Trang chủ Giới thiệu Palestine Các bài báo về Palestine Palestine - Bí ẩn và lạ lẫm (Kỳ 1)

Palestine - Bí ẩn và lạ lẫm (Kỳ 1)

Thứ sáu, 07 Tháng 3 2014 10:01

Các bài viết của Nhà nghiên cứu NGUYỄN NGỌC HÙNG

Nhà nghiên cứu về Arập, Trung Đông và Hồi giáo

Kỳ I

Kỳ bí Bờ Tây

Phần lãnh thổ Palestine nằm ở Bờ Tây sông Jordan đâu có xa xôi như châu Âu hay châu Mỹ, nhưng với người Việt Nam mình, xứ sở này cứ như một vùng đất đầy bí ẩn và lạ lẫm đến mung lung.

Gần nhà xa ngõ

Những năm gần đây, người Việt Nam mình đã có mặt tại nhiều quốc gia vùng Trung Đông mà thường được biết đến như là một phần của thế giới Arab. Thậm chí, đã có một số người đến Israel. Nhưng hầu như chưa một ai đặt chân tới lãnh thổ Palestine, cả Bờ Tây và Gaza! Quả là chuyện lạ có thật!

Có lẽ chỉ riêng từ “Palestine” thôi cũng đủ để người Việt Nam mình vừa thấy gần gũi vì đồng cảm, vừa không tránh khỏi một chút ái ngại khi nghĩ đến một chuyến đi du ngoạn. Vùng đất ấy, trong tâm trí người Việt Nam mình dường như chỉ toàn trại tị nạn, trong đó là những con người mất độc lập, tự do; không ngày nào không có biểu tình, ném đá chống quân đội Israel chiếm đóng. Ở đó thường xảy ra đánh bom liều chết và bắt bớ, tù đày… Nghĩa là Palestine đi liền với cảm giác về một vùng đất bất an, chẳng có gì để mà thăm thú, thưởng ngoạn.

Sự bí hiểm của miền đất này được minh chứng ngay từ thủ tục để có thể nhập cảnh. Gọi là đến thăm Palestine, nhưng lại phải được phép nhập cảnh do Israel cấp. Chả là, từ năm 1967 đến nay, Israel chiếm đóng toàn bộ phần đất Palestine ở Bờ Tây sông Jordan. Lãnh thổ này không có độc lập, mất luôn chủ quyền. Người Israel chiếm đoạt luôn quyền làm “chủ nhà”, cấm cửa bất cứ ai mà họ không muốn cho vào Palestine. Không thể đến Palestine ở Bờ Tây bằng đường bay, bởi không có một sân bay nào hoạt động trong khu vực mà Israel đã trao cho chính quyền Palestine kiểm soát về hành chính và trật tự. Đường bộ duy nhất để vào Bờ Tây- Palestine là từ phía Jordani. Vương quốc Jordani có quan hệ ngoại giao với Israel nên cửa khẩu đường bộ “Cầu Hussein” (mang tên nhà vua quá cố, cha của vua Abdullah II đang trị vị) được mở thường xuyên. Tuy nhiên, sự uy nghi, nghiêm mật đến lạnh sống lưng của khu vực cửa khẩu này khiến người qua lại liên tưởng đến một vùng đệm giữa hai quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh! Thủ tục kiểm soát ở cửa khẩu mỗi bên không đến nỗi căng thẳng lắm. Nhưng khung cảnh khu vực “đệm” giữa hai đồn cửa khẩu của đôi bên thì thật là gây cảm giác hãi hùng. Vùng đệm rộng đến cả cây số chạy dài suốt dọc đường biên giới. Trống vắng. Lạnh tanh. Con đường nối đôi bên có đến 2 trạm kiểm soát tiền tiêu của mỗi phía. Mỗi trạm là một lô cốt bê tông được tăng cường một xe bọc thép gắn súng đại liên trong tư thế lì lợm. Những hàng rào kẽm gai trườn ra tít tắp. Hầu như trong tầm mắt không thấy một bóng cây to, một ụ đất lớn nào nhô lên khỏi mặt bằng im ắng dưới ánh nắng chói chang. Tâm trạng của người lần đầu tiên nhập cảnh vào Palestine chẳng khác gì đến thăm một người tù trong trại giam cấm cố! Tĩnh lặng. Hồi hộp. Cam chịu và ngoan ngoãn làm theo mọi chỉ dẫn tuy không quá hà khắc mà thật lạnh lùng!

Đất trời lạ lẫm

Cảm nhận đầu tiên khi ngồi trong xe chạy vào Palestine là một nỗi hả hê của người vừa trút được một gánh nặng tâm lý. Cảm nhận ấy càng được nhân lên nhờ không gian khoáng đãng trải ra trước mắt. Một vùng thổ nhưỡng kỳ bí xuất hiện khiến những ai chưa từng đến Trung Đông không khỏi ngỡ ngàng. Con đường lao sâu vào lãnh thổ với những vạt núi- đồi hoang vắng đến tĩnh không. Đúng là núi đấy, đồi đấy, nhưng không có một khóm cây, ngọn cỏ nào; không có một tiếng chim hay bóng dáng một sinh vật nào. Ngút tầm mắt một màu vàng sáng của sa mạc. Không phải cát, cũng không phải đá và càng không thể là đất! Khô khốc và cằn cỗi là một phần chiếm diện tích mênh mông của lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây.

Nhưng rồi xuất hiện những vùng đồi phủ màu xanh ô liu. Đây là thiên đường của loài cây mà nhành lá mảnh mai của nó được dùng làm biểu tượng của hoà bình, với chất lượng quả và dầu hảo hạng nhất thế giới. Có lẽ loại cây trồng đặc trưng và phổ biến nhất ở xứ sở này là ô liu. Nông thôn đầy ô liu đã đành. Không ngôi nhà nào ở thành phố có khoảnh sân vườn nhỏ mà vắng bóng ô liu. Ở những khu vực làng mạc và dân cư tập trung, có thể thấy nhiều đồi ô liu tầm cỡ trang trại. Không thiếu những vườn ô liu cao niên với thân cây to lớn, xù xì. Thật lạ khi thấy một cây ô liu bách niên giai lão mà tán lá vẫn xanh mướt, xum xuê, dày đặc những chùm hoa trắng đục li ti đang mùa thụ phấn. Giống ô liu thật lạ. Cứ tươi rói giữa đất đồi cằn cỗi. Cứ mướt xanh dưới nắng chói chang khô hạn. Chỉ có vóc dáng khá khiêm nhường của ô liu cho thấy cái khắc khổ mà nó phải chịu đựng để mang lại quả ngon, dầu đượm cho đời.

Thổ nhưỡng lạ lùng thì khí hậu cũng khác biệt. Tháng năm vẫn se lạnh, nhưng bầu trời luôn nắng chói chang. Cái nắng vàng ươm từ trên trời dội xuống lại được màu sa mạc của núi đồi trọc lốc bốc lên khiến vạn vật cứ tươi rói mà không hề chói mắt. Nắng như đổ lửa. Trời không một gợn mây. Mà lạ thay không hề thấy oi bức. Đầu cứ phơi ra thách thức đất trời mà không hề đổ mồ hôi và cũng không cảm nắng hay trúng gió bao giờ. Giữa trưa, chen chân trong dòng người họp chợ dân dã ở trung tâm thành phố Ruammallah, không thấy một ai đội mũ. Một thiếu phụ trùm khăn Hijab đẩy chiếc xe nôi với một cháu nhỏ chưa đầy năm nằm ngủ ngon lành, khuôn mặt bầu bĩnh thản nhiên phơi trần giữa nắng. Càng lạ hơn khi chúng tôi cứ đi suốt ngày dưới nắng như thế mà chỉ thấy ai cũng hồng hào hơn, chứ không hề đen cháy. Thảo nào, các thiếu nữ Palestine cứ đẹp như thiên thần trong tranh thánh!

Thành phố mười nghìn năm:

Jericho, mà người Palestine gọi là Areeha, là một địa phương độc đáo giữa những cái lạ lẫm của Bờ Tây. Thành phố cổ kính này vừa kỷ niệm 10.000 năm hình thành đúng ngày Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Đây là một vùng trù phú với màu xanh phủ kín mặt đất. Hoa rực rỡ. Lá tươi xanh. Những cây phượng xoè tung lửa đỏ giữa không gian nắng vàng tinh khiết gợi nhớ câu hát “tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ”. Một thông tin độc đáo được ông tỉnh trưởng cung cấp: Lượng ô xi trong không khí ở đây cao hơn mức trung bình của thế giới tới 7%. Đó là một trong những yếu tố khiến thảm thực vật ở Jericho trở nên rất độc đáo và chất lượng rau quả rất vượt trội. Chà là Jericho tuy sản lượng không cao, nhưng được coi là loại hảo hạng bậc nhất thế giới. Tiếc là chúng tôi chỉ được thấy những chùm hoa chà là hệt như hoa cau của ta, bởi bây giờ không phải mùa thu hoạch loại quả đặc trưng Arab này. Đất lành chim đậu. Jericho thu hút người tứ xứ đến đây mua đất dựng biệt thự sân vườn. Đại sứ Palestine tại Hà Nội- Saadi Salama cung cấp một thông tin thú vị: Jericho có thể coi là địa phương tự do nhất Bờ Tây. Ở đây, ai muốn theo đạo thì theo. Theo đạo nào tuỳ thích. Ai muốn uống rượu, uống bia thì tuỳ. Ai tu nhân tích đức cứ việc. Và ai chơi bời nhảy nhót cũng chẳng sao! Ấy vậy nhưng không có gì rắc rối trong xã hội. Cứ nhìn những ngôi nhà của người Palestine thì rõ. Tuyệt nhiên không có kín cổng cao tường. Không thấy khung cửa sổ nào dùng chấn song. Ô tô đủ loại thoải mái để qua đêm giữa sân trống hay bên lề đường. Palestine thật là một xã hội an bình như thường thấy ở các quốc gia còn giữ được nền tảng đạo đức và trật tự Hồi giáo truyền thống.

Người tiền sử giữa thế kỷ XXI:

Trên những con đường quanh co uốn lượn theo các triền núi đất trọc lốc, trống trơ, thỉnh thoảng bắt gặp một vài cụm cư dân thật khác lạ. Đó là những nhóm dân du cư truyền thống nơi sa mạc Arab mà thường gọi là “người Bad’wi”. Họ là một thế giới riêng tách biệt hoàn toàn với cuộc sống thời hiện tại. Nơi ở của họ không biết nên gọi là cái gì. Không phải nhà, cũng không ra lều. “Kiến trúc” thảy đều như những ngăn hộp nhỏ, thấp lè tè đủ để chui vào. Vật liệu toàn là đồ phế thải. Từ gỗ thùng, cây tạp; đến cát tông, tấm tôn bỏ đi. Tất cả ráp lại sao cho đủ che nắng, chắn gió. Hoàn toàn không có tác dụng chống chọi với mưa giông hay bão tố. Mà ở xứ này hầu như làm gì có mưa to, lụt lội. Xung quanh liền kề với vách “nhà” là chuồng gia súc, chủ yếu là cừu và dê. Tuyệt nhiên không thấy một “kiến trúc’ vệ sinh hay dịch vụ nào. Không điện. Không có nước dù là tự nhiên hay công nghiệp. Ông thị trưởng thành phố Jericho giãi bày về tình trạng người Bad’wi: Họ tự chọn cách sống như vậy. Nay đây, mai đó. Không chấp nhận bất cứ sự quản lý nào dù là Israel hay Palestine. Chính quyền chỉ có thể giúp cung cấp nước bằng xe bồn cho họ. Ngoài ra, họ tự túc và tự quản hoàn toàn, cách biệt với xã hội xung quanh. Sự cách biệt giữa xã hội Bad’wi ở đây với các đô thị và làng mạc còn lại có thể ví như những nhóm người tiền sử ngang nhiên tồn tại giữa thế kỷ XXI vậy.

“Rốn” của trái đất:

Một điều ít người biết đến là lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây ôm trong mình một vùng “rốn của trái đất”. Đó là khu vực Biển Chết. Nếu dãy núi Himalaya là nóc nhà của thế giới, thì Biển chết là nơi trũng sâu nhất của tất cả năm châu. Khu vực này chạy dài giữa Jordani và Israel- Palestine. Lãnh thổ Bờ Tây của Palestine sở hữu phần lớn độ dài phía tây- bắc của Biển Chết. Phần còn lại phía tây- nam của bờ Biển này thuộc lãnh thổ Israel. Nhưng kể từ sau chiến tranh 1967, Israel đã chiếm trọn quyền làm chủ toàn bộ chiều dài của phía tây “cái rốn” độc đáo này của thế giới. Con đường xe hơi từ thành phố Rummallah về hướng đông để đến Jericho (đô thị nằm ở phía tây- bắc Biển Chết) uốn lượn giữa hai bên sườn núi đất cứng trọc lốc cứ hun hút như trườn xuống vực thẳm. Thỉnh thoảng lại có một dải màu xanh vắt ngang sườn núi bên đường chỉ độ sâu của vị trí dưới mực nước biển. -100, rồi -150 và đến gần bờ Biển Chết là… -430m! Ngồi trong xe máy lạnh kín bưng mà cứ như đang bay trên độ cao vạn mét. Đầu ong ong. Tai ù ù và gần như điếc đặc! Không hiếm người đã “hưởng” cái cảm giác trên chín tầng mây hoặc dưới hầm sâu bưng bít. Nhưng chắc cảm nhận về một không gian mênh mông lọt thỏm dưới -400m so với mực nước biển thì quả là hiếm có!

Làm gì có khu vực nào trên thế giới này có một Biển Chết thứ hai nữa chứ?! Biển Chết quả là xứng với danh xưng của nó theo nghĩa đen. Lọt thỏm giữa lục địa khô cằn là hồ nước mênh mông bát ngát, mặn đến mức không một sinh vật nào sống được, dù là thực vật hay động vật. Điều kỳ thú là tắm tại Biển Chết người ta không thể chết đuối được. Không biết bơi cũng cứ nổi lềnh phềnh. Tha hồ nằm ngửa giữa làn nước sóng sánh mà ngắm bầu trời bao la cao vời vợi không một gợn mây. Ấy thế mà chất nước ở Biển Chết là nguyên liệu cực kỳ quý hiếm cho công nghiệp bào chế các loại mĩ phẩm dưỡng da hảo hạng nhất. Đàn bà con gái đến đây, ngoài ngâm mình dưới nước, thoả trí bồng bềnh, trát bùn đen mặn chảt lên khắp người… rồi ai cũng khuân một đống mĩ phẩm dưỡng da có một không hai trên thế giới!

Quan lớn bình dị và thuờng dân trí thức:

Những cuộc tiếp xúc theo chương trình “ăn đong” giữa đoàn chúng tôi với một số quan chức cấp cao Palestine đều mang lại cảm nhận là họ vẫn mang đậm bản chất của những người trí thức tham gia cách mạng. Quyền cao chức trọng đấy, những họ đều là những chiến sĩ với tầm tri thức đáng nể trọng.

Ông Jibreel Rajoub- uỷ viên Uỷ ban Trung ương của Phong trào Fatah- tức là uỷ viên của một cơ chế lãnh đạo tương đương với Bộ chính trị của đảng cầm quyền. Ông tiếp chúng tôi trên cương vị chủ tịch Liên đoàn bóng đá Palestine- cơ quan chủ quản đứng tên mời đoàn Việt Nam đầu tiên này đến thăm Palestine vào dịp tưởng nhớ “Ngày thảm cảnh” (Nakba) 15 tháng 5 năm nay. Trước cuộc tiếp “chính thức” ngày 21/5 tại sân vận động Rummalahh, Rajoub đã có lần gặp chúng tôi tại khách sạn Moevenpick sang trọng mới khai trương tại Rummallah. Khi ấy, nếu không có sự giới thiệu của đại sứ Saadi Salama thì chúng tôi không thể nghĩ người đối diện là một quan chức “chóp bu” của Palestine. Ông thật cao lớn và quắc thước, nhưng trang phục bình dị và tác phong hoà đồng; mới gặp lần đầu mà ông chuyện trò thoải mái như với những người trong nhà với nhau. Qua lời Rajoub, tôi mới tự giải đáp được thắc mắc cứ đeo bám mãi lâu nay: Vì sao Liên đoàn bóng đá Palestine, với một nền bóng đá hết sức khiêm tốn, lại cần đến một vị chủ tịch có cương vị lớn như thế trong “đảng Fatah”? Thì ra Liên đoàn bóng đá này có chức năng tập hợp thanh niên Palestine vào hoạt động thể dục thể thao- một hoạt động có sức thu hút mạnh mẽ đông đảo giới trẻ, để họ sẽ nối tiếp sự nghiệp cách mạng Palestine cho đến khi đạt được những mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn.

Bà bộ trưởng Du lịch và Di sản của chính quyền Palestine thì tiếp chúng tôi tại văn phòng đặt tại tỉnh lẻ Beit Lahem- không phải tại “đủ đô” Rummallah như thông lệ thường thấy ở các quốc gia. Theo lời bà, văn phòng bộ trưởng Du lịch phải đặt ở địa phương thu hút du khách đông đảo nhất. Nơi đây có những di tích lịch sử- tôn giáo hàng đầu thế giới mà nổi bật nhất là Thánh đường Máng Cỏ- nơi Đức chúa Jesu ra đời. Vào văn phòng của bộ trưởng mà cứ nghĩ là phòng của… thư ký, bởi chỉ tương đương hình thức văn phòng của một vị đứng đầu một huyện nghèo ở Việt Nam. Căn phòng chỉ chừng 15 mét vuông. Bàn ghế, trang bị tầm tầm. Phong cách tiếp khách của nữ bộ trưởng cũng rất quần chúng và thoải mái. Mỗi người một chai nước khoáng với li cốc đàng hoàng. Nhưng khi thấy bà bộ trưởng mở nắp chai và tu trực tiếp một cách ngon lành, thì khách cũng cảm nhận ngay sự thoải mái, cởi mở như người thân lâu ngày gặp lại. Vậy mà khi vào chuyện, bà bộ trưởng trực tiếp trình bày bằng tiếng Anh trôi chảy mọi thông tin ngắn gọn mà xúc tích liên quan đến vấn đề du lịch và di sản của Palestine trong hoàn cảnh chưa có chủ quyền. Trường hợp gặp ông tỉnh trưởng tỉnh al-Khaleel và thị trưởng thành phố Jericho cũng vậy. Vị quan chức đứng đầu một tỉnh của chính quyền Palestine không cần phiên dịch và chẳng có giấy tờ gì, cứ một mình trình bày và giải đáp mọi câu hỏi của khách nước ngoài- chúng tôi, bằng tiếng Anh lưu loát.

Một số lần đoàn chúng tôi được đại sứ Saadi Salama đưa đến thăm những người quen thuộc của anh tại những làng quê bình dị, thì lại chẳng khó khăn gì để được tiếp xúc với những người nông dân hoặc anh cán bộ làng xã mà họ cũng nói tiếng Anh, tiếng Pháp trực tiếp với khách. Họ kể về quá trình tham gia cách mạng ra sao? Ra tù vào ngục của Israel bao nhiêu lần như thế nào? Rồi những hiểu biết về cách mạng Việt Nam, về tình cảm với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…

Tiếp xúc với những vị quan lớn bình dị và những người dân thường trí thức như thế khiến tôi so sánh với thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng Việt Nam. Khi ấy, các cán bộ trung- cao cấp của chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu cũng đều là những trí thức làm cách mạng. Họ vừa uyên thâm về trí tuệ, vừa thông thạo ngoại ngữ, lại vừa có lối sống bình dị và phong cách làm việc của những người chiến sĩ.

Người “tự do” và dân tị nạn:

Cuộc sống và con người Palestine thật khác lạ so với những vùng đất Arab xung quanh. Cũng là người Palestine nhưng họ thuộc các “loại” hưởng những chế độ rất khác nhau. Có những người vẫn sinh sống trong lãnh thổ mà từ năm 1948 đã trở thành nhà nước Israel. Họ là nhóm người Arab thiểu số làm công dân của nhà nước Do Thái. Còn người Palestine ở Bờ Tây, tuy cùng trong tình cảnh bị chiếm đóng, nhưng có người sống trong các trại tị nạn do Liên Hợp Quốc quản trị và có người sống “tự do” nơi những làng mạc và thành phố thanh bình.

Các thành phố Palestine hầu như đều nằm trên những vùng đồi nhấp nhô liên tiếp. Đường phố cứ lên cao xuống thấp chập trùng gợi nhớ một Đà Lạt phóng to hoặc một góc của San francisco thu nhỏ. Rummallah- thủ phủ Bờ Tây là một thành phố đặc trưng bởi những con đường uốn lượn ven sườn núi. Càng leo lên cao càng có cảm giác bồng bềnh khi phóng tầm mắt xuống thung lũng hun hút sâu, nhấp nhô những ngôi nhà đá trắng bao quanh bởi những vườn ô liu xanh ngắt. Thành phố không có dáng vẻ choáng lộn và đồ sộ như thường thấy ở các đô thị lớn bên trời Âu- Mỹ. Không hề có những đại lộ hay những đường nổi cao tốc nhiều tầng. Cũng không có cầu vượt, hầm chui rối mắt. Khu phố cũ nhỏ bé với những con đường tương đối hẹp và cái chợ truyền thống buôn bán giữa trời, rộn ràng tiếng rao hàng đủ kiểu. Một âm thanh không thể thiếu là những tiếng ngân nga vang vọng phát ra từ những chiếc loa nơi các giáo đường nhắc nhở tín đồ Hồi giáo thực thi nghĩa vụ cầu nguyện mỗi ngày năm lượt. Người dân sống trong các thành phố do chính quyền Palestine tự quản hầu như được hưởng một nền tự do thoải mái. Cư dân ở đây có dáng vẻ của người châu Âu, thoáng đãng hơn nhiều xứ sở Hồi giáo khác trong khu vực. Nhưng cũng ngay trong các thành phố ấy lại có những trại tị nạn do Liên Hợp Quốc quản trị và bảo trợ.

Nghe nói tới “trại tị nạn”, ta thường liên tưởng đó là những khu lều trại tồi tàn, thiếu thốn đủ điều mà những người chạy loạn phải tá túc và sống nhờ sự cưu mang của quốc tế. Nhưng đến Palestine thì chợt nhận ra không thể gọi là “trại” được, mà phải đổi thành “khu tị nạn”, hoặc “phường tị nạn” mới đúng. Nếu không có ai giới thiệu trước, thì có lọt vào giữa một trại tị nạn cũng chỉ ngỡ mình đang đi vào một khu phố tương đối nghèo mà thôi. Nhà cửa ở đây san sát, liền kề chứ không chỉ toàn biệt thự và nhà biệt lập kiên cố như thường thấy tại các khu dân cư bên ngoài trại tị nạn. Hầu hết cũng đều là nhà tầng. Tuyệt nhiên không có ngôi nhà nào cỡ tiêu chuẩn “cấp bốn” như thường thấy khá nhiều ngay tại các thành phố lớn của ta. Người trong trại tị nạn cũng có đủ “điện, đường, trường, trạm”. Họ chẳng thiếu gì ô tô cá nhân. Cũng hàng quán, sân bóng, giáo đường… Thời mới phải tị nạn cách nay 63 năm, những khu này đúng là chỉ toàn lều trại tạm bợ. Nhưng cảnh tha phương tị nạn kéo dài khiến Liên Hợp Quốc bước đầu xây dựng cho mỗi gia đình một hai phòng kiên cố. Rồi sau đó, những người tị nạn phải tự bươn chải, dành dụm mà cơi nới, xây dựng thêm để đáp ứng sự tăng nhân khẩu “cấp Arab” trong mỗi gia đình. Chỉ có diện tích khu tị nạn là không thể nới thêm, thành ra nhà nhà san sát. Nay ai muốn cơi nới thì chỉ có cách chồng thêm tầng lên cao. Cuộc sống của cư dân trại tị nạn đương nhiên đạm bạc và tầm tiệm hơn so với đồng bào của họ sống tự do ngoài phố. Nhưng có lẽ không ai thiếu đói theo nghĩa đen và cũng không con trẻ nào thất học. Nỗi bức bách nặng nề và dai dẳng nhất của cư dân tị nạn là ngày đêm trông ngóng được quyền trở về quê hương bản quán của họ nay lọt thỏm trong lãnh thổ Israel, bị ngăn cách bởi những hàng rào “biên giới” dày đặc và những bức tường an ninh sừng sững do Israel dựng lên để bảo đảm an toàn cho nhà nước chiếm đóng.

Bức bách chiếm đóng:

Những bức tường ngăn cách quả là chọc tức! Những hàng rào kẽm gai chiếm đất quả là chướng mắt! Trên các con đường quốc lộ và liên tỉnh, thỉnh thoảng lại gặp một chốt kiểm soát cố định do Israel dựng lên để khám xét người qua lại mỗi khi họ thấy cần phải làm thế. Ở các chốt kiểm soát ấy, có những “lô cốt” nhỏ giữa đường, những khối bê tông chềnh ềnh bóp luồng xe hẹp lại. Bất kể xe nào tới đó cũng không thể không giảm tốc độ tối đa và luồn lách chữ chi để khỏi đụng phải các khối bê tông được cố tình đặt cho thật rối rắm. Những “hiện vật” kỳ quái ấy hằng ngày đập vào mắt người Palestine như một nỗi bất công, nhức nhối kéo dài suốt 63 năm qua. Mỗi khi đụng vào các “hiện vật” quái đản ấy, người Palestine lại sôi lên uất hận, muốn lập tức ném đá để diệt trừ quỷ dữ như cách người Hồi giáo vẫn làm khi thực thi các nghi thức của Đại lễ al-Hajj tại Thánh địa Mecca vào mùa hành hương hằng năm.

Chứng kiến một cuộc biểu tình phản đối các hàng rào ngăn cách do Israel dựng lên để chiếm đất, mới thấy thật cảm thông sâu xa với thân phận của những người Palestine không có độc lập, chủ quyền mà quê cha đất mẹ đang bị kẻ khác chiếm đoạt. Tại ngôi làng Bel’ean thanh bình, cứ thứ sáu hằng tuần- ngày nghỉ của xã hội Hồi giáo, lại có cuộc biểu tình phản đối như thế. Ngôi làng nhỏ nằm trên một quả đồi với nhiều vườn ô liu lâu năm tĩnh mịch. Một con đường trải nhựa chạy qua làng, dẫn đến quả đồi bên kia thì bị khựng lại bởi một hàng rào kẽm gai ngăn cách, để “đánh dấu lãnh thổ” của một khu định cư Do Thái mà Israel dựng lên từ sau chiến tranh năm 1967. Chạy liền kề hàng rào kẽm gai là một con đường đất uốn lượn quanh chân đồi. Con đường ấy dành riêng cho xe quân đội Israel tuần tra bảo vệ khu định cư của những người chiếm đóng. Rồi đến một hàng rào kẽm gai nữa. Sau đó mới là con đường nhựa phẳng lì hoàn toàn thuộc quyền của người Do Thái. Khu đồi mênh mông bị bao bọc bởi hai lớp hàng rào kẽm gai và một con đường tuần tra, tạo một xã hội hoàn toàn cách biệt với những người bản địa. Một khu làng Do Thái lọt thỏm giữa không gian mênh mông của trang trại ô liu. Những dãy nhà mái đỏ cùng một kiểu dáng và được xây dựng theo một trật tự ngăn nắp hệt một trại lính. Ngôi làng Do Thái nghiêm mật ấy đối nghịch hoàn toàn với ngôi làng Palestine, nơi có những biệt thự khiêm tốn lọt giữa những khu vườn ô liu theo một bố cục hết sức tự nhiên và khoáng đạt.

Đoàn biểu tình chỉ khoảng trăm người, với loa khởi xướng hô khẩu hiệu và cờ nhỏ trên tay, tiến theo con đường dẫn xuống chân đồi, hướng về phía hàng rào kẽm gai. Ở đó, đã thấy lô nhô những sắc lính súng ống nai nịt và xe vòi rồng chực sẵn. Có lẽ mọi chuyện đã quá quen thuộc bởi diễn ra đều đặn hằng tuần. Biểu tình cứ kéo đến. Cứ hô hoán và ném đá. Lính tráng bên kia chờ sẵn. Rồi phun nước thối. Rồi bắn đạn hơi cay, đạn cao su. Đôi bên ở hai phía của hàng rào kẽm gai. Chẳng có sự va chạm nào! Có lẽ hiếm khi lính Israel bị trúng đá do người biểu tình ném. Còn người biểu tình thì đương nhiên hứng chịu nước thối vòi rồng và sặc sụa hơi cay đến tức thở!

Những người biểu tình tản ra, mong manh lọt thỏm giữa không gian mênh mông. Một số người núp dưới bóng những cây ô liu rải rác, nhẫn nhịn mà không lùi bước. Phía bên kia, những kẻ vũ trang nhởn nhơ sau hàng rào kẽm gai bởi chẳng có hiểm nguy nào với họ. Cuộc đối đầu lọt thỏm giữa một khung cảnh mênh mông thanh bình, chói chang nắng vàng. Những tiếng hô khản đặc và những tiếng nổ của đạn khói thi thoảng bắn ra trở nên nhỏ nhoi, lạc lõng trong bầu không khí tĩnh mịch của miền quê yên ả. Thật là một cuộc đương đầu đầy tính biểu tượng giữa một bên là những người Palestine kiên trì, bền bỉ đòi đất đai của mình, với bên kia là những tên lính thể hiện sư ngạo mạn và lì lợm của kẻ chiếm đóng bất cần phải trái!

 

Nhưng Sách Thánh- Qoraan thiêng liêng của Hồi giáo đã xác nhận cội nguồn tổ tiên của dân tộc Arab và dân tộc Do Thái là hai anh em cùng một cha. Theo người Arab, vị thuỷ tổ này tên là Ibraheem. Người Do Thái cũng có danh xưng này nhưng gọi chệch đi là “Abraham”. Chớ trêu thay, hai anh em ruột ấy lại chối bỏ nhau đến mức “quyết không đội trời chung” suốt mấy ngàn năm lịch sử. Cả người Hồi giáo theo chủ thuyết “nguyên gốc” và người Do Thái giáo tôn thờ lý tưởng Sionist (Phục quốc Do Thái) đều quả quyết rằng vùng lãnh thổ từ Hồng Hải đến Biển Chết là của riêng dân tộc họ, cự tuyệt sự hiện hữu của dân tộc anh em kia. Thôi thì lịch sử mấy nghìn năm qua đã là thế; hết người Do Thái bị phiêu bạt ly tán tứ phương đến người Arab Palestine bị mất tổ quốc phải sống đời tị nạn hơn sáu mươi năm qua. Ngày nay, tuy hận thù còn đó; chưa có đường thoát nào cho một giải pháp xoá bỏ tình trạng chiếm đóng bất công của Israel. Nhưng người Palestine và người Israel vẫn sống xen kẽ với nhau trong một khu vực lãnh thổ. Có lẽ số mệnh đã an bài để người Arab Palestine và Do Thái Israel không thể rời xa vùng lãnh thổ độc đáo này của thế giới.

Cầu Thánh Allah từ bi nhân hậu và Đức Moses cao cả ban phước lành cho hai người anh em ruột Arab và Do Thái xoá bỏ bất công, gác lại hiềm thù, để chung sống yên bình, hoà thuận dưới cùng một bầu trời trong xanh đầy nắng, mướt một màu ô liu thanh bình./.