Trang chủ Đại sứ quán Tin tức & Thông cáo Báo chí Đại sứ Palestine: Yêu mảnh đất, yêu con người Việt

Đại sứ Palestine: Yêu mảnh đất, yêu con người Việt

Chủ nhật, 02 Tháng 2 2014 15:31

(VEN) - Trong cảm nhận và những trải nghiệm riêng của ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine qua 11 lần đón tết truyền thống Việt Nam - hình thức tổ chức tết Việt dù đã có sự thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên vẹn nét truyền thống đặc trưng mà theo Đại sứ được gói lại bằng 8 chữ “gắn kết, đoàn kết, nhân ái, vị tha”.

Dù đã có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với nhiều Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam nhưng ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine là một trong số ít Đại sứ đã để lại cho tác giả bài viết này một ấn tượng sâu sắc không chỉ bởi ông nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ của mình mà còn vì sự am hiểu và tình yêu sâu đậm của ông dành cho Việt Nam.

 alt

Tôi đến gặp ông vào một buổi chiều của những ngày cuối năm. Đúng giờ hẹn, Đại sứ niềm nở đón tiếp tôi bằng một nụ cười rất mến khách và không quên xin lỗi khi không thể tiếp được tôi sớm hơn do có cuộc trao đổi với đoàn làm phim của Palestine đang thực hiện một bộ phim tài liệu về Việt Nam.

 Mở đầu cuộc nói chuyện, Đại sứ trải lòng cho biết, ông đến Việt Nam lần đầu tiên vào đầu năm 1980, khi đó ông mới 18 tuổi với tư cách một du học sinh của Palestine theo học tại Việt Nam. Trước khi tới đây, qua sách báo được đọc, ông đã rất khâm phục tinh thần quả cảm của con người Việt Nam. Ông nói rằng, đối với người Palestine, Việt Nam là một biểu tượng của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất để giành độc lập, tự do - niềm khát khao mà người dân Palestine vẫn đang từng ngày mơ ước. Và rồi, khi được tự mình trải nghiệm và học tập tại đây, một lần nữa con người Việt Nam đã chinh phục ông hoàn toàn bởi sự sáng tạo, cần cù, chăm chỉ.

 Ông nói rằng, ông yêu mảnh đất, yêu con người nơi đây. Chính vì những ấn tượng sâu sắc đó, con người Việt Nam có một sức hút lạ kỳ và thôi thúc ông “phải tìm hiểu cho kỳ được về văn hóa, phong tục của đất nước nhỏ bé mà vĩ đại”. Sau này, dù kết thúc 4 năm học tại Việt Nam và nhậm chức ngoại giao tại một số nước trên thế giới, nhưng “Việt Nam vẫn nằm trọn trong tâm trí, suy nghĩ, tình cảm” của ông. Để rồi cơ duyên lại một lần nữa đưa ông về với Việt Nam trên cương vị là Đại sứ Palestine tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay.

Ông nói mình đã “Việt Nam hóa”, và rằng “rất ít khi ông có cảm giác mình là người nước ngoài khi sinh sống trên mảnh đất hình chữ S thân thương này”. Một liên hệ cụ thể nhất khi được hỏi về những sinh hoạt trong ngày Tết của mình, ông bộc bạch: “Sống ở Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, nói chuyện tiếp xúc với người Việt, nên theo các cụ nói, tôi cần phải “nhập gia tùy tục”. Do đó, đến Tết cũng phải đi mua sắm giống như một người Việt Nam”. Chẳng thế mà những bạn Việt Nam của ông đến chơi nhà trong dịp Tết đều chia sẻ rằng "tuy đến nhà một vị Đại sứ nhưng cũng được hưởng trọn vẹn một không khí Tết Việt”. Cành đào, cây quất được trang trí trong nhà; bánh chưng có trên bàn thờ; hạt bí, mứt sen… vẫn có đầy đủ trên bàn tiếp khách.

Hòa theo những hoạt động trong ngày Tết Việt, ông cũng dành thời gian cùng gia đình đi chúc Tết bạn bè và những người thân. “Tôi thường đi chúc Tết bạn bè vào ngày mùng 2. Vì ngày mùng 1 để dành cho gia đình họ. Đến chúc Tết mỗi nhà, nếu gặp người có tuổi và trẻ em, tôi cũng sẽ mừng tuổi rồi gửi đến những lời chúc năm mới và ngồi lại một lúc để chuyện trò”, ông Saadi Salama hào hứng kể.

Hồi tưởng những cảm xúc về cái Tết Việt đầu tiên được trải nghiệm năm 1981, ông chia sẻ mình đã dành rất nhiều thời gian để quan sát và tìm hiểu. Điều khác biệt đầu tiên ông nhận thấy so với Tết ở Palestine là sự nô nức của mọi người trong không khí chuẩn bị cho một ngày lễ lớn. Khắp các nẻo đường, hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc chào đón xuân về. Ai ai cũng tập trung ở nhà luộc bánh chưng, rang lạc, rang hạt bí, làm mứt sen…

Một điều nữa cũng gây ấn tượng đặc biệt sâu sắc với ông là giờ phút người người nhà nhà cùng nhau rộn ràng chào đón giao thừa. “Tết Việt như thể hiện sự đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam”, ông bày tỏ./.

 

Ông Saadi Salama -  Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Với tư cách là người con cách mạng Palestine từng sang Việt Nam học tập và hiểu nhiều về hy sinh mất mát của nhân Việt Nam, tôi tin tưởng dân tộc Việt Nam có đủ tiềm năng để góp phần cho sự phát triển kinh tế, hòa bình trên khu vực và thế giới. Chúc cho tình hữu nghị và hợp tác của hai dân tộc chúng ta sẽ ngày càng được củng cố và thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.

 

Hoa Lê

Báo Công thương