượng tốt nhất thì chỉ có ở Palestine. Quả ô liu được người dân sử dụng làm thực phẩm, ép lấy dầu để ăn, để thắp sáng từ hàng ngàn năm trước. Mùa này, ô liu đang ra hoa và phải bốn tháng nữa mới vào vụ thu hoạch.

 Thành phố Ramallah đẹp là thế, nên thơ là thế, ấy vậy mà đi ở đây, tôi cứ luôn bị cảm giác như đang ăn cơm nhai phải sạn, như bị thằng nào ném cát vào mắt?

 Ấy là vì những bức tường do Israel dựng lên và tất nhiên là chẳng theo một thứ quy hoạch kiến trúc nào cả. Chỗ nào có người Do Thái sinh sống thì họ quây luôn lại và bức tường được coi là tường thành để bảo vệ. Ngoai nguoi Israel, ai ra vào đó phải qua cổng và bị khám xét cực kỳ nghiêm ngặt, chỗ thì tường cao 4m, chỗ thì 6m và có chỗ tường cao 8m. Quả thật, trên thế giới không đâu có cái chuyện quái quỷ và bất công đến như thế này.

 3.500 năm trước Công nguyên, Palestine là đất của của người Canaen thuộc dòng Semite sinh sống. Nhưng khoảng từ 1.200 năm trước Công nguyên, người Philistines từ đảo Crete đến và đổi tên vùng này thành Palestine. 200 năm trước Công nguyên, người Do Thái cũng đến vùng đất này và từ đó, mâu thuẫn giữa Ramahai dân tộc không ngừng phát sinh. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Anh xâm chiếm Palestine và đặt ách thống trị lên vùng đất này. Nhiều cuộc kháng chiến chống quân Anh nổ ra và khi đã hoàn toàn dẹp bỏ được, cầm quyền Anh đã ra lệnh cấm tiệt dân Palestine không được sử dụng vũ khí, dù chỉ là vũ khí săn bắn. Năm 1917, thực dân Anh bắt đầu đưa người Do Thái về Palestine. Năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181/II chấm dứt sự bảo hộ của Anh đối với Palestine và chia quốc gia này ra làm 2, một phần cho Palestine, một phần cho người Do Thái, nhưng duy trì liên minh kinh tế giữa hai bên.

 Ngày 15-5-1948, Nhà nước Israel được sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế của Anh, Mỹ đã tuyên bố thành lập. Một số nước Arập đã bác bỏ Nghị quyết 181/II và tuyên bố chiến tranh chống lại Israel. Chỉ hai ngày sau khi Nhà nước Israel được thành lập, các nước Arập đã đồng loạt tấn công từ nhiều phía. Nhưng Israel, với sự hỗ trợ tối đa của Mỹ, Anh, một Nhà nước của người Do Thái, đã kết lại thành một khối sức mạnh to lớn trong khu Trung Đông. Điều trớ trêu là Israel càng đánh càng mạnh, còn các nước Arập càng đánh càng thua… Và hậu quả là qua 4 cuộc chiến, Israel đã chiếm đóng toàn bộ phần đất mà Liên Hợp Quốc chia cho Nhà nước Palestine theo Nghị quyết 181/II. Israel lùa toàn bộ người Palestine ở 32 khu vực trên toàn lãnh thổ về các trại tị nạn khổng lồ. Gần 5 triệu người Palestine phải bỏ chạy và lang bạt khắp thế giới làm tị nạn.

Liên Hợp Quốc cũng đã ra những Nghị quyết 242, 338 quy định Israel phải rút quân ra khỏi các vùng đất đã chiếm đóng, chấm dứt chiến tranh ở Trung Đông, giải quyết các vấn đề về người tị nạn. Nhưng các nghị quyết này thực chất là chỉ nhằm bảo vệ Nhà nước Do Thái mà phớt lờ quyền tự quyết của nhân dân Palestine. Còn Israel, được Mỹ sử dụng như một tên lính xung kích nhằm kiềm chế sự phát triển của các nước Arập và trở thành tiền đồn chống lại Iran, Iraq đã không ngừng lớn mạnh. Cho tới nay, Israel đã có lực lượng quân sự trang bị cực kỳ hiện đại, thiện chiến, có trình độ tổ chức cao, có nền công nghiệp quốc phòng, an ninh vào bậc nhất thế giới. Trong xây dựng kinh tế, Israel cũng thu được nhiều thành tựu đáng khâm phục, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Còn Palestine, không chịu nổi ách áp bức của Israel, nên từ năm 1958, tổ chức Al-Fatah là Tổ chức cách mạng đầu tiên được thành lập. Tháng 5-1964, Hội đồng Dân tộc Palestine (PNC) đã họp và tuyên bố thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Từ đó PLO là người đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine. Và cũng từ đó, cuộc đấu tranh của người Palestine với Israel được tiến hành bền bỉ. Đối chọi với xe tăng, máy bay, đại bác của Israel, người Palestine chủ yếu dùng vũ khí nhẹ và… gạch đá! Tất nhiên là Israel dễ dàng bóp chết tất cả những cuộc tấn công theo kiểu du kích của PLO. Mỹ và một số nước phương Tây đã từng có thời kỳ liệt PLO vào là tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.

Theo những số liệu chưa chính xác thì từ năm 1964 cho tới 1988, đã có 750.000 lượt người Palestine bị Israel bắt cầm tù, còn số người bị giết có lẽ chỉ có Chúa Jesus và Thánh Alah mới biết! Hầu như nhà nào cũng có người từng bị bắt tù từ 3 năm trở lên; còn các quan chức của chính quyền các cấp Palestine, có lẽ cứ 10 người thì phải có tới 6 người từng… bị tù. Hôm chúng tôi tới ăn cơm tại nhà một người bạn của Đại sứ Saadi, thì 9 người bạn của Đại sứ tại đây đều có thâm niên ít nhất là 6 năm tù, còn người nhiều là 15… năm. Họ kể cho chúng tôi nghe vô vàn chuyện về cuộc sống nhà tù và các cách thức tra tấn của lính Israel.

Năm 1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập. Rồi sau khi Chủ tịch Y.Arafat qua đời và khi ông M. Abbas được bầu làm người thay thế thì đã mở ra thời kỳ mới cho cơ hội hòa bình giữa hai nhà nước. Năm 2005, Israel đơn phương rút khỏi 21 khu định cư của người Do Thái ở dải Gaza và 4 khu bờ Tây sông Jordan.

 Nhưng lịch sử thật trớ trêu, năm 2006, Phong trào Hồi giáo Hamas giành thắng lợi bất ngờ tại cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp và thay đổi chính sách với Israel. Giữa Hamas và Fatah mâu thuẫn cực kỳ căng thẳng về quan điểm giành độc lập. Fatah muốn dùng biện pháp hòa bình, Hamas muốn đánh nhau vũ trang… Thật đúng là nước với lửa, chẳng thể dung nhau. Hamas tiến hành chiến tranh, không công nhận Nhà nước Do Thái… Và một trong những phương thức đấu tranh chủ yếu của phong trào này là bắt cóc, đánh bom tự sát theo kiểu khủng bố. Vậy là cuộc chiến tranh mới lại nổ ra và tất nhiên là Israel đã đập tan tất cả. Nhiều thủ lĩnh Hamas bị trực thăng Israel phóng tên lửa bắn chết ngay trên ôtô khi đang chạy giữa phố phường đông đúc…

 Và từ đó Israel đã tăng cường cac cuoc tan cong chong lai nguoi Palestine . Còn Hamas ngày càng bị cô lập bởi họ đã tự biến mình thành tổ chức có kiểu đấu tranh vũ trang “chẳng giống ai” và “bá đạo”. Lính Israel thích bắt người Palestine lúc nào thì bắt. Họ có mạng lưới cơ sở đặc tình nằm trong cộng đồng người Palestine rất dày đặc,chính vì vậy, mà lính Israel có thể dễ dàng nắm được “lý lịch trích ngang” của những người chống đối và hay biểu tình, ném đá, ném bom xăng… Cũng vì Hamas mà Mỹ, cùng các nước EU và Israel cắt viện trợ, phong tỏa tài chính khiến nền kinh tế Palestine càng thêm khốn khó. Israel kiểm soát tất cả, từ tiền thu thuế, đến việc buôn bán nông sản, nhập khẩu hàng hóa và xuất nhập cảnh. Bất cứ ai, dù là quan chức cấp cao của Palestine, nếu không được phép của Israel thì đừng hòng ra khỏi lãnh thổ. Ôi, nước mất không có chủ quyền nhục thế đấy.

 Chúng tôi đi đến một số khu tị nạn của người Palestine và được chứng kiến cảnh sống khốn khổ của người dân. Tất cả cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ của Liên Hợp Quốc và lòng hảo tâm của các nhà từ thiện cùng sự trợ giúp của chính quyền Palestine. Nạn thất học và thất nghiệp đang ngự trị ở những nơi này. Nền kinh tế của Palestine chủ yếu dựa vào viện trợ, thu thuế hàng hóa của Israel xuất khẩu, nông nghiệp và dịch vụ, quan trọng hơn nữa là nguồn tiền người Palestine từ nước ngoài gửi về. Tôi cũng thực sự ngạc nhiên khi được Đại sứ Saadi cho biết là bình quân đầu người của Palestine khoảng 3100USD một năm. Chả thế mà suốt một tuần ở Palestine, tôi chỉ nhìn thấy có… 2 chiếc xe máy, trong đó 1 chiếc của cảnh sát. Hầu hết nhà nào cũng có ít nhất một ôtô và các siêu thị đầy ắp các loại hàng hóa. Nhưng giá cả ở đây cũng rất… trên giời: 2 đôla cho một lít xăng, 1,5 đôla cho một chai nước trắng nửa lít; 20 đôla một kg thịt bò; 12 đôla cho một kg thịt gà… Thuốc lá và rượu lại còn đắt khủng khiếp: 5 đôla cho một bao thuốc Marlboro; 20 đôla cho một chai rượu vang loại “không có tên tuổi” 150ml… Khi tôi hỏi một người quản lý khách sạn nơi chúng tôi ở rằng sao đắt thế, thì anh ta trả lời nhẹ như không: “Đó là những thứ độc hại. Việc gì phải bán rẻ. Ai thừa tiền, thích chết thì cứ mua!”. Ô, cái lý này xem ra cũng hay đấy chứ? Cứ dùng chính sách thuế mà trị, việc quái gì mà phải như Việt Nam, suốt ngày tuyên truyền hút thuốc là độc hại, uống rượu bia có hại cho sức khỏe, trong khi các nhà máy bia rượu, thuốc lá luôn khoe sản lượng và tìm cách vận động, khuyến khích người dân hút, uống!

 Từ hôm 15/5 là Ngày Quốc khánh của Israel và cũng là Ngày Thảm họa của Palestine, các cuộc biểu tình nổ ra liên miên. Được biết vào ngày thứ sáu, sẽ có cuộc biểu tình phản đối Israel xây tường rào chia re tren lanh tho cua Palestine tại một làng ngoại thành Ramalah, chúng tôi bèn kéo nhau đi. Tới nơi, mới biết cuộc biểu tình này do chính người… Israel và Palestine cùng đông đảo người nước ngoài tổ chức. Họ là những sinh viên, những người của các đảng phái đối lập với chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Những người này đóng vai trò thủ lĩnh, còn những người Palestine là theo hỗ trợ. Trong số hàng trăm người này thì nhiều người Israel và cả những người ở các nước khác mà chưa tham gia biểu tình lần nào, chưa “hít” hơi cay, chưa dính đạn cao su của Israel thì được dự một “khóa học… siêu tốc” về cách phòng chống đạn cay, nước thối… do một anh chàng người Israel giảng dạy. Quỳnh và Duy biết tiếng Anh thì dự với vẻ chăm chú, còn tôi… mặc kệ! Sau một tiếng đồng hồ lên lớp, đoàn biểu tình lên đường đi ra biên giới. Phóng viên một số hãng thông tấn và của Palestine do có quá nhiều kinh nghiệm đối phó với đạn cay của Israel nên họ mang theo mặt nạ phòng độc, hoặc chí ít cũng có khăn mặt thấm nước. Tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò reo của đoàn người biểu tình thật khí thế náo động cả một vùng quê yên tĩnh. Một nhóm thanh niên vớ được chiếc lốp xe tải vứt ven đường, thế là họ hăng hái vần đi. Tôi thắc mắc, họ sẽ làm gì với chiếc lốp xe này? Chả lẽ biến nó thành vũ khí? Tới hàng rào ngăn cách, đã nhìn thấy một chiếc xe vòi rồng đỗ sẵn, còn lính Israel trang bị tận răng đứng chờ sẵn. Tôi đồ rằng “chiến sự” sẽ xảy ra khi người biểu tình xông lên giật đổ hàng rào hoặc ném đá thì lúc đó lính Israel mới ra tay, vì thế tôi lên phía trước và đứng trên một mô đất cao và “thản nhiên” chĩa ống kính máy ảnh về phía Israel. Ngoảnh lại thì chẳng thấy có tay nhà báo nào phía sau mình mà họ đang núp hết dưới những gốc cây ô liu cổ thụ cách đó đến… ba trăm mét. Thấy vậy, tôi cũng giật mình vì thấy mình trơ trọi quá. Một tốp người biểu tình tiến đến gần sát hàng rào và hô khẩu hiệu. Bỗng thấy chiếc xe vòi rồng rú ga và nhanh như chớp, mấy người biểu tình ù té chạy và họ đã kịp thoát khỏi tầm của vòi nước phóng thẳng tới. Chỉ thoáng chốc, không gian ngập ngụa một mùi thối không thể tả được, hệt như đang đứng giữa ruộng rau mà vừa được tưới phân tươi. Lúc này thì tôi thấy hãi vì sợ cái mùi thối khủng khiếp. Chưa kịp lùi thì lại một nhóm nữa xông lên ném đá và chiếc xe lại gầm lên… Nước lại phóng tới. Lần này, luồng nước quét qua chỗ tôi vừa đứng và tôi cảm thấy hơi “man mát” ở cánh tay. Rồi tiếp đó là tiếng súng nổ dữ dội. Từng quả đạn cay bay cầu vồng vẽ những đường khói trắng lao bổ xuống đám người, kèm theo đó là loại đạn nổ gây âm thanh chấn động khiến ù cả tai. Một quả đạn cay bùng khói ngay trước mặt, đang đà chạy, tôi lao qua màn khói. Thế là ngay lập tức, mắt tôi rát bỏng, ngực như bị đè cả chiếc cối đá lên, tức không thở được và cả người rát như bị xát lông sâu róm… Mắt nhắm tịt, tôi lảo đảo chạy thoát ra khỏi tầm đạn cay và Duy đang ở dưới gốc ô liu vội lôi tôi vào, nhưng vẫn kịp bấm mấy kiểu ảnh. Sau khi được ông bác sĩ cho hít một thứ nước gì đó, tôi thấy nhẹ nhõm hơn và mắt đỡ rát. Đạn cay phóng đến tới tấp. Người biểu tình chạy dạt vào rừng ô liu và khi thấy hết khói đạn cay, họ lại tập hợp, xông lên… Nhưng cứ cách hàng rào khoảng trăm mét là lại bị tấn công bằng đạn cay và họ lại chạy… Chúng tôi lên ô tô trở về khách sạn. Lúc này, tôi mới thấy “phảng phất” mùi… phân. Đúng là có bị dính nước thối, nhưng may là chỉ vài bụi nước. Nếu bị dội thẳng vào người thì không biết sự thể sẽ ra sao? Chẳng hiểu loại nước thối này chế bằng hóa chất gì, không những thối khủng khiếp mà còn lưu mùi cực lâu, không có loại nước hoa, xà phòng nào tẩy được. Đã có cô nhà báo nước ngoài bị dính nước thối ướt cả áo. Hậu quả là không khách sạn nào dám cho cô ta ở, máy bay cũng từ chối không chở; nhà hàng không cho cô bén mảng… Cuối cùng, cô đành thuê một căn nhà, sống lặng lẽ ở đó gần một tháng cho đến khi hơi thối trên người bay hết… Người Palestine đi biểu tình, sợ bị nước thối hơn hơi cay và đạn cao su.

 

Kỳ IV

 Kỳ lạ Palestine

 Những ngày ở Palestine, chúng tôi được chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ về con người, về đất đai, phong tục, tập quán, về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng có lẽ kỳ lạ hơn cả là khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu do Israel quản lý…

Đến Palestine tôi được chứng kiến nhiều chuyện, nhiều cảnh thật kỳ lạ. Đối đầu với những người Palestine khát khao có độc lập nhưng tay không tấc sắt là đội quân Israel cực kỳ tinh nhuệ, thiện chiến. Nhưng hình như họ - người Palestine và người Do Thái, vừa là thù và cũng vừa là… bạn? Trong hơn 100 ngàn người Palestine hàng ngày vào làm ở các nhà máy, các nông trường, các khu định cư của người Do Thái thì cũng không ít người thành đạt và có cuộc sống khá giả, thậm chí họ còn trở thành bạn bè của nhau. Đi trên các nẻo đường Palestine, chỗ nào cũng thấy những tốp lính Israel trang bị súng ống đầy đủ và sẵn sàng xả đạn vào bất cứ ai nếu như họ cảm thấy đối tượng đó có hành vi “khác thường”. Chúng tôi còn được khuyến cáo là chớ có chụp ảnh lén lính Israel vì họ luôn cảnh giác cao độ. Giơ máy lên mà họ tưởng giơ súng là… xong đời đấy! Bao lâu nay, xem tivi, đọc sách báo, tôi cứ tưởng đa phần người Palestine sắp chết đói đến nơi và đất nước này điêu tàn trong máu lửa… Nhưng hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của người mới tới. Đúng là có chết chóc, có chiến tranh - một cuộc chiến tranh không tuyên bố kéo dài triền miên với đủ loại thủ đoạn, nhưng bên cạnh đó lại là khung cảnh bình yên đến… hiếm có. Đường phố Ramallah và các thành phố khác đều sạch sẽ, thưa thớt người qua lại. Các khu du lịch nổi tiếng ở Bethlehem, Jericho; Jerusalem… luôn đầy ắp người từ nước ngoài đến hành hương, thăm viếng nơi Chúa Jesu ra đời hoặc đến nghỉ ngơi chữa bệnh. Theo bà Tiến sĩ Khouloud Daibes, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khảo cổ học Palestine thì hàng năm, có khoảng 2 triệu người đến du lịch và trung bình mỗi người tiêu 900 đôla. Doanh thu của ngành du lịch góp 15% cho ngân sách nhà nước. (Palestine có diện tích hơn 11.000km2 và hơn 4.5 triệu dân dang song tren lanh tho bi chiem dong ). Không hiểu rồi sau này khi có Nhà nước Palestine độc lập, không bị Israel hành hạ thì khách du lịch sẽ tới đây đông như thế nào? Trong những ngày ở đây, gặp ai, dù là quan chức hay dân thường, dù là ông già hay trẻ em, câu đầu tiên tôi được nghe là “ua căm pa lét tin na” (Welcome to Palestine) - Chào mừng đến Palestine! Giơ máy ảnh lên chụp ai cũng được, họ tươi cười, thậm chí sẵn sàng “làm diễn viên” cho chúng tôi. Điều này khác hẳn với Jordan. Ở Jordan, câu nói chúng tôi hay gặp tại khu du lịch là “oăn đôla” (one dollar) - Một đôla. Nghĩa là giơ máy ảnh lên chụp bất cứ ai, đều bị họ đòi “oăn đôla”. Cái kiểu đòi tiền này tôi cũng thấy nhiều ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ở Palestine, có một nơi chữa bệnh tuyệt vời và nghe nói chữa được cả bệnh… vô sinh của nam giới. Đó là thành phố Jericho, nơi được gọi “cái rốn của trái đất”. Số là thành phố này ở bên bờ Biển Chết, nằm sâu dưới mực nước biển 400m. Hôm chúng tôi tới Tòa thị chính, Thị trưởng thành phố, ông Majed Al Fytyani tự hào chỉ xuống chân với chúng tôi mà rằng: “Các bạn đang đứng ở độ sâu 327m dưới mực nước biển”. Rồi ông cho chúng tôi hay là do ở độ sâu như vậy nên hình như khí ôxy… “của cả… thế giới dồn vào cái rốn của trái đất”, cho nên lượng ôxy ở đây cao hơn bình thường là 7%. Hoa quả, rau củ nơi đây cũng ngon hơn nơi khác, đặc biệt là quả chà là. Rồi do lượng ôxy cao mà người dân ít ốm đau, bệnh tật, tuổi thọ bình quân của người dân nơi đây cao hơn đến chục năm so với các nơi khác. Đặc biệt là đàn ông nơi đây có khả năng “giường chiếu” rất tiềm tàng. Họ không có khái niệm về căn bệnh vô sinh, chính vì thế mà tỉ lệ sinh đẻ vùng này lên ngót… 4%. Ra đường mà thấy con gái vẫn mặt hoa da phấn nhưng dắt díu theo 3-4 đứa con lít nhít thì đó là hình ảnh thường thấy. Nghe chuyện này tôi thầm nghĩ tới cái thảm họa đàn ông Việt Nam sắp không… biết đẻ. Ồ, nếu Palestine mà yên ổn, không biết chừng, đàn ông Việt Nam kéo nhau sang đây chạy chữa cũng nên. Năm rồi, vào ngày 10-10-2010, Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng chính vào ngày đó, Jericho cũng tưng bừng mở hội mừng thành phố… 10.000 năm tuổi! chả hiểu sao họ lại có ngày tháng ấy. Ngay tại Tòa Thị chính, ông Majed đưa chúng tôi sang thăm phòng mà ngày trước Chủ tịch Y.Arafah đã từng có thời gian ở đây. Trong phòng chẳng có vật dụng gì đắt tiền mà chỉ có những tủ sách cùng ảnh các cộng sự của ông. Trong số này, nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Ở Ramallah, mộ của Chủ tịch Y.Arafah cũng rất giản dị và ngày nào cũng có người đến đặt hoa viếng. Ngay ngoài cổng vào, có một tấm biển đề Jerusalem - 14,63km. Ước mơ của Chủ tịch Y.Arafah là ngôi đền ấy sẽ phải thuộc về người Palestine và mục tiêu của mọi người dân Palestine là phải chiến đấu để lấy lại ngôi đền. Nhưng không chỉ có nơi này mới có tấm biển đề như vậy, mà rất nhiều nơi trong thành phố, kể cả ở trại tị nạn cũng có những tấm biển tương tự với các khoảng cách khác nhau.

          Nói về Jerusalem, tôi nhớ đến một đoạn viết trong tác phẩm “Cuộc chiến không kết thúc” của nhà báo Anton La Guarian viết về Israel và Palestine, khi đề cập đến ngôi đền Jerusalem: “Các nhà hiền triết Do Thái đã nói rằng: thiên hạ có mười phần đẹp thì Jerusalem vinh dự có được chín, có mười phần khổ đau thì Jerusalem phải chịu chín, có mười phần thông thái thì Jerusalem giành lấy chín và mười phần ác độc thì Jerusalem vô phúc có đến chín”. Càng ngẫm càng thấy đúng về người Do Thái! Ở Palestine (và nhiều nơi khác ở vùng Bắc Phi, Trung Đông), những thành phố có tuổi thọ từ… ba ngàn năm trước Công nguyên nhiều vô thiên và người dân giữ gìn vốn cổ cực kỳ tốt. Tại Bethlehem, chúng tôi tới thăm nhà thờ Chúa Giáng sinh, nơi có máng cỏ mà Chúa Jesu đã được sinh ra. Tôi thực sự kinh ngạc, không hiểu là từ hơn 2.000 năm trước, người ta dùng công nghệ gì để sản xuất những viên gạch men lát nền với màu sắc hoa văn như thật và đến giờ vẫn còn nét tươi mới. Ngày nào cũng có từng đoàn người xếp hàng vào để được chui xuống hầm sâu, sờ vào nơi Chúa Jesu đã được nằm khi mới sinh.

          Các thành phố ở Palestine khá hiện đại và đan xen mới - cũ khá hài hòa. Mạng di động ở Palestine cực tốt. Đi đến bất cứ chỗ nào, dù đó là giữa sa mạc mênh mông hay đồi núi heo hút, đều có sóng di động đầy ăm ắp. Người Palestine rất có ý thức trong việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện. Hầu như nhà nào cũng có bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, tất cả các thùng chứa nước đặt trên nóc nhà đều là nhựa màu đen để hấp thụ nhiệt. Nước ở Palestine quý hơn tất cả. Bây giờ ở các nông trại, người ta tưới nước theo công nghệ mới, nghĩa là nhỏ từng giọt vào gốc cây theo từng thời gian nhất định và được điều khiển bằng máy tính. Trong những ngày ở Palestine, có một thứ mà tôi không hề nhìn thấy, đó là tuyệt nhiên không thấy một con sông, dòng suối, một mảnh ao hồ nào cả. Có những khu vực mà đứng trên cao nhìn xuống, ngàn dặm không một ngọn cỏ. Tất cả chỉ là một màu vàng ệch khô cằn của núi và cát.

          Nhưng có chuyện này mới thật đáng nói. Ấy là hiện nay, tại một số vùng nông thôn của Palestine đang có phong trào làm nhà… sinh thái. Và một tiêu chuẩn sinh thái đó là dùng hố xí… hai ngăn(?!). Họ tự hào khoe rằng, đây là sáng kiến của các nhà môi trường Bồ Đào Nha đang được áp dụng tại nơi này. Và họ vui mừng khi thấy cây cối cho hoa quả bội thu nếu được bón phân đã ủ sau 6 tháng. Họ cũng vui mừng khi thấy nếu sử dụng loại hố xí này, nguồn nước ngầm ít có nguy cơ ô nhiễm… Nếu đúng, thì đích thị các nhà môi trường Bồ Đào Nha đã “ăn cắp” bản quyền hố xí hai ngăn của Việt Nam ta. Thế hệ trẻ bây giờ, chắc chắn chẳng mấy ai biết, từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã nghĩ ra hố xí hai ngăn và áp dụng trên toàn vùng nông thôn miền Bắc. Nguyên tắc cực kỳ đơn giản: Xây hai ngăn. Một ngăn vệ sinh vào đó rồi thêm ít tro bếp… Khi nào đầy thì bịt kín, ủ lại và lại sử dụng ngăn bên cạnh. Khi ngăn bên đầy thì cũng là lúc phân ở ngăn trước đã hoại, mục và không còn mùi nữa. Thứ “phân bắc” này đem bón ruộng thì… thôi rồi… lúa ơi”. Phong trào xây dựng hố xí hai ngăn phát triển đến mức đã trở thành cảm hứng cho nhà thơ vùng quê. Họ đã có câu thơ “mộc mạc” đến thế này: “Chẳng tham lắm bạc lắm vàng. Chỉ tham hố xí nhà nàng… lắm phân!”. Nhưng cũng thật bi kịch cho nhà nông Việt Nam là bây giờ. Nhà nhà đua nhau xây hố xí tự hoại, thế là ô nhiễm nguồn nước, còn cây trái, lúa má thì cứ xơi phân đạm… Thậm chí nhà tái định cư cho người dân tộc ở vùng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… ở chênh vênh sườn dốc, nước ăn phải cõng từng ống bương leo núi tức ngực mới mang về được, cũng “bị” các nhà kiến trúc sư dưới xuôi thiết kế cho… hố xí tự hoại! Khổ cho bà con thế chứ.

          Palestine có trình độ dân trí khá cao. Ngoài hơn 5 triệu người Palestine tị nạn sống ở nhiều nước trên thế giới, có hơn 4.5 triệu dân sống ở 16 tỉnh, thành phố nhưng có 18 trường đại học và trường nổi tiếng nhất là Đại học Birzeit, nằm ở ngoại ô Ramallah. Chưa biết chất lượng dạy và học ở đây ra sao nhưng cơ ngơi của nhà trường với hàng chục tòa nhà riêng biệt thì tôi dám chắc rằng không có một trường đại học nào hiện có ở Việt Nam có thể bằng. Nhìn bãi xe ôtô có tới hàng trăm chiếc, tôi hỏi cô gái ở khoa Truyền thông đưa chúng tôi đi và sững sờ khi cô cho biết hầu hết là xe của… sinh viên. Học sinh nào không có xe đến trường thì có thể đi xe taxi của nhà trường đưa đón. Khoa Truyền thông ở đây có đủ các bộ môn: Báo viết, Phát thanh, Truyền hình, Quan hệ công chúng… và được tổ chức, học tập hệt như cách giảng dạy của Trường Báo chí Lille ở Pháp. Mỗi năm, khoa này cho ra trường…  500 thạc sĩ. Chẳng hiểu với số người ra trường đông như vậy, họ kiếm công ăn việc làm ở đâu? Nhưng có một thực tế là rất nhiều sinh viên Palestine khi tốt nghiệp đã sang các nước phương Tây làm việc. Sinh viên các trường đại học của Palestine, khi tốt nghiệp đều thông thạo chí ít hai ngoại ngữ, trong đó bắt buộc có tiếng Anh.

          Các thành phố của Palestine đều đẹp và có duyên như… con gái Palestine. Do đất rộng, người ít nên nhà cửa ở đây rất thoáng, hiếm có chuyện hai nhà xây giáp tường nhau (trừ khu phố buôn bán cổ kiểu Hàng Ngang, Hàng Đào của ta). Chúng tôi đến một làng ven thành phố, nơi người dân sống bằng nghề trong ô liu và chăn nuôi. Mỗi gia đình trong làng đều ở nhà như kiểu biệt thự xây hai hoặc ba tầng, nom nhang nhác như khu… Ciputra của Hà Nội? Trong hoàn cảnh bị Israel kiềm chế áp bức, tình hình chính trị trong nước luôn có những bất ổn suốt bao nhiêu năm nay, nhưng điều kỳ lạ là các quy định của luật pháp, về kinh tế, về xây dựng và quản lý đô thị được thực hiện rất nghiêm chỉnh. Các thành phố của Palestine được quy hoạch đâu ra đấy, rất hiện đại và mang bản sắc của người Arập rõ ràng. Palestine không có đất nhưng lại thừa đá, vì thế hầu hết nhà được xây bằng đá xẻ, hoặc tường đổ bê tông rồi ốp đá bên ngoài. Ở Palestine, rất hiếm có chuyện trộm cắp, cướp giật, mặc dù tỉ lệ người thất nghiệp khá cao, nạn nghiện hút thì càng không có và cũng chẳng có chuyện nghiện ngập rượu chè cờ bạc. Trong thời gian chúng tôi ở Palestine, duy nhất có một lần chúng tôi được uống nửa lon bia tại nhà một ông nguyên là cố vấn của Chủ tịch Y.Arafah, còn không thể tìm đâu ra rượu, bia. (Siêu thị có bán bia nhưng là bia không độ). Tình trạng gái mại dâm cũng tuyệt nhiên không thấy, kể cả ở các vũ trường. Vào tối thứ sáu hằng tuần, nam thanh nữ tú kéo đến vũ trường và ai cũng đi với bạn, với người yêu, hoặc cả gia đình tới… Họ uống trà, cà phê, nhảy múa tưng bừng thâu đêm. Không hề có một bóng gái gọi ở các chốn này.

          Những ngày ở Palestine, chúng tôi được chứng kiến nhiều chuyện kỳ lạ về con người, về đất đai, phong tục, tập quán, về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng có lẽ kỳ lạ hơn cả là khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu do Israel quản lý… Vẫn những nụ cười nhã nhặn. Vẫn những thái độ ân cần, chu đáo và cẩn trọng của nhân viên an ninh, nhưng chúng tôi phải trả 50 đôla để được ra khỏi mảnh đất huyền thoại và quái gở nhất thế giới này!